DN là một trong những chủ thể quan trọng, là nòng cốt, là lực lượng xung kích trong kinh tế thị trường. Một trong những nội dung cốt lõi của công cuộc tái cấu trúc nền kinh tế là tái cấu trúc DN để làm cho cộng đồng DN Việt Nam ngày một phát triển hơn.
Nhận diện DN Việt Nam: Sự chuyển đổi vị thế của DN nhà nước
Kết quả quan trọng nhất là sự chuyển đổi vị thế của các DN nhà nước. Trước năm 1990, nhất là trước thời kỳ Đổi mới, nền kinh tế chủ yếu có 2 loại hình là hợp tác xã và xí nghiệp quốc doanh. Số xí nghiệp quốc doanh lên đến 12.000- 13.000 được trải khắp cả 3 cấp (Trung ương, tỉnh, huyện).
Trong cơ chế kế hạch hoá tập trung và chế độ bao cấp, số xí nghiệp này tuy được gọi là DN nhưng không có quyền tự chủ, gần như không có hạch toán. Vốn hoạt động, lao động, vật tư do Nhà nước cung cấp, sản phẩm do Nhà nước chỉ định (cả về số lượng, giá cả, nơi giao nộp)…
Doanh nhân (người lãnh đạo) mà không phải là doanh nhân, thậm chí người có đầu óc kinh doanh, vượt ra ngoài việc điều hành chỉ đạo theo kiểu tập trung, bao cấp còn bị coi là “con buôn”.
Tình hình trên đã dẫn đến một “quy trình ngược”: không phải là DN nuôi Nhà nước mà Nhà nước vay nợ để nuôi DN. Chính vì thế, khi Nhà nước chuyển đổi từ cơ chế kế hoạch hoá tập trung, bao cấp sang cơ chế thị trường, thì hàng loạt xí nghiệp (nhất là xí nghiệp cấp huyện, cấp sở) đã bị giải thể…
Từ sau năm 1990, nhất là từ khi Luật Doanh nghiệp có hiệu lực thi hành (1/1/2000), số lượng DN nhà nước đã giảm mạnh (hiện chỉ còn trên 3.200, chiếm khoảng 1,6% tổng số DN đang hoạt động của cả nước).
Năm 2009 so với năm 2001, mặc dù số lượng DN nhà nước đã giảm mạnh (giảm tới 43%), nhưng đã lớn lên về nhiều mặt. Đó là tổng lượng vốn cao gấp 3,4 lần; tài sản cố định và đầu tư tài chính dài hạn cao gấp 4,8 lần (chứng tỏ vốn đầu tư và tài sản cố định nhiều hơn); doanh thu thuần cao gấp 3 lần; lợi nhuận trước thuế gấp 4 lần; thuế và các khoản đã nộp ngân sách nhà nước cao gấp 2,6 lần,…
Quan trọng hơn là vị thế của DN nhà nước đã được đảo lại DN nhà nước đã bắt đầu nuôi Nhà nước…
Một kết quả quan trọng dễ nhìn thấy là sự tăng lên nhanh chóng của số lượng DN đang hoạt động.
Tốc độ tăng/ giảm số lượng DN nhà nước đang hoạt động năm 2009 so với năm 2001 (lần) |
Trong khi số lượng DN nhà nước giảm, thì số lượng DN ngoài nhà nước và DN có vốn đầu tư nước ngoài (ĐTNN) tăng mạnh. Đây là kết quả tích cực của công cuộc đổi mới, mở cửa hội nhập, thu hút nguồn lực của các thành phần kinh tế trong nước và nước ngoài, góp phần vào tăng trưởng kinh tế liên tục, trong thời gian dài, ngay cả khi kinh tế khu vực hoặc thế giới bị khủng hoảng, suy thoái.
Trong các loại hình DN, loại nhiều nhất là công ty TNHH tư nhân (50,1%), tiếp đến là DN tư nhân (22,6%), công ty cổ phần (16,3%). Tính chung số DN ngoài nhà nước chiếm 95,7%. Số DN có vốn ĐTNN tuy mới chiếm 2,73% tổng số, nhưng đã cao hơn nhiều so với tỷ lệ 1,6% của số DN nhà nước và trở thành một bộ phận quan trọng của cộng đồng DN Việt Nam.
Không chỉ lớn lên về số lượng, các thành viên mới của cộng đồng DN còn lớn lên về nhiều mặt, đóng góp lớn vào việc thu hút lao động, vốn, tài sản cố định, doanh thu thuần, lợi nhuận trước thuế, thuế và các khoản nộp ngân sách.
Chẳng hạn, so với năm 2001, tổng số lao động của các DN trong năm 2009 cao gấp 2,3 (tăng hơn 4,617 triệu người) thì DN ngoài nhà nước cao gấp 4,5 lần (hay tăng 3,65 triệu người, đóng góp 79% tổng mức tăng số lao động).
Tổng số vốn của các DN cao gấp 5,8 lần, tăng 5.235,6 nghìn tỷ đồng, thì DN ngoài nhà nước cao gấp 24 lần (tăng 2.609,5 nghìn tỷ đồng, đóng góp 49,8%).
Doanh thu thuần cao gấp 6,6 lần, tăng 4.505,7 nghìn tỷ đồng, thì DN ngoài nhà nước cao gấp 14,6 lần (tăng 2.770,3 nghìn tỷ đồng, đóng góp 61,5%).
