Ngày 25-9, tại TP Hồ Chí Minh, Hội phát triển hợp tác kinh tế Việt Nam - Lào - Campuchia, Hiệp hội Doanh nghiệp nhỏ và vừa Việt Nam, Cục Kinh tế - Bộ Quốc Phòng, Cty CP tập đoàn truyền thông Champion Việt Nam, Cty CP quảng cáo truyền thông Phạm và Lê tổ chức diễn đàn Nâng cao năng lực cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam (VN) tại Campuchia (CPC). Ông Yaev Kim Hean - Tham tán thương mại, Đại sứ quán Vương quốc CPC tại Việt Nam cho biết: “Diễn dàn Nâng cao khả năng cạnh tranh của doanh nghiệp Việt Nam tại Campuchia và trao thưởng Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu Việt Nam - CPC 2009 là dịp để trao đổi thông tin và tạo sự tin tưởng lẫn nhau giữa doanh nhân, doanh nghiệp hai nước”.
Tại diễn đàn lần này, cơ quan quản lý và doanh nghiệp hai nước sẽ trao đổi về thực trạng cạnh tranh của hàng hóa Việt Nam tại đất nước chùa Tháp; đồng thời lãnh đạo Bộ Công Thương, Bộ Kế hoạch và Đầu tư hai nước sẽ lập tờ trình Chính phủ về phương án giải quyết trong thời gian tới, như: Việt Nam cần có chính sách bảo hiểm rủi ro cho doanh nghiệp, nhất là đối với doanh nghiệp tư nhân, để yên tâm đầu tư vào CPC. Theo một số chuyên gia thì Việt Nam vẫn đẩy mạnh đầu tư vào lĩnh vực có thế mạnh như: sản xuất, chế biến sản phẩm nông - lâm nghiệp, khai khoáng, thủy điện... và nên đầu tư vào lĩnh vực khác mà CPC rất cần: du lịch, y tế, hàng không, giao thông vận tải, điện chiếu sáng, nước sạch....Đặc biệt, để gia tăng nhân tố VN trong nền kinh tế CPC, bảo vệ an ninh khu vực biên giới, VN nên đầu tư vào cơ sở kinh tế ở biên giới CPC - VN (trong 19 khu kinh tế đặc biệt của CPC có 2 khu kinh tế đặc biệt ở biên giới VN là Bà Vet và Phnôm Den).
Ngoài ra, diễn đàn sẽ trao giải thưởng Doanh nhân, doanh nghiệp tiêu biểu VN - CPC nhằm ghi nhận, tôn vinh doanh nhân, doanh nghiệp có thành tích trong hoạt động sản xuất kinh doanh, đóng góp vào sự phát triển kinh tế-văn hoá xã hội của mỗi nước cũng như khu vực và quốc tế, giữ gìn an ninh chính trị và trật tự, xã hội biên giới VN - CPC.
