Dây truyền chế biến gạo. |
Tổng công ty Lương thực miền bắc được Thủ tướng Chính phủ quyết định thành lập năm 1995, trên cơ sở quy tụ toàn bộ các doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực kinh doanh lương thực trên địa bàn các tỉnh miền bắc (từ Thừa Thiên - Huế trở ra). Với hơn 60 đầu mối lần lượt được tiếp nhận, trải qua nhiều lần sắp xếp đổi mới, thực hiện CPH và tiếp nhận đơn vị mới, hiện nay, ngoài cơ quan văn phòng, tổng công ty có 51 đầu mối, trong đó có 39 đơn vị thành viên đã CPH là các công ty con và công ty liên kết, trong đó có hai liên doanh với nước ngoài, 12 đơn vị hạch toán phụ thuộc. Bản thân Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền bắc là công ty TNHH một thành viên do Nhà nước làm chủ sở hữu.
Năm 2010, Tổng công ty Lương thực miền bắc (Vinafood 1) tròn 15 tuổi. Trong chặng đường 15 năm, ngành lương thực Việt Nam trải qua nhiều mô hình tổ chức, với nhiều thăng trầm, biến động. Không chỉ có nhiệm vụ sản xuất, chế biến, kinh doanh lương thực, Vinafood 1 còn có trách nhiệm bảo đảm an ninh lương thực quốc gia. Ðáp ứng yêu cầu này, trong nhiều năm qua, các thế hệ cán bộ, công nhân viên (CBCNV) lao động trong tổng công ty từ T.Ư đến cơ sở đã không ngừng phấn đấu, chắt chiu chi phí để đầu tư cơ sở vật chất - kỹ thuật, khai thác thị trường, đa dạng hóa ngành nghề, sản phẩm...
Trong 15 năm, qua nhiều lần sắp xếp, đổi mới, Vinafood 1 đã tăng vốn chủ sở hữu lên gấp 20 lần so với ngày đầu thành lập, đồng thời quan tâm, làm tốt công tác an sinh xã hội. Những thành tựu đạt được của Tổng công ty Lương thực miền bắc qua các mặt hoạt động đã được Ðảng, Nhà nước, Chính phủ ghi nhận. Từ năm 1995 đến nay, tập thể CBCNV - lao động Vinafood 1 được tặng thưởng Huân chương Lao động hạng ba, hạng nhì, hạng nhất, Huân chương Ðộc lập hạng ba và gần đây vinh dự được đón nhận Huân chương Ðộc lập hạng nhì của Nhà nước trao tặng. Về cá nhân, một đồng chí được tuyên dương Anh hùng Lao động thời kỳ đổi mới, năm đồng chí đạt danh hiệu Chiến sĩ Thi đua toàn quốc, hàng trăm lượt tổ chức và CBCNV - lao động trong tổng công ty được tặng thưởng Huân chương Lao động các hạng, Bằng khen của Thủ tướng Chính phủ và nhiều phần thưởng, các hình thức khen tặng của các bộ, ngành, địa phương, các tổ chức chính trị - xã hội...
Có được những thành tựu đó, trong những năm qua, tổng công ty phát động phong trào thi đua gắn với Cuộc vận động "Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh", và triển khai nghiêm túc các bước làm theo với hai chuyên đề "Nâng cao ý thức trách nhiệm, hết lòng hết sức phụng sự Tổ quốc, phục vụ nhân dân" và "Xây dựng Ðảng ta thật sự trong sạch, vững mạnh, là đạo đức, là văn minh". Hằng năm, tổng công ty triển khai thực hiện các phong trào thi đua, động viên CBCNV - lao động sản xuất, phấn đấu hoàn thành nhiệm vụ chính trị của đơn vị. Bên cạnh các phong trào thi đua thường xuyên, tổng công ty quan tâm phát động các đợt thi đua đột xuất tập trung vào các đợt cao điểm trong hoạt động sản xuất, kinh doanh. Các đợt thi đua ngắn ngày đã thật sự tạo khí thế làm việc tích cực, đem lại hiệu quả thiết thực.
Từ phong trào thi đua yêu nước được tổ chức thực hiện trong năm năm qua của tổng công ty đã bước đầu xuất hiện những tập thể, cá nhân tiêu biểu - những bông hoa góp phần hương sắc tô đẹp chủ nghĩa anh hùng cách mạng đang "nở rộ" trên đất nước ngày càng đổi mới phát triển. Tại Ðại hội Thi đua yêu nước lần thứ ba của tổng công ty, những tập thể, cá nhân lập nhiều thành tích trong phong trào thi đua yêu nước năm năm qua, trong đó phải kể đến những tập thể tiêu biểu như Công ty CP Lương thực Hà Bắc, Công ty liên doanh sản xuất chế biến xuất khẩu gạo, Công ty CP Lương thực Thanh - Nghệ Tĩnh.
