Các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng, còn gọi là ESCO (energy service company), đang có cơ hội phát triển khi ngày càng nhiều đối tượng quan tâm đến sử dụng điện năng hiệu quả, nhất là khi giá điện tăng bình quân 6- 7,5% từ đầu tháng 3-2009. Ông Huỳnh Kim Tước, Giám đốc Trung tâm năng lượng TPHCM có cuộc trao đổi với TBKTSG Online về hoạt động của các công ty này.
TBKTSG Online: Ông có thể cho biết về tình hình hoạt động của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng hiện nay?
Ông Huỳnh Kim Tước: Ở TPHCM hiện có từ 7 đến 8 nhóm các công ty chuyên tư vấn và cung cấp các giải pháp tiết kiệm năng lượng. Gọi là công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng (ESCO), nhưng hoạt động của họ chủ yếu là bán thiết bị làm tăng hiệu suất điện năng, hay thiết bị tiết kiệm năng lượng. Một công ty cung cấp dịch vụ năng lượng chuyên nghiệp phải đảm nhận rất nhiều vai trò từ khảo sát, kiểm toán năng lượng rồi tư vấn, thiết kế và lắp đặt thiết bị, cho đến cung cấp giải pháp tài chính, quản lý… cho khách hàng. Các công ty hiện nay chưa đủ năng lực để thực hiện tất cả vai trò nói trên. Tuy nhiên, các công ty này nếu được đầu tư phát triển sẽ hỗ trợ nhều cho chính sách cắt giảm hao phí năng lượng trong sản xuất công nghiệp và tại các tòa nhà cao tầng.
- Tức là hiện vẫn chưa có chính sách cụ thể dành cho phát triển hoạt động các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng?
Luật tiết kiệm năng lượng đang soạn thảo đến khi có hiệu lực sẽ là kim chỉ nam cho hoạt động của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng. Ngoài ra, một phần dự án hỗ trợ triển khai chương trình mục tiêu quốc gia về sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả, do Ngân hàng phát triển châu Á tài trợ, là dành cho hoạt động chuyên nghiệp hóa các công ty này.
Nhưng phải thừa nhận việc chậm triển khai chính sách hỗ trợ của Nhà nước đã ảnh hưởng lớn đến hoạt động của các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng cũng như đối với việc khuyến khích đổi mới công nghệ trong sản xuất và đời sống, vì thật sự giá thành các sản phẩm tiết kiệm năng lượng công nghệ cao thường không rẻ.
- Nhiều công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng cho rằng họ gặp nhiều khó khăn khi tiếp cận nguồn vốn vay từ hệ thống các ngân hàng, tổ chức tài chính?
Điều này một phần là do thiếu chính sách của Nhà nước, nhưng một phần cũng do chính doanh nghiệp không chủ động tìm kiếm các nguồn tài chính. Hiện nay ngoài các ngân hàng trong nước thì Ngân hàng đầu tư châu Âu (EIB), Cơ quan phát triển Pháp (AFD), Ngân hàng phát triển châu Á… đều có chương trình cho vay vốn hoặc hỗ trợ tài chính dành cho đối tượng là các công ty chuyên cung cấp dịch vụ năng lượng. Nhưng việc có thuyết phục được các tổ chức tài chính này cho vay hay không còn đòi hỏi các công ty này phải chuyên nghiệp hóa bằng cách tự cải thiện năng lực quản lý, chuyên môn, kỹ năng phân tích tài chính, thẩm định… vốn còn yếu ở nhiều doanh nghiệp Việt Nam.
- Xin cảm ơn ông!
(Theo // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com