Điều chỉnh rút ngắn đường bay sẽ giúp các hãng hàng không tiết kiệm chi phí nhiên liệu một cách hiệu qủa. |
Từ tháng 7 năm nay, Cục Hàng không Việt Nam đã thiết lập và điều chỉnh các đường bay mới. Việc điều chỉnh rút ngắn đường bay giúp tiết kiệm được một khoản chi phí rất lớn cho nhiên liệu. Chính vì vậy, các hãng hàng không đã hưởng ứng tích cực, đặc biệt là trong bối cảnh bị ảnh hưởng nặng nề của suy thoái kinh tế toàn cầu cũng như dịch bệnh.
Tiết kiệm hàng trăm tỷ đồng mỗi năm
Cục Hàng không Việt Nam cho biết, 4 đường bay mới được thiết lập gồm Cần Thơ - Buôn Ma Thuột, Phú Bài - Pleiku, Tân Sơn Nhất - Baven và Mèo Vạc - Nội Bài. Ngoài ra, Cục cũng sẽ điều chỉnh chế độ sử dụng 6 đường hàng không nội địa cho các chuyến bay quốc tế. Việc thiết lập đường bay mới sẽ giúp giảm quãng đường bay, nhờ đó giảm thời gian, chi phí nhiên liệu cho mỗi chuyến bay. Trưởng ban Quản lý bay (Cục Hàng không Việt Nam) Bùi Văn Võ cho biết, việc thiết lập mới hoặc điều chỉnh các đường bay nhằm đem lại hiệu quả tối ưu về KT-XH. Theo Phó Tổng Giám đốc Tổng Công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines) Phạm Xuân Đức, đường bay mới sẽ giúp rút ngắn 10 phút bay trên tuyến Hà Nội - Côn Minh (Trung Quốc). Với đường bay trục Bắc - Nam, sẽ rút ngắn được từ 3 đến 5 phút. Các đường bay Cần Thơ - Hà Nội, đường bay đi theo hướng Bắc cất cánh từ TP Hồ Chí Minh rút ngắn được 3 phút; đường bay TP Hồ Chí Minh - Phú Quốc rút ngắn 7 phút. Vietnam Airlines cho biết, hiệu quả kinh tế từ việc thực hiện đường bay mới là rất lớn. Mỗi năm hãng có 17.920 chuyến bay trên 4 đường bay nói trên, chỉ tính riêng tiền nhiên liệu đã tiết kiệm ít nhất 400 USD/phút/chuyến, tương đương hàng trăm tỷ đồng/năm. Trong bối cảnh khủng hoảng kinh tế, các hãng hàng không trên thế giới đều tìm mọi biện pháp cắt giảm chi phí để hạn chế lỗ và có lãi, việc điều chỉnh đường bay thực sự là biện pháp tiết kiệm hiệu quả.
Vì sao không thực hiện “đường bay vàng” trên tuyến Hà Nội - TP Hồ Chí Minh?
Thời gian qua, dư luận rất quan tâm tới ý kiến về việc mở đường bay thẳng Hà Nội - TP Hồ Chí Minh theo kinh tuyến 106 độ Đông. Bay theo đường bay này sẽ giảm đáng kể quãng đường cũng như thời gian bay, kèm theo là nhiên liệu tiêu hao cũng giảm mạnh. So sánh với đường bay Hà Nội - TP Hồ Chí Minh mới được điều chỉnh, đường bay này ngắn hơn 60km, giảm được 4 phút bay và 0,2 tấn nhiên liệu. Đây là lý do khiến đường bay này được xem như “đường bay vàng”. Tuy nhiên, theo Cục Hàng không Việt Nam, ý tưởng này chưa phù hợp với thực tế hiện nay. Phó Cục trưởng Lại Xuân Thanh cho biết, từ những năm cuối thập kỷ 80 của thế kỷ XX, nhà chức trách Việt Nam, Lào và Cam-pu-chia đã nghiên cứu, tính toán các yếu tố liên quan về đường bay này, nhưng do nhiều lý do không thể thực hiện. Sở dĩ phải làm việc với nước bạn là nếu mở đường bay theo kinh tuyến 106 độ Đông sẽ phải bay qua Lào, Cam-pu-chia; theo Điều 80 Luật Hàng không Việt Nam thì đây phải là đường bay quốc tế, trong khi nó chỉ là đường bay nội địa. Việc quản lý hoạt động bay, cung cấp dịch vụ bảo đảm hoạt động bay cũng phức tạp hơn. Và khi là đường bay quốc tế, các hãng hàng không sẽ phải chịu những khoản phí, lệ phí đối với chuyến bay quốc tế, thay vì nội địa. Chi phí vì thế sẽ tăng lên. Cục Hàng không Việt Nam khẳng định, dù rút ngắn thời gian, giảm nhiên liệu, nhưng bay theo kinh tuyến 106 độ Đông sẽ khiến tổng chi phí tăng thêm 364 USD/chuyến so với đường bay mới được điều chỉnh. Vẫn theo Cục Hàng không Việt Nam, đường bay theo kinh tuyến 106 độ Đông còn không phù hợp vì bay qua khu vực cấm bay VVP1 (Hà Nội) cũng như một số khu vực quân sự khác…
(Theo Nguyễn Đức // Hanoimoi Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com