Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Quanh khoản vay 15.000 tỷ đồng của Vinalines

Tổng công ty Hàng hải Việt Nam (Vinalines), một trong những đơn vị đứng đầu về số các dự án tạm đình, hoãn, giãn tiến độ hồi đầu năm 2008, vừa ký kết thỏa thuận đối tác chiến lược với Ngân hàng Đầu tư Phát triển Việt Nam (BIDV), trong đó có khoản tài chính 15 nghìn tỷ đồng BIDV cho Vinalines vay.

Với khoản vay này, liệu những dự án mà Vinalines đã đình, hoãn, giãn tiến độ hồi đầu năm, nay có điều kiện để “sống” lại?

Trả lời câu hỏi này của VnEconomy, ông Mai Văn Phúc, Tổng giám đốc Vinalines nói:

- Khoản 15 nghìn tỷ đồng vay của BIDV này không liên quan gì với việc cắt giảm các dự án trước đây. Chúng tôi tính toán vay khoản này theo nhu cầu hiện tại của Vinalines.

15 nghìn tỷ đó là một gói tổng thể tài chính được “tài trợ” từ BIDV cho các dự án phát triển của Tổng công ty Hàng hải trong kế hoạch từ nay đến 2010. Nó chỉ đơn giản như vậy thôi.

“Gói” này nhằm phát triển đội tàu, nâng cấp cảng biển, dịch vụ hậu cần, trong đó bao gồm các nhà máy sửa chữa. Nó chỉ có những cái đó thôi.

Nhưng với các dự án đã đình, hoãn, giãn tiến độ hồi đầu năm, chúng tôi sẽ rà soát lại và có thể sẽ giải ngân theo nguyên tắc chỉ cấp vốn cho những dự án nào thật cần kíp, có nhu cầu tức thì. Chúng tôi xét đầu tư không nhất thiết là cứ phải dự án mới, hay dự án cũ.

Mở rộng nhưng "không chệch trọng tâm"

Cụ thể là sẽ đầu tư vào đâu, thưa ông?

Trong ba “mảng” Vinalines sẽ tập trung đầu tư từ nay đến 2010 là phát triển đội tàu, hệ thống cảng và dịch vụ hàng hải, trong đó có sửa chữa tàu biển, kho bãi... dự án nào cấp bách, có nhu cầu vốn trước thì chúng tôi sử dụng nguồn vốn đó (12.000 tỷ đồng vay trung và dài hạn - PV), miễn là không sai mục đích sang đầu tư tài chính, đầu tư chứng khoán, sang bất động sản... Vinalines không “vứt” vốn vào đấy.

Khoản 3.000 tỷ đồng vốn ngắn hạn thì dùng làm vốn lưu động để sử dụng trong kinh doanh, ví dụ như Vinalines có kinh doanh xăng dầu chẳng hạn. Kinh doanh mặt hàng này thì 3-4 tháng là quay vòng được vốn.

Kế hoạch này có vẻ tương đồng ở nhiều điểm với chiến lược đến 2010 được Vinalines đưa ra từ đầu năm 2008 là hướng tới mô hình Tập đoàn. Có chuyện Vinalines đang muốn mở rộng thêm các lĩnh vực ngoài ngành nghề chính?

Chúng tôi có lên tập đoàn và mở rộng gì đi nữa cũng sẽ không đi chệch trọng tâm, nhiệm vụ của mình. Mọi hoạt động của Vinalines phải luôn xoay quanh trục xương sống là ngành nghề chủ đạo của mình.

Tập đoàn phải mở rộng. Đúng. Nhưng chỉ mở rộng những gì có quan hệ hữu cơ, hay hỗ trợ tích cực nhiệm vụ chính. Hướng của chúng tôi là phải chuyên môn hóa cao, không đi ra ngoài ngành chính, không lan man.

Ví dụ việc sửa chữa lớn hiện nay chưa có, phải đưa ra nước ngoài, thì đây là nhiệm vụ trọng tâm của Vinalines trong thời gian tới. Có 9 dịch vụ chính mà sửa chữa tàu biển chỉ là một “gạch đầu dòng” trong 9 cái đó.

Chúng tôi không thể không làm khi mà cả nước hiện chưa có nhà máy đạt tiêu chuẩn, có thể đón, sửa chữa tàu trên 10.000 tấn trở lên. Cho nên chúng tôi bị kẹt ở chỗ này. Rõ ràng mình không thể không nhanh chóng đầu tư.

Vinalines cũng có những đơn vị sửa chữa, nhưng đều quy mô nhỏ, manh mún. Chúng tôi cần có đầu tư cho quy mô lớn, công nghệ cao, chứ không thể để manh mún mãi như trước được, không đáp ứng được yêu cầu, nhất là trong xu thế cạnh tranh như hiện nay.

Trong chiến lược tổng thể của Tổng công ty thì các nhà máy sửa chữa tàu biển lớn sẽ tập trung ở ba khu vực: Bắc, Trung, Nam, chứ không miên man, không tràn lan.

"Đó là việc của họ..."

Trong văn bản ký kết vừa rồi, còn đề cập tới  hợp tác về quản trị rủi ro, bảo hiểm. Có phải Vinalines mở rộng sang cả lĩnh vực không liên quan?

Thực ra, BIDV có tất cả dịch vụ đó. Trong hợp tác toàn diện thì BIDV mong muốn Vinalines cố gắng sử dụng tối đa dịch vụ của BIDV, thay vì sử dụng của các nhà cung cấp khác. Đó là mong muốn riêng của BIDV.