Dự kiến tới năm 2010 kim ngạch XNK song phương Việt Nam - CPC là 2 tỷ USD, nhưng tới 2008 đã đạt 1, 7 tỷ USD, trong đó Việt Nam xuất khẩu trị giá hơn 1,45 tỉ USD sang CPC. Việt Nam đã giảm thuế suất 0 % với 25 mặt hàng nông sản CPC và đang xem xét cấp thêm quota thuốc lá theo đề xuất của CPC. Hiện nay có hơn 100 công ty Việt Nam đang hoạt động kinh doanh tại CPC: Tập đoàn cao su Việt Nam, Công ty cao su Dầu Tiếng, Vietnam Airlines hợp tác thành lập CPC Angkor Air, Viettel, EVN, Vinafood 2, Sacombank, BIDV…
Nhưng theo ông Lê Minh Điển, chuyên viên của Bộ Kế hoạch & đầu tư thì: FDI của Việt Nam tại CPC còn ở mức rất khiêm tốn so với tiềm năng, lợi thế địa lý của cả hai nước. Đến tháng 2/2009, tổng khối lượng đầu tư của doanh nghiệp Việt Nam vào CPC là 211,2 triệu USD với 39 dự án; tập trung vào lĩnh vực nông, lâm nghiệp với 11 dự án với tổng số vốn là 115,9 triệu USD, dịch vụ với 15 dự án, với số vốn là 59,5 triệu USD, công nghiệp 13 dự án với số vốn là 35,8 triệu USD. Về lĩnh vực đầu tư, Việt Nam tập trung vào phát triển cây công nghiệp: dự án đầu tư 100.000 ha cây cao su của Tập đoàn Công nghiệp Cao su Việt Nam; dự án khai thác và thăm dò quặng sắt tại Stung Treng và quặng Antimon, crôm tại tỉnh Pursat, mỏ tintan tại tỉnh Koh Kông, than và mangan tại tỉnh Stung Treng của Tập đoàn Công nghiệp Than-khoáng sản Việt Nam (Vinacomin); dự án tìm kiếm, thăm dò dầu khí tại vùng nước lịch sử trên biển hai nước và tại khu vực đất liền gần Biển Hồ -Tônlê Sáp của Tập đoàn Dầu khí Việt Nam; dự án Thủy điện hạ Sê San 1, Sê San 5 và Hạ Sê San 2 và dự án khả thi sơ bộ đường dây truyền tải đồng bộ của EVN; dự án triển khai mạng viễn thông tại CPC của Viettel.
Trong mấy tháng gần đây, hoạt động hợp tác - đầu tư giữa Việt Nam và CPC có bước phát triển đột biến. Tại buổi tọa đàm giữa bộ, ngành của CPC với nhà đầu tư Việt Nam được tổ chức từ 11-14/8/2009, nhiều hợp đồng được ký kết giữa 11 doanh nghiệp VN và CPC với số vốn đạt 462 triệu USD. Trong đó, có 5 dự án trong lĩnh vực sản xuất phân bón NPK, nhà máy sản xuất gạo xuất khẩu, cụm nhà máy sản xuất đường, ethanol, nhiệt điện, sản xuất đá xây dựng với số vốn 315 triệu USD. Để hỗ trợ cho các dự án đầu tư, Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam và Ngân hàng Đầu tư và Phát triển CPC đã ký kết hợp đồng hạn mức tín dụng khung với gía trị 120 triệu USD. Có 3 dự án khác của Việt Nam với tổng giá trị là 147 triệu USD cũng đang được triển khai: mở rộng mạng lưới di động công nghệ GSM của Viettel, dự án trồng cao su của công ty cổ phần Hoàng Anh Gia Lai và công ty cổ phần bất động sản C.T.
Năm 2009, hai công ty CPC đăng ký đầu tư tại VN là: Bright Moon Group Co., ltd đầu tư nhà máy nước sạch tại Tp Hội An, tỉnh Quảng Nam với số vốn đăng ký là 5 triệu USD, Fine Chie Hùng Lợi Co., Ltd đăng ký đầu tư xây dựng trung tâm thương mại tại thị trấn Tân Hồng, tỉnh Đồng Tháp với số vốn đầu tư là: 89, 132 tỷ đồng.
CPC hiện có 14,7 triệu dân, thu nhập bình quân 600 USD/người/năm. Tình hình chính trị của CPC tương đối ổn định, nền kinh tế tăng trưởng nhanh. CPC tiếp tục cải thiện thể chế và chính sách thu hút đầu tư nước ngoài: thuận tiện hóa thủ tục, miễn giảm 20% thuế công ty thời kỳ khởi nghiệp là 3 năm, doanh nghiệp được tự do hồi hương lợi nhuận, khuyến khích tái đầu tư, miễn trừ hoàn tòan thuế nhập khẩu và không đánh thuế xuất khẩu. Chính phủ cũng ra quy định về bảo hộ đầu tư:đối xử công bằng giữa nhà đầu tư, không quốc hữu hóa, không kiểm soát giá cả sản phẩm và dịch vụ, không hạn chế tham gia vốn cổ phần, gửi tiền ra nước ngoài...