Những thành tích của tập thể và các đơn vị thành viên có được là nhờ tinh thần phấn đấu không ngừng của toàn thể đội ngũ CBCNV và người lao động. Nổi bật, có thể kể đến hàng trăm Chiến sĩ thi đua, hàng nghìn lao động giỏi ngày đêm lao động trên các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, trong mọi cương vị công tác và ở khắp mọi vùng, miền của đất nước. Ðặc biệt, tại Ðại hội Thi đua yêu nước lần này, không thể không nhắc đến những thành tích, đóng góp của các cá nhân tiêu biểu, đó là đồng chí Nguyễn Như Lai, Chủ tịch HÐQT; đồng chí Trần Bá Hoàn, Tổng giám đốc Tổng công ty; đồng chí Trần Thị Loan, Chủ tịch HÐQT, Giám đốc Công ty cổ phần Lương thực Hà Nam...
Song, con đường đi lên của Tổng công ty Lương thực miền bắc không đơn thuần chỉ có thuận lợi. Ðể có được như hôm nay, tổng công ty luôn khắc ghi, trân trọng công sức, trí tuệ và cả máu xương của nhiều đồng chí, đồng nghiệp đã đóng góp xây dựng qua việc tìm hướng đi, khai thác thị trường giàu tiềm năng ở phía nam, mở thị trường ngoài nước... với bao vất vả, gian nan. Năm 2010 và các năm sau dự báo tình hình kinh tế còn khó khăn do suy thoái kinh tế, tài chính những năm 2008-2009. Sức cạnh tranh của các doanh nghiệp còn ở mức thấp. Tình hình thiên tai, dịch bệnh trong nước có nhiều diễn biến phức tạp. Sản lượng lúa gạo sản xuất trong nước có xu hướng ổn định và giảm dần vì diện tích lúa giảm do phát triển công nghiệp, du lịch, dịch vụ, tác động của biến đổi khí hậu, xâm nhập mặn, chi phí sản xuất lúa gạo ngày càng cao, trong khi giá gạo thế giới có xu hướng ổn định. Thị trường xuất khẩu lương thực có nguy cơ thu hẹp mức vốn lưu động của tổng công ty thấp, nguồn vốn kinh doanh chủ yếu là vay ngân hàng, với lãi suất tiền vay từ 9% đến 12%/năm là bài toán khó cho việc tính toán hiệu quả kinh doanh của các doanh nghiệp kinh doanh lương thực. Giá lương thực bấp bênh, giá xăng dầu luôn biến động tăng, giá điện, nước tăng cùng với nguy cơ lạm phát đã ảnh hưởng nhiều đến kết quả kinh doanh của toàn tổng công ty.
Thành công lớn nhất, có ý nghĩa chính trị quan trọng nhất là tổng công ty đã giữ vai trò chủ đạo trong việc bình ổn giá cả, bảo đảm an ninh lương thực trong nước. Ðược Chính phủ giao quản lý các doanh nghiệp lương thực trên địa bàn các tỉnh có nhiều khó khăn (đặc biệt là các tỉnh vùng núi phía bắc, các tỉnh miền trung) hay xảy ra thiên tai, bão lụt, có nhiều trường hợp bị chia cắt cục bộ, việc cung ứng lương thực gặp rất nhiều khó khăn. Ðể khắc phục tình trạng này, tổng công ty đã chỉ đạo các đơn vị thành viên chuẩn bị lực lượng lương thực dự trữ, trên cơ sở hệ thống kho, cửa hàng phân bố khắp các huyện để ứng phó khi cần thiết.
Từ khi được thành lập đến nay, với hệ thống kho, cửa hàng lương thực trải khắp các địa bàn, tổng công ty luôn chú trọng kinh doanh phục vụ thị trường nội địa, mỗi năm tiêu thụ 1-1,5 triệu tấn gạo. Trong đó, tổng công ty luôn chủ động chuẩn bị lượng gạo dự trữ lưu thông 300 - 400 nghìn tấn tại các địa bàn trọng điểm như Hà Nội, Hải Phòng, Quảng Ninh, Nghệ An và các tỉnh miền núi phía bắc.
Cuối năm 2009, Thủ tướng Chính phủ đã giao cho tổng công ty tiếp nhận sáp nhập Tổng công ty Muối. Tháng 6-2010, Thủ tướng Chính phủ quyết định chuyển Công ty mẹ - Tổng công ty Lương thực miền bắc thành Công ty TNHH một thành viên do Nhà nước là chủ sở hữu.
