Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tác động hai mặt trong hoạt động của SCIC

Sự ra đời của Tổng công ty Đầu tư và Kinh doanh vốn nhà nước (SCIC) được kỳ vọng sẽ góp phần tích cực vào việc bãi bỏ cơ chế bộ chủ quản, chuyển đổi cơ chế quản lý vốn nhà nước đầu tư tại doanh nghiệp từ phương thức hành chính sang đầu tư và kinh doanh vốn để nâng cao hiệu quả sử dụng và phát triển đồng vốn nhà nước. Thực tế ra sao?


Bốn mục tiêu lớn


SCIC được thành lập năm 2005 theo Quyết định số 151 và 152 của Thủ tướng và chính thức hoạt động từ tháng 8-2006. SCIC theo đuổi bốn mục tiêu lớn là (1) nhà đầu tư chiến lược của Chính phủ; (2) cổ đông năng động của doanh nghiệp; (3) nhà tư vấn tài chính chuyên nghiệp; (4) doanh nghiệp được quản trị theo chuẩn mực quốc tế...


Sau gần ba năm hoạt động, SCIC đã đạt được những kết quả bước đầu trong việc bảo toàn và phát huy phần vốn nhà nước tại các doanh nghiệp nhà nước (DNNN) sau cổ phần hóa.


Với tư cách là đại diện duy nhất chủ sở hữu vốn nhà nước tại các doanh nghiệp, thực hiện quyền đầu tư tài chính, kinh doanh vốn theo những nguyên tắc, quy luật thị trường, tính đến ngày 30-6-2008, SCIC đã tiếp nhận 876 doanh nghiệp với lượng vốn nhà nước 8.035 tỉ đồng.


Tính toán sơ bộ cho thấy, khoảng 40% trong số doanh nghiệp này có tỷ suất lợi nhuận thấp, 10% làm ăn thua lỗ. Các doanh nghiệp thành viên và doanh nghiệp liên kết của SCIC hoạt động trong nhiều lĩnh vực khác nhau của nền kinh tế như dịch vụ tài chính, năng lượng, công nghiệp, viễn thông, xây dựng, vận tải, hàng tiêu dùng, y tế, công nghệ thông tin. SCIC cũng đã cơ cấu lại một số ngành và doanh nghiệp lớn như Pacific Airlines, Bảo Minh, Vinamilk...


Các hệ lụy có thể xảy ra


Tuy nhiên, trong hoạt động của SCIC vẫn nổi lên một số vấn đề bức xúc, mà nếu không giải quyết kịp thời và hiệu quả, có thể làm tăng các tác động trái chiều so với bốn mục tiêu ban đầu của SCIC.


Thứ nhất, chậm xây dựng và thúc đẩy kế hoạch cơ cấu lại các DNNN để tập trung vào những lĩnh vực then chốt, quan trọng của nền kinh tế và có quy mô tương đối lớn. Vì thế, đến nay, về tổng thể khu vực DNNN vẫn chưa thực sự được tinh lọc và gắn kết như một “quả đấm thép” trong việc định hướng và thúc đẩy các hoạt động đầu tư xã hội nói chung.


Mới đây, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã đề xuất chỉ giữ lại vốn tại khoảng 100 doanh nghiệp lớn và làm ăn hiệu quả nhất, đẩy nhanh thoái vốn tại 754 doanh nghiệp cổ phần hóa mà SCIC đang nắm giữ. Tuy nhiên, đến nay SCIC vẫn chưa có phương án tái cấu trúc cụ thể và các hoạt động thông tin cần thiết theo định hướng này. Điều này có thể làm giảm động lực phát triển chung của đất nước và làm tăng các hành vi tham nhũng, lãng phí và thất thoát tài sản công.

 

Thứ hai, chưa thực sự hoàn thiện cơ chế quản lý hiệu quả các phần vốn và tài sản nhà nước sau cổ phần hóa. Điều này thể hiện qua bốn điểm yếu sau đây: thực hiện chế độ đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp còn phân tán ở nhiều cơ quan; không kịp thời thay thế hoặc bổ nhiệm cán bộ đủ chất lượng làm đại diện chủ sở hữu phần vốn nhà nước tại doanh nghiệp; quy định về quyền và trách nhiệm của tổ chức, cá nhân quản lý vốn nhà nước tại doanh nghiệp chưa rõ ràng; và cuối cùng là cơ chế thực hiện thoái vốn nhà nước tại các doanh nghiệp “hậu cổ phần hóa” còn chậm và chưa minh bạch, nhất là chưa cân nhắc đầy đủ mục tiêu bảo đảm ổn định và hiệu quả hoạt động bền vững của doanh nghiệp.


Hơn nữa, do “quyền to”, nhưng ở xa, đồng thời cơ chế tiếp nhận, xử lý các tranh chấp phát sinh trong vận hành của doanh nghiệp sau cổ phần hóa còn cảm tính và thiếu “một cửa”, khiến hoạt động của SCIC nhiều khi trở thành lực cản cho sự phát triển của bản thân doanh nghiệp, cũng như làm giảm tính hấp dẫn của các DNNN trong quá trình cổ phần hóa, nhất là đối với các doanh nghiệp mà cổ phần nhà nước còn chiếm mức khống chế...