Thế còn trong quá trình sử dụng, nếu dịch vụ của BIDV là tốt, có sức cạnh tranh thì mình sử dụng. Tức là cái gì có lợi cho Tổng công ty thì mình làm.

Có phải đây là một kiểu “lại quả” gì đó cho phía cấp vốn là BIDV?

Không có kiểu đấy. Tôi xin nói là chúng tôi rất trong sáng và rõ ràng những chuyện như vậy.

Nếu nói đó là mong muốn của BIDV thì trong đó cũng có đề cập cả hợp tác về chứng khoán và đầu tư, thưa ông...

Đó là việc của họ. Mình thì không bao giờ nghĩ tới, cứ việc của mình thì mình làm. Họ có muốn thì cứ đưa vào, còn chúng tôi thì nói thẳng là không bao giờ tham gia. Không có cả chuyện “xem xét” nữa.

Vậy xin đặt lại câu hỏi là lãi suất vay theo thị trường hay có “ưu ái” gì?

Hoàn toàn theo thị trường.

Thực ra, Vinalines thừa tư cách là một đối tác chiến lược của họ (BIDV - PV). Bởi lẽ chúng tôi là một tập đoàn mạnh, có thương hiệu, có hệ số tín nhiệm tầm quốc gia.

Phải nói là trong các tập đoàn, tổng công ty trong cả nước, chưa có đơn vị nào được Tổng kiểm toán Nhà nước đánh giá cao và ghi nhận như đối với Vinalines. Đó là “hệ số tín nhiệm cao” của chúng tôi.

Tôi xin nói rằng cho Vinalines vay thì BIDV đã quá là khôn ngoan. Các ngân hàng họ cũng “tinh” lắm. Họ phải đi tìm những đơn vị như thế để đầu tư. Đơn vị khác mà đầu tư thì không cần thận có khi chết theo doanh nghiệp.

Phải nói rằng Vinalines xứng đáng và có đủ tư cách trở thành đối tác chiến lược của BIDV. Và vì vậy, cũng xứng đáng được hưởng ưu đãi cơ chế một chút, nếu có.

"Đầu tư lúc này là có lợi nhất"

Nhưng vì sao lại chọn đầu tư vào lúc này, khi mà kinh tế trì trệ và kinh doanh được cho là có thể giảm hiệu quả trong một, hai năm tới?

Nếu có tiền và chủ động được tài chính mà đầu tư vào lúc này, tôi cho là có lợi nhất, thích hợp nhất. Nếu để muộn thì có thể không kịp.

Mà thời điểm này thì vật tư, thiết bị giá đều xuống thấp. Đầu tư lúc này là có lợi nhất. Nhưng không mấy ai thu xếp đủ tài chính. Vấn đề nằm ở chỗ ấy.

Một số doanh nghiệp cũng có kế hoạch đầu tư nhưng còn đang chờ lãi suất xuống nữa. Họ cho như thế thì có lợi hơn...

Thực ra thì một số nhà đầu tư, đặc biệt là doanh nghiệp tư nhân hay tính kiểu ấy. Nhưng họ là đầu tư manh mún, đầu tư không có chiến lược mới tính như thế.

Vinalines đầu tư cho hàng trăm năm sau, nên không thể tính như thế được. Vì đầu tư dài hạn, có dự án kéo dài 4-5 năm, không cẩn thận nó chênh lệch giá thị trường về nguyên liệu, lãi suất, thì lúc ấy mới chết nữa.

Đó là lý do vì sao tôi nói thời điểm này là thuận lợi nhất, có lợi nhất cho nhà đầu tư để triển khai dự án.

Vậy còn đề nghị của Vinalines xin rót vốn từ gói kích cầu thì sao?

Chỉ khoản vay này là chưa đủ đâu. Chúng tôi cũng có đề nghị với Chính phủ, với gói kích cầu thì Vinalines cũng có một số dự án trọng điểm quốc gia, cần có sự hỗ. Những dự án đó là đủ điều kiện, đủ tư cách để hưởng ưu đãi của gói kích cầu này, đặc biệt là các dự án hạ tầng cảng, vốn đã xuống cấp quá nhiều.

Quy hoạch trước đây so với lưu thông thực tế qua hệ thống cảng biển Việt Nam hiện nay đã có sự chênh lệch lớn. Ví dụ cảng Hải Phòng quy hoạch đến 2010 mới đạt trên 30 triệu tấn nhưng đến thời điểm này đã vượt rồi. Như vậy là đến 2010 sẽ ùn ách.

Đó là lý do chúng ta phải quan tâm đầu tư ngay lập tức vào những hạ tầng cảng biển quan trọng, những nút lưu thông trọng yếu đối với hàng hóa.

(Theo vneconomy)

  • Doanh thu của VNPT đạt gần 55.500 tỷ đồng trong năm 2008
  • Đại gia và nhà từ thiện
  • Mười sự kiện nổi bật của Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Việt Nam trong năm 2008
  • 110 doanh nghiệp nhận giải thưởng “Thương mại dịch vụ 2008 ”
  • EVN đầu tư gần 50 nghìn tỷ đồng cho các dự án điện
  • Vinh danh doanh nghiệp, doanh nhân 3 nước Đông Dương
  • MTS Việt Nam nhận giải thưởng Rồng Vàng lần thứ 3 liên tiếp
  • Hãng bán lẻ hàng điện tử lớn thứ hai nước Mỹ đóng cửa
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao