Một nguyên tắc được hầu hết doanh nhân Singapore nằm lòng là “nghĩ lớn, bắt đầu từ những việc nhỏ và luôn giữ mục tiêu…”. Nguyên tắc này dường như tương ứng với quá trình hình thành tập đoàn Thép Việt.
Dây chuyền luyện phôi thép của tập đoàn thép việt tại KCN Phú Mỹ 1. |
“Trái táo” Việt Nam
Sau những năm tháng dài buôn bán sắt thép xây dựng và thành lập Công ty TNHH thương mại thép Việt, một nhóm doanh nhân tại TPHCM đã khởi đầu bước vào sản xuất thép bằng việc liên doanh với Công ty thép miền Nam, Tập đoàn Delta group (Australia) cho ra đời Công ty Sản xuất sản phẩm mạ Vingal và Công ty Liên doanh Thép Tây Đô năm 1993 và 1995.
Một khởi đầu khá suôn sẻ. Tuy nhiên qui mô và hình thức liên doanh chưa thỏa được khát vọng của những người thành lập nên Công ty thép Việt. Vì thế ngay từ năm 1997, Công ty thép Việt đã bắt đầu triển khai ý tưởng xây dựng một thương hiệu thép riêng cho mình.
Một cán bộ lãnh đạo thành phố khi đó cho biết, vào thời điểm những năm 90, một dự án FDI đầu tư vào Việt Nam có số vốn vài chục triệu USD đã được xem là kỷ lục, là sự kiện. Vậy mà thép Việt gồm vài doanh nhân trong nước góp sức lại đưa ra con số 68 triệu USD, khiến không ít người nghi vấn về tính khả thi của dự án.
Trong gần 3 năm, hàng chục chuyến đi tham quan, tìm hiểu công nghệ tại Đức, Ý đã diễn ra. Cuối năm 1998, toàn bộ dự án đã được thông qua với tổng vốn đầu tư 68 triệu USD, công suất nhà máy 600.000 tấn/năm, thương hiệu của sản phẩm mới là Pomina với ý nghĩa là quả táo Việt Nam, biểu trưng của sự ngọt ngào và giảm bớt sự nặng nề của ngành thép.
Theo ông Đỗ Duy Thái, Tổng Giám đốc Tập đoàn thép Việt, khi đó đa số các nhà máy trong nước chỉ sản xuất sản phẩm đạt tiêu chuẩn 295, còn sản phẩm của Pomina đạt tiêu chuẩn 390 được dùng cho các công trình chất lượng cao. Chính vì đi đúng hướng nên chỉ sau 2 năm xuất hiện trên thị trường, Pomina đã chiếm được lòng tin của người tiêu dùng Việt Nam và trở thành một thương hiệu có uy tín trên thị trường trong nước.
Đầu tư “về nguồn”
Đầu những năm 2000, cơn sốt địa ốc đã hút không ít nhà sản xuất công nghiệp bỏ nhà máy, xí nghiệp đi kinh doanh đất đai và nhiều người trong số này đã trở thành tỷ phú chỉ trong thời gian ngắn. Cùng thời điểm này, một vấn đề đặt ra cho ngành thép Việt Nam là giá thành sản phẩm thép trong nước quá cao, đặc biệt so với thép Trung Quốc. Vậy làm sao thép nội có thể cạnh tranh với thép ngoại khi thị trường nhập khẩu ngày càng được mở rộng.
Các doanh nghiệp trong nước khi đó nhận ra rằng, chúng ta mới chỉ đầu tư phần ngọn, “đang ăn xổi ở thì” tức mới chỉ đầu tư gia công, còn phần luyện phôi thì vẫn phụ thuộc hoàn toàn vào nước ngoài.
Một lãnh đạo Công ty thép miền Nam khi đó cho biết “Nhu cầu thép của Việt Nam khoảng trên dưới 3 triệu tấn, nhưng chúng ta chỉ chủ động chưa đến 10% nguồn phôi, mà phôi nhập khẩu thì luôn bị chi phối bởi thuế xuất, nhập khẩu, chi phí vận chuyển…dẫn đến giá thành thép trong nước bị đẩy lên khá cao…”. Vì thế mà ngay những công ty quốc doanh với nhiều ưu thế cũng chưa dám đầu tư mạnh vào luyện phôi.
Trong hoàn cảnh ấy Công ty thép Việt đã quyết định lập dự án đầu tư “về nguồn” tức đầu tư luyện phôi thép. Sau hơn 3 năm lập dự án và tìm hiểu công nghệ, năm 2004, nhà máy sản xuất thép thép Việt được xây dựng tại KCN Phú Mỹ tỉnh Bà Rịa – Vũng Tàu với công suất 1 triệu tấn/năm (bao gồm 500.000 tấn phôi và 500.000 tấn cán). Tổng trị giá đầu tư gần 200 triệu USD với công nghệ hiện đại nhất thế giới lúc bấy giờ về sản xuất thép và đi vào hoạt động cuối năm 2007.
Chỉ chưa đầy 5 năm, vài chục dự án thép đầu tư nước ngoài được ồ ạt cấp phép, vượt ra khỏi quy hoạch của ngành thép Việt Nam, vượt xa dự báo nhu cầu thép trong nước với những siêu dự án có tổng vốn đầu tư vài tỷ USD…
Tiếp tục giữ vững mục tiêu ban đầu, năm 2009, Tập đoàn Thép Việt đã quyết định đầu tư trên 300 triệu USD xây dựng nhà máy luyện có công suất 1 triệu tấn/năm, cán 500.000 tấn và một cảng biển , đưa Thép Việt trở thành doanh nghiệp trong nước có công suất luyện lớn nhất Việt Nam 1,6 triệu tấn/năm…
Theo lý giải của ông Thái khi đã hoàn toàn chủ động được nguồn phôi và nhà máy có công suất lớn, Pomina có thể cạnh tranh về giá; với công nghệ được đầu tư, Pomina hoàn toàn tự tin cạnh tranh về chất lượng và Pomina có lợi thế là đã có thị phần trong nước, có mạng lưới đại lý phủ rộng khắp nước với sự tin cậy của khách hàng.
(Theo Chiến Dũng // SGGP online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com