Lợi nhuận trước thuế cao gấp 5,1 lần, tăng 170,3 nghìn tỷ đồng, thì DN ngoài nhà nước cao gấp 17,9 lần (tăng 34,5 nghìn tỷ đồng, đóng góp 20,3%). Thuế và các khoản đã nộp ngân sách cao gấp 4,8 lần, tăng 228,4 nghìn tỷ đồng, thì DN ngoài nhà nước cao gấp 15 lần (tăng 84,4 nghìn tỷ đồng, đóng góp 37%).
Những hạn chế, bất cập đặt ra vấn đề phải tái cấu trúc
Mặc dù đạt được những kết quả tích cực, nhưng bức tranh DN Việt Nam cũng còn những hạn chế, bất cập cần được tái cấu trúc.
Những hạn chế, bất cập được biểu hiện trên một số mặt chủ yếu. Số lượng DN tăng tương đối nhanh, nhưng “mật độ” DN đang hoạt động còn ít, hiện ở mức trên 400.000 dân mới có 1 DN.
Một mặt do số DN tuy được cấp giấy phép, cấp mã số thuế, nhưng chưa đi vào hoạt động sản xuất kinh doanh; do đã giải thể, sáp nhập, chuyển đổi loại hình, do một số đơn vị không phải là DN hạch toán kinh tế độc lập (như chi nhánh, đơn vị phụ thuộc, đơn vị sự nghiệp); mặt khác, hiện có nhiều cơ sở kinh tế có quy mô không nhỏ, nhưng vẫn chưa mạnh dạn nâng lên thành DN, kể cả hàng trăm nghìn trang trại, hàng chục nghìn tổ sản xuất. Do vậy, cần phải tiếp tục làm cho mọi tổ chức, cá nhân có vốn yên tâm, thậm chí còn “đua” nhau thành lập DN để có thương hiệu và khi thành lập cần được tạo điều kiện về thủ tục, cần được hỗ trợ khi gặp khó khăn.
Quy mô DN nhìn chung còn nhỏ, cả về số lao động, số vốn hoạt động, giá trị tài sản cố định, doanh thu; hiệu quả hoạt động còn thấp; đóng góp cho ngân sách chưa nhiều. Với quy mô còn nhỏ và hiệu quả còn thấp như vậy, thời gian ra đời còn ngắn, hiểu biết về kinh tế thị trường, kinh tế nước ngoài chưa nhiều, còn có những hạn chế về kinh nghiệm quản trị nội bộ, kinh nghiệm cạnh tranh hội nhập, lại được hội nhập trong điều kiện thế giới liên tiếp có những bất ổn,… nên khó tránh khỏi những thách thức, khó khăn.
Giá đất và bất động sản hiện quá cao, nhất là ở các thành phố, thị xã; mặt bằng lãi suất vay ngân hàng đã được điều chỉnh giảm, nhưng vẫn thuộc loại cao, trong khi tỷ lệ vốn tự có của các DN thấp, tỷ lệ vay ngân hàng lớn, tỷ suất lợi nhuận của nhiều DN còn thấp hơn cả lãi suất đi vay; thiết bị, kỹ thuật- công nghệ còn lạc hậu (trong ngành công nghiệp chế biến, DN có công nghệ thấp chiếm trên 57%, DN có công nghệ cao chỉ chiếm 20%, thấp hơn nhiều so với các nước trong khu vực); thiếu lao động chất lượng cao.
Môi trường kinh doanh tuy được cải thiện nhiều, nhưng cũng còn những hạn chế nhất định. Tình trạng buôn lậu, trốn thuế, gian lận thương mại, làm hàng nhái, hàng giả, mua bán hoá đơn, gian lận trong hoàn thuế giá trị gia tăng…diễn ra khá phổ biến làm mất động lực của cạnh tranh, làm méo mó thị trường, là kẻ thù của những DN, doanh nhân làm ăn chân chính…
Tiếp tục đổi mới DN nhà nước, phát triển kinh tế dân doanh
Về vấn đề tái cấu trúc các DN, Thủ tướng Chính phủ đã có chỉ đạo cụ thể.
Đó là tiếp tục đổi mới DN nhà nước, phát triển mạnh kinh tế dân doanh. Song song với việc đó, mỗi DN phải tự tái cấu trúc để thích ứng với sự thay đổi về công nghệ và thị trường nhằm tăng năng suất, chất lượng, hiệu quả.
Việc đổi mới DN nhà nước vừa là một nội dung của tái cấu trúc DN, vừa là điều kiện để tạo lập môi trường cạnh tranh bình đẳng giữa các thành phần kinh tế- một tiêu chí của kinh tế thị trường.
Phương hướng và nội dung chủ yếu của đổi mới DN nhà nước là đẩy mạnh cổ phần hoá và cải cách các tập đoàn, tổng công ty nhà nước. Các tập đoàn và tổng công ty nhà nước cần tập trung vào một số lĩnh vực chủ yếu của nền kinh tế quốc dân; chuyển từ hoạt động đa dạng sang chuyên môn hoá nhằm thực hiện chính sách cơ cấu; đẩy mạnh đổi mới và sáng tạo, nâng cao hiệu quả và tạo lập năng lực cạnh tranh dài hạn để có thể tham gia vào mạng sản xuất và chuỗi giá trị toàn cầu.
Điều quan trọng là phải đặt DN nhà nước vào môi trường cạnh tranh và quy định các chỉ tiêu chất lượng hoạt động của DN. Cải cách cơ chế và tổ chức nhằm nâng cao trách nhiệm và hiệu lực hiệu quả quản lý nhà nước và quản lý của chủ sở hữu đối với DN nhà nước. Thực hiện chế độ kiểm toán bắt buộc và công khai kết quả kiểm toán.
(Theo Minh Ngọc // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com