Cách thức thông thường được nhiều DN thực hiện là công ty mẹ bán nguyên vật liệu, thiết bị, máy móc cho công ty con với giá cao hơn giá thị trường để làm tăng chi phí, tăng khấu hao máy móc, thiết bị tại công ty con. Ngược lại, công ty con bán thành phẩm cho công ty mẹ với giá thấp hơn giá thị trường để làm giảm thu nhập chịu thuế. Kết quả của việc chuyển giá là ngân sách nhà nước bị thất thu do không thể thu được thuế TNDN, trong khi DN lại phát triển.
Tại nhiều kỳ họp Quốc hội, TS. Trần Du Lịch, nguyên Viện trưởng Viện Kinh tế TP.HCM, đã bày tỏ bức xúc trước tình trạng chuyển giá tại Việt Nam đang diễn ra phổ biến và ngày càng tinh vi, phức tạp.
Thừa nhận tình trạng chuyển giá đang diễn ra, Bộ trưởng Bộ Tài chính Vũ Văn Ninh cho biết, ngành tài chính đã và đang nỗ lực nhằm kiểm soát hành vi này, nhưng trong nhiều trường hợp vẫn không thể kiểm soát được việc chuyển giá.
TP.HCM hiện có khoảng 3.500 DN có vốn đầu tư nước ngoài đang hoạt động, báo cáo quyết toán thuế từ năm 2008 trở về trước, năm nào cũng có khoảng 61% trong số này kê khai kinh doanh thua lỗ. Tình trạng DN có vốn đầu tư nước ngoài kê khai kinh doanh thua lỗ trong năm 2009 cũng không thuyên giảm. Nhưng điều đáng nói là, mặc dù kê khai hoạt động kinh doanh thua lỗ, song các DN không ngừng mở rộng hoạt động sản xuất - kinh doanh, tăng quy mô hoạt động. Thực tế này, theo ông Lịch, là do các công ty mẹ ở nước ngoài đã thực hiện chuyển giá, tìm mọi cách để công ty con không có lãi và toàn bộ số lãi của công ty con được chuyển về công ty mẹ, làm thất thu cho ngân sách nhà nước.
Để ngăn chặn tình trạng chuyển giá, Bộ Tài chính đã giao Tổng cục Thuế xây dựng hướng dẫn việc xác định giá thị trường trong giao dịch kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết (thay thế Thông tư 117/2005/TT-BTC) nhằm xác định lại giá giao dịch mua, bán, trao đổi, thuê, cho thuê, chuyển giao, hoặc chuyển nhượng hàng hóa, dịch vụ trong quá trình kinh doanh giữa các bên có quan hệ liên kết theo đúng giá thị trường để làm căn cứ xác định số thuế TNDN phải nộp.
Theo Dự thảo của Tổng cục Thuế, có 13 loại giao dịch được coi là giao dịch quan hệ liên kết. Cụ thể, nếu 1 DN nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn của DN khác; cả 2 DN đều có ít nhất 20% vốn đầu tư do bên thứ ba nắm giữ; cả 2 DN đều nắm giữ trực tiếp, hoặc gián tiếp ít nhất 20% vốn đầu tư của bên thứ ba đều được xem là có quan hệ liên kết. Ngoài ra, nếu 2 DN cùng có trên 50% thành viên ban lãnh đạo, hoặc cùng có một thành viên ban lãnh đạo có quyền quyết định các chính sách tài chính, hoặc hoạt động kinh doanh được chỉ định bởi bên thứ ba; 2 DN được điều hành hoặc chịu sự kiểm soát về nhân sự, tài chính và hoạt động kinh doanh bởi các cá nhân là thành viên trong một gia đình (như giữa vợ và chồng; bố, mẹ và các con; anh, chị, em với nhau...) đều được coi là có quan hệ liên kết.
Cũng theo quy định trên, DN là cổ đông lớn nhất và nắm giữ ít nhất 10% vốn của DN khác; DN bảo lãnh, hoặc cho DN khác vay vốn dưới bất kỳ hình thức nào với khoản vay ít nhất bằng 20% vốn đầu tư của DN đi vay và chiếm trên 50% tổng giá trị các khoản nợ trung và dài hạn của DN đi vay; DN cung cấp trực tiếp, hoặc gián tiếp trên 50% tổng giá trị nguyên vật liệu, vật tư, hoặc sản phẩm đầu vào DN khác đều được coi là giao dịch liên kết...
Tất cả các bên tham gia giao dịch liên kết nêu trên phải có nghĩa vụ kê khai, xác định thuế TNDN theo giá thị trường dựa vào 1 trong 5 phương pháp là so sánh giá giao dịch độc lập, giá bán lại, giá vốn cộng lãi, so sánh lợi nhuận và phương pháp tách lợi nhuận. Và tùy theo mỗi phương pháp cụ thể này, DN xác định giá thị trường của sản phẩm hàng hoá, dịch vụ trực tiếp ra đơn giá sản phẩm, hoặc gián tiếp thông qua tỷ suất lợi nhuận gộp hoặc tỷ suất sinh lời của sản phẩm.
Theo Dự thảo trên, cơ quan thuế có quyền ấn định mức giá được sử dụng để kê khai tính thuế, ấn định thu nhập chịu thuế hoặc số thuế TNDN phải nộp đối với DN có giao dịch liên kết trong trường hợp DN dựa vào tài liệu, dữ liệu và chứng từ không hợp pháp, không hợp lệ, hoặc không nêu rõ nguồn gốc xuất xứ để xác định mức giá, tỷ suất lợi nhuận gộp, hoặc các tỷ suất sinh lời áp dụng cho giao dịch liên kết; DN tạo ra giao dịch độc lập giả mạo, hoặc sắp đặt lại giao dịch liên kết thành giao dịch độc lập.
Cơ quan thuế cũng có quyền ấn định giá tính thuế, số thuế TNDN phải nộp trong trường hợp DN không kê khai, hoặc kê khai không đầy đủ các giao dịch liên kết phát sinh trong năm quyết toán thuế; DN không thực hiện đúng yêu cầu về thời hạn cung cấp thông tin, dữ liệu và tài liệu để chứng minh cho việc kê khai, hạch toán giá thị trường đối với giao dịch liên kết. Ngoài ra, nếu cơ quan thuế nghi ngờ DN không áp dụng, hoặc cố tình áp dụng không đúng các quy định hiện hành cũng sẽ tiến hành ấn định giá tính thuế TNDN.
(Theo Mạnh Bôn // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com