Năm 1995, vốn chủ sở hữu của tổng công ty là 183 tỷ đồng, trong đó lỗ và công nợ khó đòi gần 100 tỷ đồng. Sau 15 năm, tổng công ty đã bổ sung vốn bằng nguồn lợi nhuận sau thuế, đưa tổng số vốn chủ sở hữu lên hơn 3.900 tỷ đồng, tăng hơn 20 lần. Doanh thu từ 1.503 tỷ đồng tăng lên 14.032 tỷ đồng (năm 2008 là 18.369 tỷ đồng); lợi nhuận năm tăng từ sáu tỷ đồng đến năm 2009 đạt 909 tỷ đồng. Tỷ suất lợi nhuận trên vốn Nhà nước cao, luôn trong nhóm dẫn đầu các tập đoàn kinh tế, tổng công ty nhà nước, tỷ lệ này bình quân là 53% (tức là 1,8 đồng vốn Nhà nước thu được một đồng lợi nhuận). Ðời sống cán bộ, công nhân viên không ngừng được cải thiện và nâng cao, từng bước xây dựng tổng công ty ngày càng lớn mạnh, khẳng định được thương hiệu trong và ngoài nước. Ðây là tiền đề quan trọng để tổng công ty có bước phát triển nhanh, mạnh hơn trong giai đoạn 2011-2020, trong đó phấn đấu đến năm 2020 trở thành tập đoàn sản xuất, chế biến kinh doanh xuất, nhập khẩu lương thực, thực phẩm hàng đầu Việt Nam, hoạt động đa ngành, đa lĩnh vực, đa sở hữu, trong phạm vi cả nước, trong đó, sản xuất, kinh doanh chế biến, xuất, nhập khẩu lương thực, muối giữ vai trò chủ đạo. Bốn nhiệm vụ tổng công ty sẽ triển khai thực hiện trong thời gian tới đó là:
Thứ nhất, kinh doanh lương thực vẫn tiếp tục là một ngành hàng chủ đạo, mang tính chiến lược, trong đó công ty mẹ giữ vai trò chủ đạo trong việc tìm kiếm, mở mang thị trường xuất khẩu gạo. Các công ty thành viên giữ vai trò chủ đạo về liên kết đầu tư vùng sản xuất nguyên liệu; kinh doanh nội địa, tập trung vào các mặt hàng có chất lượng cao, rõ nguồn gốc xuất xứ và cung ứng gạo xuất khẩu cho tổng công ty, từng bước hoàn thiện một hệ thống cơ sở hạ tầng để thu mua, chế biến, kinh doanh, xuất khẩu gạo tại đồng bằng sông Cửu Long, giúp Vinafood 1 chủ động dự trữ, chế biến, xuất khẩu...
Thứ hai, đa dạng hóa ngành nghề, tập trung vào lĩnh vực chế biến lương thực, thực phẩm, đặc biệt là chế biến các sản phẩm muối. Một số cơ sở chế biến hiện đại, công nghệ tiên tiến, đa dạng hóa mặt hàng ngoài gạo như: sản phẩm phụ của chế biến gạo; nuôi trồng, chế biến thủy sản (cá tra và các phụ phẩm); sản xuất, chế biến muối, phụ phẩm từ sản xuất muối.
Thứ ba, hệ thống kinh doanh thương mại, dịch vụ trong nước như ở Hà Nội gồm có một số dự án lớn của Tổng công ty tại Lãng Yên, đường Láng, Ðịnh Công, các dự án của các đơn vị thành viên tổng công ty tại Hà Nội sẽ được hoàn thành đưa vào sử dụng. Hệ thống siêu thị, trung tâm thương mại, dịch vụ, các kho dự trữ, phân phối và chuỗi các cửa hàng bán lẻ hiện đại tại hầu hết các thành phố lớn, thị xã các tỉnh phía bắc được hoàn thành. Mỗi tỉnh có ít nhất một dự án quy mô lớn, hiện đại.
Cuối cùng là tập trung đầu tư vào một số lĩnh vực mới bắt đầu hình thành và phát triển như đầu tư kinh doanh bất động sản, tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm, khách sạn, các khu nghỉ dưỡng cao cấp...
Với tiềm năng, lợi thế và sự nỗ lực phấn đấu không ngừng, Vinafood 1 hy vọng sẽ thành công trên nhiều lĩnh vực kinh doanh, phát triển vững bước đi lên cùng đất nước, từng bước đưa thương hiệu Vinafood 1 được khẳng định trong và ngoài nước.
Trần Bá Hoàn Bí thư Ðảng ủy, Tổng Giám đốc Vinafood 1
(Theo Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com