Thời báo Kinh tế Việt Nam (VnEconomy) đang tổ chức buổi giao lưu trực tuyến giữa các chuyên gia độc lập, đại diện một số ngân hàng thương mại với bạn đọc xoay quanh chủ đề: “Khơi dòng tín dụng”.
Tham gia buổi giao lưu có ông Cao Sỹ Kiêm, nguyên Thống đốc Ngân hàng Nhà nước, Chủ tịch Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam.
Trả lời câu hỏi của một độc giả về việc thời gian gần đây nhiều thông tin đề cập đến mâu thuẫn ngân hàng thì ứ đọng, dư thừa vốn, còn doanh nghiệp thì khát vốn. Trường hợp vốn ứ đọng nhưng không cho vay ra được như vậy thì ngân hàng xử lý như thế nào?Ông Cao Sỹ Kiêm cho biết, hiện tượng ngân hàng thừa khả năng thanh toán và doanh nghiệp thiếu vốn nhưng không vay được, theo ông là có 5 lý do.
Thứ nhất là do sản phẩm đang ứ đọng, sức mua giảm, chi phí tăng, tồn kho tăng, cho nên khả năng không bán hàng được nên không vay tiếp được vì một số rơi vào tình trạng không đủ tiêu chuẩn vay.
Thứ hai, mặc dù lãi suất giảm nhiều lần về tiền gửi nhưng lãi suất cho vay chưa giảm được nhiều và còn ở mức cao nên khả năng hấp thụ vốn này rất khó và doanh nghiệp cũng không muốn vay, ngân hàng cũng không muốn cho vay vì cho vay thì nợ xấu sẽ tăng lên.
Thứ ba, do nhiều lý do, sản xuất đang bị đình trệ, doanh nghiệp phá sản ngày càng tăng nên nợ xấu cũng tăng rất nhanh. Nợ xấu tăng thì lại cản trở rất lớn cho các dòng vốn được đưa vào doanh nghiệp.
Thứ tư, việc cụ thể hóa chính sách và những tiêu chí để giải quyết những vấn đề thủ tục, địa chỉ được vay chưa nhanh và thiếu cụ thể, nên cũng hạn chế cho việc triển khai.
Thứ năm, sự phối hợp giữa ngân hàng với doanh nghiệp, cũng như sự chia sẻ để cùng tồn tại vượt qua khó khăn chưa được chặt chẽ và còn thiếu nhịp nhàng, cộng với đỗ trễ của quá trình thực hiện cho nên dù chủ trương rất đúng nhưng triển khai chưa có được kết quả như mong muốn.
Theo Vneconomy
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com