Căn cứ Nghị định 109 của Chính phủ, thì chỉ còn hơn hai tháng nữa, những doanh nghiệp không đủ điều kiện sẽ không được tham gia xuất khẩu gạo. Vậy mà tính đến giờ, số doanh nghiệp đã được Bộ Công Thương chứng nhận đủ điều kiện, chẳng là bao. Vì sao?
Ngán vốn?
Doanh nghiệp đầu tiên của Việt Nam được nhận giấy chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo từ Bộ Công Thương vào ngày 9-6, tức mãi đến hơn bảy tháng sau khi Nghị định 109 được ban hành, là Công ty cổ phần Xuất nhập khẩu An Giang (Angimex). Và tính đến đầu tuần này, cũng chỉ có tổng cộng khoảng 20 doanh nghiệp được “danh chánh ngôn thuận” tham gia xuất khẩu gạo từ ngày 1-10-2011, nếu căn cứ theo Nghị định 109. Vì sao doanh nghiệp “thích ứng” với luật quá chậm, bởi lẽ, Việt Nam hiện có đến hơn 200 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo?
Trước hết, nếu xét theo Nghị định 109, để được tham gia xuất khẩu gạo, doanh nghiệp phải có ít nhất một kho chuyên dùng, sức chứa tối thiểu 5.000 tấn lúa gạo. Đồng thời, phải có một cơ sở xay xát với công suất tối thiểu 10 tấn lúa/giờ. Giám đốc một doanh nghiệp xuất khẩu gạo cho biết, để đáp ứng việc xây kho, trước mắt phải có khoảng 5.000 mét vuông đất với tiêu chí “trên bến dưới thuyền”, thuận tiện cho việc vận chuyển. Đây là điều không thể làm được trong ngày một ngày hai. Ngay cả chương trình xây dựng hệ thống kho chứa 4 triệu tấn lúa mà Chính phủ chỉ đạo, đã có lúc chính đại diện Tổng công ty Lương thực miền Nam (một doanh nghiệp lớn về xuất khẩu gạo) còn than khó vì giá đất cao, khó tìm và gặp khó về vốn...
Sau đó, để có thêm kho bãi và cơ sở xay xát đáp ứng quy định, doanh nghiệp cần từ 30- 40 tỉ đồng nữa để đầu tư. Đây không phải là điều dễ xoay xở đối với các doanh nghiệp nhỏ và vừa, trong bối cảnh lãi suất ngân hàng khá cao từ đầu năm đến nay. Đó là chưa kể, theo Quyết định 560 của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn về “Quy chuẩn tạm thời về yêu cầu kỹ thuật kho chứa lúa chuyên dùng và cơ sở xay xát lúa gạo phục vụ xuất khẩu”, lại yêu cầu doanh nghiệp phải có thêm cả máy sấy, dây chuyền đánh bóng gạo.
Như Angimex, để trở thành doanh nghiệp đầu tiên được công nhận “đủ chuẩn”, đã phải đầu tư khá lớn để có được 11 phân xưởng với hệ thống kho có tổng sức chứa 65.200 tấn lúa gạo, 11 cơ sở xay xát với công suất từ 5-30 tấn/giờ...
Trong số hơn 200 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo, hiện có 57 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10.000 tấn/năm và chiếm 87% lượng gạo xuất khẩu. 137 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 13% lượng gạo xuất khẩu. Có 40 doanh nghiệp xuất khẩu một năm chỉ 200-300 tấn gạo, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được... một tấn gạo/năm. |
Và theo Nghị định 109, doanh nghiệp cũng phải tự “thủ” sẵn lượng dự trữ tối thiểu tương đương 10% số gạo đã xuất khẩu trong sáu tháng trước đó. Giả như, một doanh nghiệp trong sáu tháng đã xuất được 5.000 tấn, thì buộc phải luôn dự trữ sẵn ít nhất 500 tấn gạo, tức phải “đóng băng” thêm 4,5 tỉ đồng nữa (theo giá gạo ước tính hiện nay)! Lĩnh vực xuất khẩu gạo vốn đầy rủi ro với nhiều cơ chế ràng buộc như giá sàn, phải thông qua Hiệp hội Lương thực Việt Nam (VFA) mới được xuất khẩu... nên nhiều doanh nghiệp đã nản lòng. Nay lại phải thêm vốn quá lớn, có lẽ một số doanh nghiệp cũng ngán ngại.
