Một tháng kể từ khi ba ông lớn (MobiFone, Vinaphone, Viettel) nhập và phân phối điện thoại iPhone chính hãng tại VN, theo ước tính, lượng iPhone bán ra không như mong đợi của nhà nhập khẩu, còn đại đa số khách hàng ngày càng tỏ vẻ thờ ơ.
Ảnh: T.L |
Ít người mua
Sự kiện ba ông lớn Viettel, VinaPhone và MobiFone đều là nhà cung cấp chính thức iPhone 3G cho Apple tại Việt Nam, đã thu hút được sự chú ý của dư luận. Sau một tháng, nhìn lại câu chuyện kinh doanh này vẫn có nhiều chuyện để nói.
Giá bán iPhone 3GS 16 GB của VinaPhone là 12 triệu đồng kèm mức thuê bao thấp nhất 400.000 đồng/tháng. Cộng tất cả các khoản, số tiền khách hàng phải bỏ ra sau hai năm để sở hữu iPhone 3GS tương đương 21,6 triệu đồng. Mức giá của Viettel thấp hơn một chút, cho phép khách hàng có thể mua máy không ràng buộc với giá 13,6 triệu đồng (bản khóa mạng) hoặc 14,2 triệu (bản quốc tế) cho 3GS 16 GB, thấp hơn hàng xách tay (14,6 triệu đồng).
Nhà mạng cũng mạnh tay khuyến mại hàng triệu đồng cho thuê bao trong thời gian cam kết sử dụng dịch vụ. Vậy có phải là các nhà mạng chấp nhận lỗ để cạnh tranh với các nhà chuyên phân phối điện thoại trên thị trường?
Một lãnh đạo của Viettel tiết lộ, từ kinh nghiệm Blackberry, Viettel thấy kinh doanh iPhone cũng không dễ. Việc mạng này giành bằng được hợp đồng phân phối iPhone cũng nhắm vào mục đích cải thiện hình ảnh.
Điều này có thể thấy qua việc có tới 120.000 người đăng kí mua iPhone của các nhà mạng nhưng trong ngày đầu tiên, số máy iPhone chính hãng được bán ra không vượt quá con số 1.000. Sau hơn một tháng, lãnh đạo các mạng vẫn cho rằng việc kinh doanh thuận lợi nhưng đều từ chối cung cấp số lượng chính xác lượng máy đã bán.
Theo ước tính đến nay cả hai mạng chỉ bán được khoảng 6.000 chiếc iPhone, trong khi số tiền bỏ ra nhập máy của các mạng ước tính khoảng 10 triệu USD. Với kiểu bán mỗi ngày chỉ được vài chục máy hiện nay, nhà mạng sẽ phải mất một thời gian khá dài mới thanh lý được hết số máy iPhone đã nhập về.
Phó Giám đốc Chiến lược của Viettel Telecom, ông Nguyễn Việt Dũng cho biết, hiện lượng máy iPhone 3GS mà nhà cung cấp này bán ra vẫn đều đặn và theo đúng lộ trình đã dự tính. Tuy nhiên, về lâu dài, Viettel và Apple sẽ có những điều chỉnh để thích ứng với thị trường từ chính sách bán hàng đến cung cấp các sản phẩm mới.
Chủ yếu làm thương hiệu?
Đại diện của VinaPhone cũng xác nhận lợi nhuận từ việc bán máy iPhone, sau hơn một tháng chính thức phân phối, là không cao như kỳ vọng. Tuy nhiên, nhà mạng không hề lỗ vì giá máy các mạng nhập về bao giờ cũng là giá gốc, rẻ tới hàng chục phần trăm. Cái lợi lớn hơn của nhà mạng là vấn đề làm thương hiệu.
“Việc VinaPhone bắt tay với các nhà sản xuất thiết bị đầu cuối để cung cấp máy điện thoại cho khách hàng là nhằm mang lại các sản phẩm tốt nhất và chính hãng cho khách hàng, tạo điều kiện tốt cho các thuê bao sử dụng dịch vụ”- Ông Hồ Đức Thắng, Phó giám đốc công ty VinaPhone nói.
Một chuyên gia về giá khẳng định, việc kinh doanh iPhone không phải dễ ăn. Bằng chứng là một số nhà mạng khác của Nga năm ngoái cũng trong tình trạng khóc dở mếu dở vì không hoàn thành mức khoán của Apple khi bán iPhone, nên bị phạt một số tiền lớn.
Ngoài ra, do là nhà phân phối chính thức nên việc phá giá để chiếm thị trường cũng không được phép. Vì vậy các nhà mạng đều không bán điện thoại riêng mà luôn bán kèm theo các gói dịch vụ buộc khách hàng sử dụng trong thời gian dài. Bởi thế, dù có muốn giải toả hàng nhanh để thu hồi vốn cũng không dễ.
Với Viettel, đây không chỉ là lần đầu họ đứng ra phân phối hàng chính hãng. Trước đó, nhà mạng này đã nhận quyền phân phối Blackberry tại Việt Nam. Do chính sách của nhà sản xuất, giá của một chiếc Blackberry do Viettel phân phối cao hơn nhiều triệu đồng so với giá hàng xách tay của các nhà phân phối không chính thức khác. Điều này thấy rõ nhất ở dòng điện thoại Blackberry Bold. Giá thị trường chỉ nhỉnh hơn 8,5 triệu đồng trong khi Viettel ra giá hơn 14 triệu đồng/chiếc. Ngoài ra, mua Blackberry của nhà mạng, khách hàng bắt buộc phải đăng ký dịch vụ Pushmail với cước phí hơn 300.000 đồng/tháng. Vì vậy, Blackberry của nhà mạng luôn trong tình trạng ế ẩm, đến nỗi nhiều cán bộ của Viettel đành thắt lưng buộc bụng mua dùng. |
(Theo Phạm Tuyên // Tienphong Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com