Trong thời gian tới, cần sớm hoàn thiện và công khai kế hoạch thoái vốn, thực hiện phân nhóm nhỏ các doanh nghiệp và tái cơ cấu ngành để thoái vốn, cũng như đa dạng hóa cơ chế thoái vốn. Bên cạnh đó, cần có cơ chế thích hợp (như thi tuyển, tiến cử cán bộ quản lý và tăng cường thông tin, giám sát, xử lý kịp thời theo các tiêu chí và chế tài công khai, đủ mạnh...) để những người đại diện phần vốn nhà nước “ngồi đúng chỗ”, tránh ảnh hưởng tới hoạt động của doanh nghiệp, cũng như sự hào hứng của khu vực tư nhân đối với việc mua cổ phần.


Mặt khác, cần khẳng định rằng, đấu giá công khai, chứ không phải thỏa thuận, vẫn là hình thức minh bạch hơn cả khi SCIC thoái vốn từ các doanh nghiệp. Để tránh được nỗi lo ngại về việc nguồn vốn nhà nước và tài sản công bị hao hụt qua quá trình thoái vốn, cần có các tiêu chí cụ thể và khoa học để đánh giá đúng giá trị (nhất là giá trị quyền sử dụng đất, giá thuê đất) và hiệu quả hoạt động của các doanh nghiệp, cũng như sử dụng kiểm toán độc lập. Đặc biệt, nên tách biệt quản lý sở hữu riêng, quản lý điều hành riêng và cần làm sao để cổ phần hóa không là cơ hội để một số người làm giàu từ tài sản nhà nước.


Thứ ba, cơ sở nhận thức lý luận và các quy định pháp luật cụ thể để SCIC hoạt động thuận lợi, có hiệu quả còn thiếu, chưa đầy đủ và đồng bộ, nhất là các quy định liên quan đến sự tham gia của SCIC trên thị trường tài chính, trong đó có thị trường chứng khoán. Điều này khiến SCIC bỏ trống nhiều “dư địa”, nhất là các chức năng đầu tư, kinh doanh và tư vấn tài chính, cũng như áp dụng công nghệ quản lý hiện đại vào doanh nghiệp.


Chính đây cũng là lý do giải thích vì sao chủ trương dùng SCIC như một công cụ đột phá nhằm “giải cứu” và kích đẩy hoạt động trầm lắng thị trường chứng khoán Việt Nam trong thời gian qua không triển khai được trên thực tế. Đặc biệt, ngay trong hai gói kích cầu trị giá hàng trăm ngàn tỉ đồng hiện nay của Chính phủ cũng không hề có đồng nào được sử dụng thông qua “kênh SCIC” nhằm đảm bảo nguyên tắc thị trường trong quản lý nguồn vốn nhà nước như sứ mệnh đã giao phó cho SCIC khi thành lập, mà chỉ đơn giản là vận dụng cơ chế “xin-cho” truyền thống (hỗ trợ trực tiếp 4% lãi suất).


Nói cách khác, trong thời gian tới, SCIC cần năng động hơn và cần được giao sử dụng vốn nhà nước từ gói kích cầu, theo phương thức SCIC (và các công ty mua - bán nợ khác thuộc các thành phần kinh tế) tiếp nhận một phần nguồn vốn này để mua - bán cổ phần và chứng khoán nợ khác theo định hướng mục tiêu, thậm chí mua/bán cả một doanh nghiệp quan trọng, nhưng gặp khó khăn, giúp vực dậy, rồi bán lại trên thị trường tài chính, thu hồi vốn dùng tiếp cho các mục tiêu công ích tương tự.


Thứ tư, tình trạng đầu tư tràn lan ra ngoài ngành, vào những ngành nhiều rủi ro của các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước khiến dư nợ phải trả cao gấp nhiều lần vốn chủ sở hữu, ảnh hưởng đến an ninh tài chính. Năm 2008, trong số 70 tập đoàn, tổng công ty báo cáo, thì có 30 đơn vị có hệ số nợ phải trả trên vốn vượt trên ba lần, thậm chí nhiều doanh nghiệp vượt trên 20 lần.


Có thể nói, những hoạt động đầu tư ngoài ngành mang tính tranh thủ khai thác các cơ hội độc quyền hoặc vì lợi ích ngắn hạn của các DNNN nếu không được kiểm soát nghiêm ngặt rất dễ trở thành những “trái bom hẹn giờ” có sức công phá mạnh và gây tổn thất nặng nề cho đời sống kinh tế - xã hội đất nước. Chính tình trạng này vừa là thước đo vai trò của SCIC, vừa là tín hiệu cảnh báo hiệu quả những tác động mặt trái của SCIC trong hoạt động tư vấn và đầu tư của mình.

(Theo TS. Nguyễn Minh Phong // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao