Hơn một nửa sản lượng xe hơi của Toyota được sản xuất ở Nhật, nơi có chi phí rất cao. |
Những đợt thu hồi liên tiếp hàng triệu chiếc xe hơi bị lỗi sản xuất đã khiến Toyota thiệt hại nặng cả về uy tín lẫn tài chính. Nhưng theo giới phân tích, thiệt hại đó vẫn chưa thấm vào đâu so với những gì mà tập đoàn xe hơi lớn nhất thế giới này đang phải hứng chịu do rủi ro tỷ giá lẫn những khiếm khuyết trong chiến lược sản xuất. Khó khăn của Toyota còn phản ánh phần nào thực trạng mù mịt của nền kinh tế Nhật.
Đồng yen Nhật đang ở mức giá cao nhất trong 15 năm so với đô la Mỹ, chín năm so với đồng euro châu Âu và cao nhất từ trước đến nay so với đồng won Hàn Quốc. Với tỷ giá hiện hành, các tập đoàn xuất khẩu của Nhật nói chung, nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới Toyota nói riêng, đang phải chịu nhiều thiệt hại. Tính đến tháng 7-2010, xuất khẩu của Nhật đã giảm tháng thứ năm liên tiếp và chưa có dấu hiệu hồi phục. Thời oanh liệt nay còn đâu! Trên thế giới, thị phần xe hơi của Toyota đang lần lượt rơi vào tay các đối thủ như Volkswagen của Đức, Hyundai của Hàn Quốc và GM, Ford của Mỹ. Hyundai đang gia tăng rất nhanh thị phần tại các thị trường chính, kể cả Mỹ và Trung Quốc. Volkswagen tiếp tục thống trị thị trường châu Âu và phần lớn các nước châu Á-Thái Bình Dương, dẫn đầu thị trường tại Trung Quốc và đang nhắm tới vị trí hãng xe hơi lớn nhất thế giới về doanh số vào năm 2018, từ vị trí thứ ba hiện thời sau Toyota và General Motors. Tại Mỹ - thị trường xe hơi lớn nhất thế giới về doanh số - Hyundai đang dùng mức lợi nhuận kỷ lục để đẩy mạnh các chương trình khuyến mãi mà Toyota không theo nổi, thị phần của Ford, Nissan và Volkswagen đều tăng trong khi phần của Toyota đã giảm từ 16,6% xuống 15,2% trong năm ngoái. Tại hai thị trường đông dân nhất thế giới, Trung Quốc và Ấn Độ, hãng xe Hàn Quốc cũng đã vượt qua Toyota với những thành tích ngoạn mục: tại Trung Quốc thị phần của Hyundai đã lên 6,2%, cao hơn 1 điểm phần trăm so với 5,2% của Toyota; còn tại Ấn Độ, thị phần của Toyota chỉ là 2,5%, quá thấp so với 14% của Hyundai và 40% của Suzuki. Nguyên nhân trực tiếp dẫn tới sự sút giảm thị phần của Toyota là đồng yen tăng giá khiến cho sản phẩm xe hơi của hãng này trở nên đắt đỏ, mất sức cạnh tranh trong khi giá sản phẩm của các đối thủ trở nên rẻ hơn. Tình hình này hoàn toàn trái ngược với thời kỳ trước năm 2008, khi Toyota được hưởng lợi thế lớn trên thị trường toàn cầu nhờ đồng yen yếu so với các ngoại tệ khác. Bất cập trong cơ cấu sản xuất và đầu tư
Tuy nhiên theo giới phân tích, tỷ giá bất lợi không phải là nguyên nhân duy nhất, mà chính những bất cập trong chiến lược sản xuất của Toyota - bộc lộ rõ nhất khi tỷ giá thay đổi - đã góp phần cản trở đà tiến của tập đoàn này. Tuy là nhà sản xuất xe hơi lớn nhất thế giới, Toyota vẫn phụ thuộc quá nhiều vào các nhà máy lắp ráp và nhà cung cấp phụ tùng ở Nhật Bản, nơi có chi phí lao động rất cao. Do không đầu tư mở rộng mạng lưới nhà máy ở nước ngoài, Toyota sản xuất hơn một nửa sản lượng xe ở Nhật, rồi chuyển sang các nước khác tiêu thụ. Chiến lược này làm cho giá thành sản phẩm của Toyota bị đội lên, đồng thời dễ bị thiệt hại do các rủi ro về tỷ giá. Các nhà xuất khẩu lớn khác của Nhật như Honda, Nissan, Canon, Sony cũng bị thiệt hại về tỷ giá, nhưng không nặng nề như Toyota nhờ những năm gần đây họ đã chuyển nhiều cơ sở sản xuất ra nước ngoài, nhất là sang Trung Quốc. Tại thị trường Bắc Mỹ chẳng hạn, có 35% số xe hơi Toyota bán ra được nhập khẩu từ Nhật Bản, trong khi tỷ lệ này của Honda chỉ là 10%.
