“Một trong ba ưu tiên của Vinalines, đơn vị từ gần một năm nay đang trong tầm ngắm của dư luận là phải đề ra các giải pháp giảm lỗ của khối vận tải biển và các cảng biển liên doanh”, ông Nguyễn Cảnh Việt, Tổng giám đốc Vinalines cho biết về định hướng kinh doanh trong 6 tháng cuối năm.
Trên thực tế, với khoản thua lỗ trong 6 tháng đầu năm 2012 lên tới 1.439 tỷ đồng, gấp đôi so với cùng kỳ năm 2011 và bằng 11% vốn điều lệ đang tiến hành điều chỉnh (12.482 tỷ đồng) đã khiến khả năng kết quả kinh doanh của Vinalines đảo chiều là rất thấp.
Ông Việt cho biết, Tổng công ty đang ở thời kỳ khó khăn nhất trong 16 năm trở lại đây về khả năng thanh toán nợ đến hạn, cũng như khả năng tạo nguồn việc làm, trong đó một số doanh nghiệp thành viên thậm chí đã đứng trước nguy cơ mất khả năng thanh toán.
Số liệu chưa đầy đủ mà Vinalines công bố cho thấy, chỉ riêng 3 doanh nghiệp thuộc khối vận tải đã lỗ 967 tỷ đồng, trong đó Vinashinlines và Bisco lỗ 700 tỷ đồng, Falcon lỗ 267 tỷ đồng. Kết quả kinh doanh của 3 doanh nghiệp liên doanh cảng tại khu vực Cái Mép - Thị Vải tuy không được tiết lộ chi tiết, nhưng phía Vinalines xác nhâïn cũng góp thêm gánh nặng thua lỗ lớn, đẩy Tổng công ty vào tình trạng bi đát hơn.
Cần phải nhấn mạnh rằng, trong bối cảnh suy thoái kinh tế diễn ra trên phạm vi toàn thế giới hiện nay, không chỉ riêng Vinalines, mà hầu hết các hãng tàu tên tuổi của thế giới đều lâm vào cảnh “khó như chưa từng thấy“. Số liệu thống kê cho thấy, những tháng đầu năm, nhiều hãng tàu lớn trên thế giới đã phải công bố những khoản lỗ lớn (quý I, Hanjin lỗ 295 triệu USD, STX Pan Ocean lỗ 103 triệu USD, CMA-CGM lỗ 248 triệu USD). Hãng tàu Korea Lines lớn thứ hai Hàn Quốc, Omega Navigation của Hy Lạp hay Nordic của Đan Mạch... thậm chí phải làm thủ tục phá sản.
Trong khó khăn chung của thị trường, áp lực đối với Vinalines còn lớn hơn, do đội tàu Vinalines có trọng tải 3,7 triệu DWT (tính tới tháng 6/2012) chủ yếu được hình thành từ nguồn vốn vay thương mại.
“Áp lực đối với doanh nghiệp vận tải biển là rất lớn, bởi với lãi suất lên tới 21-22%/năm, việc trả lãi, gốc cho khoản vay đầu tư 30 - 40 tỷ đồng cho một tàu cỡ 20.000 tấn đã ngốn gần hết doanh thu kinh doanh của tàu. Đó là chưa kể việc ngay cả các tàu đang được cho thuê hạn định cũng bị đối tác ép thuê dưới giá thành”, ông Trần Thiện, Giám đốc Công ty Vận tải Biển Đông than thở.
Bên cạnh việc loay hoay tìm nguồn trả nợ tới hạn, việc đảm bảo nhu cầu vốn lưu động càng làm cho các doanh nghiệp thêm vất vả với kế hoạch cân đối dòng tiền. Theo đó, dù lãi suất tín dụng đã hạ nhiều, các đơn vị thành viên Vinalines vẫn bất lực trong việc tiếp cận do kết quả kinh doanh thua lỗ.
Được biết, kết quả kinh doanh không thuận lợi nói trên khiến việc triển khai Đề án Tái cơ cấu của Vinalines trở nên khó khăn hơn rất nhiều. Hiện chương trình thoái vốn tại các công ty con, công ty liên kết kinh doanh ngoài lĩnh vực chính với tổng vốn khoảng 370 tỷ đồng vẫn chưa có lộ trình chính xác, thay vào đó Vinalines mới chỉ tạm xác định là chỉ tiến hành khi thị trường cho phép.
Bên cạnh đó, ngoại trừ việc bán thanh lý thành công 5 tàu với tổng trọng tải 182.000 DWT, chương trình cơ cấu các khoản vay đầu tư đội tàu, cảng biển liên doanh với nước ngoài dự báo sẽ gặp nhiều khó khăn.
Theo lãnh đạo Vinalines, các giải pháp này đều phụ thuộc rất lớn vào sự phục hồi của thị trường vận tải biển trong và ngoài nước. Điều đáng lo ngại là, thông tin nhận định của chính Vinalines cho thấy, thị trường vận tải biển trong và ngoài nước quý III - IV/2012 chưa có nhiều tín hiệu tích cực.
“Trong bối cảnh thị trường ảm đạm như hiện nay, việc bán tàu già, tàu khai thác không hiệu quả để tái cơ cấu là rất khó. Đó là chưa kể việc nhiều doanh nghiệp vận tải, hoặc không có tàu hết khấu hao, hoặc do thua lỗ liên tục trong 2 - 3 năm qua đã ‘ăn’ gần hết tài sản cố định”, một lãnh đạo công ty con của Vinalines cho biết.
(Theo Báo Đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com