Công ty cổ phần Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội, trước đây là doanh nghiệp (DN) nhà nước, có hơn 50 năm hoạt động, với mạng lưới chi nhánh rộng khắp trong cả nước, xây dựng thương hiệu mạnh, sản xuất, kinh doanh thuốc phục vụ nhu cầu phòng bệnh, chữa bệnh của nhân dân và tham gia bình ổn giá cả, thị trường về mặt hàng này.
Từ tháng 5-2003, công ty hoạt động theo mô hình cổ phần, Nhà nước nắm giữ 51% vốn điều lệ, tiếp tục sản xuất, kinh doanh hiệu quả, có nhiều đối tác là những hãng dược phẩm lớn trên thế giới, chuẩn bị nhiều dự án đầu tư với các DN trong và ngoài nước.
Công ty cổ phần Dược phẩm Hà nội cũng từ một DN nhà nước thực hiện cổ phần hóa, Nhà nước nắm giữ 40% vốn điều lệ. Từ khi hoạt động theo mô hình cổ phần, công ty liên tục phát triển, sản xuất thuốc theo khuyến cáo của Tổ chức Y tế thế giới, đạt chất lượng tốt, được cấp chứng nhận đạt tiêu chuẩn. Ban lãnh đạo, quản lý, điều hành thực hiện đầu tư, sản xuất, kinh doanh hiệu quả, bảo đảm việc làm, thu nhập cho người lao động, trả cổ tức hợp lý cho cổ đông.
Tháng 12-2009, hai công ty nêu trên nhận được thông báo và quyết định của cơ quan có thẩm quyền tạm thời sáp nhập vào Công ty sản xuất kinh doanh đầu tư và dịch vụ Việt Hà (Công ty Việt Hà), làm đơn vị thành viên của Công ty Việt Hà; Công ty Việt Hà nắm giữ toàn bộ phần vốn Nhà nước tại hai công ty này. Trên thực tế, Công ty Việt Hà chưa từng sản xuất, kinh doanh thuốc, dược phẩm, mặt khác, công nghệ sản xuất của công ty chủ yếu trong lĩnh vực sản xuất bia, nước giải khát, không có điểm chung, khó chuyển đổi sang sản xuất dược phẩm, cách quản trị, điều hành cũng khác. Nên việc hai công ty cổ phần dược phẩm sáp nhập vào Công ty Việt Hà là không cùng ngành nghề, không thuận, khó đạt mục đích, hiệu quả tổng hợp, thể hiện cách làm tréo ngoe. Lo ngại, phản ứng về việc sáp nhập này, đại diện cho cán bộ, công nhân, cổ đông, tổ chức công đoàn của hai công ty cổ phần: Dược phẩm thiết bị y tế Hà Nội và Dược phẩm Hà Nội, đã có văn bản gửi các cơ quan có thẩm quyền của TP Hà Nội, đề nghị không sáp nhập hai công ty này vào Công ty Việt Hà, mà nên xem xét, lựa chọn một DN có cùng ngành nghề, kinh nghiệm sản xuất, kinh doanh, có năng lực tài chính, trình độ quản trị để sáp nhập và quản lý phần vốn nhà nước tại hai đơn vị, tạo điều kiện phát triển DN, ngành dược, ổn định tâm lý, tư tưởng người lao động và cổ đông.
Thiết nghĩ, ý kiến, kiến nghị nêu trên của tổ chức công đoàn là có cơ sở thực tiễn, cần được quan tâm nghiên cứu, giải quyết thoả đáng. Không nên vội vàng trước khi quyết định. Nhất là cách sáp nhập có biểu hiện khiên cưỡng, tréo ngoe.
(Theo Mạnh An // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com