Vì nản lòng? Một chuyên gia lúa gạo cho biết, đã từng có doanh nghiệp than rằng, đất xây dựng kho bãi... đã tìm được, nhưng không mặn mà lắm với việc đầu tư. Bởi lẽ, trong chuỗi giá trị cung ứng gạo, nếu một doanh nghiệp có kinh nghiệm về đàm phán, phán đoán thị trường... dĩ nhiên họ hăng hái hơn với việc làm nhà cung ứng. Gạo thì có sẵn, cứ có tiền là mua để xuất khẩu. Nay theo đúng luật, họ phải đầu tư và tham gia vào những lĩnh vực vốn không là lợi thế và thiếu kinh nghiệm như xay xát, sấy lúa, đánh bóng...Ngán là phải! Và liệu có ngẫu nhiên hay không, khi thời gian qua, Bộ Công Thương đã phải trả về khá nhiều hồ sơ mà các doanh nghiệp gửi đến để xin chứng nhận đủ điều kiện xuất khẩu gạo. Lý do, hồ sơ thiếu giấy xác nhận cơ sở xay xát... Nhiều doanh nghiệp xuất khẩu gạo lâu nay đã linh động tận dụng cả hệ thống kho của các “đại lý”, vệ tinh... Nay buộc họ phải tự đầu tư thêm kho riêng, liệu có lãng phí? Trong khi Nghị định 109 cũng không nêu rõ rằng hệ thống kho này, nông dân có được cùng sử dụng để khắc phục thất thoát sau thu hoạch khoảng 12-13% như hiện nay không. Đó mới là điều mà nông dân - người làm ra hạt lúa, cần. Một trong những mục tiêu mà Nghị định 109 nhắm đến là sàng lọc doanh nghiệp, tránh tình trạng ký hợp đồng nhưng chưa có gạo trong kho làm thị trường “nhiễu nhương” đồng thời, tránh tình trạng tranh mua, tranh bán làm giảm sức cạnh tranh của hạt gạo Việt Nam. Bởi theo VFA, trong số hơn 200 doanh nghiệp đang tham gia xuất khẩu gạo, hiện có 57 doanh nghiệp xuất khẩu trên 10.000 tấn/năm và chiếm 87% lượng gạo xuất khẩu. 137 doanh nghiệp còn lại chỉ chiếm 13% lượng gạo xuất khẩu. Có 40 doanh nghiệp xuất khẩu một năm chỉ 200-300 tấn gạo, thậm chí có doanh nghiệp chỉ xuất khẩu được... một tấn gạo/năm. Và Nghị định 109 nhằm tạo thị trường lành mạnh. Doanh nghiệp nào đủ năng lực, đủ điều kiện cũng có thể tham gia xuất khẩu gạo, chứ không ưu ái, dành đặc quyền cho các doanh nghiệp thành viên của VFA... Tuy nhiên, nếu ngày 1-10 tới, Nghị định 109 được thực thi nghiêm túc, sẽ có rất nhiều doanh nghiệp nhỏ và vừa bị loại khỏi cuộc chơi. Và thị trường xuất khẩu gạo trước mắt gần như sẽ thuộc về hai tổng công ty lương thực và các doanh nghiệp thành viên... với lợi thế về vốn và kho bãi... Do đó, cái khó, như đã nói, gần như thuộc về các doanh nghiệp tầm trung trở xuống. Và thay vì trực tiếp xuất khẩu gạo, một số trong các doanh nghiệp này sẽ rời cuộc chơi, số khác sẽ trở thành “đại lý”, thành vệ tinh cho các “ông lớn” còn lại. Như mới đây, sau khi được công nhận “quyền trụ lại”, ngày 15-7, Angimex đã khởi công thêm khu liên hợp chế biến lúa gạo Angimex Bình Thành, với diện tích 2,6 héc ta. Doanh nghiệp này không ngần ngại đầu tư thêm khoảng 77 tỉ đồng, xây dựng nhà kho có sức chứa 28.000-30.000 tấn lúa gạo, hệ thống sấy 600 tấn lúa/ngày, cộng thêm dây chuyền xay xát, lau bóng...Phải chăng cơ hội của những doanh nghiệp được “quyền trụ lại” đang rộng mở và họ mạnh dạn đầu tư?
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com