Theo tính toán của Toyota, lấy tỷ giá 90 yen ăn 1 đô la Mỹ làm chuẩn, cứ mỗi khi đô la giảm thêm 1 yen thì lợi nhuận của tập đoàn bị giảm 30 tỉ yen, tương đương 356 triệu đô la Mỹ. Trong năm tài chính 2010-2011, kết thúc vào cuối tháng 3-2011, Toyota dự kiến đạt lợi nhuận 330 tỉ yen, nhưng nếu tỷ giá duy trì ở mức 1 đô la Mỹ ăn 84 yen hiện thời, số lợi nhuận này sẽ giảm một nửa. Cũng theo phép tính trên, lợi nhuận của Nissan bị giảm khoảng 15 tỉ yen, còn Sony chỉ bị giảm 2 tỉ yen. Các nhà quản lý của Toyota đã nhìn thấy sự bất cập này và đã cố gắng mở nhà máy ở nước ngoài nhưng nỗ lực của Toyota phần nào có tính chất nửa vời, các nhà máy của Toyota ở nước ngoài chỉ tập trung lắp ráp sản phẩm hoàn chỉnh, còn phụ tùng, linh kiện vẫn được sản xuất tại Toyota City bên Nhật rồi chuyển tới. Cũng như các tập đoàn xe hơi khác, Toyota biết rằng thị trường các nước đang phát triển quyết định đà tăng trưởng của ngành công nghiệp xe hơi trong tương lai nhưng sự đầu tư của Toyota vào các nền kinh tế đang phát triển như Trung Quốc và Ấn Độ lại không tương xứng với tầm vóc của tập đoàn. Lấy mẫu xe hơi cỡ nhỏ Toyota Yaris làm ví dụ. Toyota đã lắp ráp xe Yaris tại Trung Quốc để giảm giá thành, nhưng do phần lớn linh kiện phải nhập từ các nhà cung cấp như Denso và Aisin bên Nhật nên chiếc xe Yaris có giá không dưới 100.000 nhân dân tệ (khoảng 15.000 đô la Mỹ), quá cao so với chiếc Verna của Hyundai, có tính năng tương tự nhưng giá chỉ 73.900 nhân dân tệ, hay chiếc Jetta của Volkswagen có giá 75.000 nhân dân tệ. Tại Ấn Độ, Toyota sắp đưa ra loại xe nhỏ Etios phù hợp với đường sá chật chội của xứ này, song theo giới quan sát, chiếc Etios có giá không dưới 500.000 rupee Ấn Độ nên khó cạnh tranh nổi với những mẫu xe phổ biến tại đây như xe Alto của Suzuki giá 323.000 rupee hay xe Hyundai i10 có giá chỉ 350.000 rupee. Gần đây Toyota bắt đầu tính tới chuyện đưa sản xuất đến gần thị trường tiêu thụ hơn và tăng tỷ lệ “nội địa hóa”, sử dụng phụ tùng, linh kiện sản xuất ở địa phương thay vì nhập khẩu gần như toàn bộ từ Nhật Bản, có điều sự thay đổi này cần có nhiều thời gian và sự đầu tư lớn để hình thành chuỗi nhà máy công nghiệp phụ trợ. Ngoài ra, quan hệ mật thiết giữa Toyota với các nhà máy sản xuất phụ tùng ở Nhật cũng như áp lực của Chính phủ Nhật buộc các nhà xuất khẩu phải dành công việc cho lao động trong nước cũng làm cho công cuộc dịch chuyển sản xuất của Toyota khó mà tiến triển nhanh được. Tấm gương phản chiếu kinh tế Nhật Thành công và khó khăn của tập đoàn Toyota phần nào phản ánh sự thăng trầm của cả nền kinh tế dựa vào công nghiệp và xuất khẩu của Nhật Bản. Theo các nhà phân tích, hiện tượng đồng yen tăng giá cho thấy đã đến lúc người Nhật nên từ bỏ niềm đam mê sản xuất công nghiệp và chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng dựa nhiều hơn vào dịch vụ. Đồng yen tăng giá không chỉ tác động xấu đến xuất khẩu mà trở thành một vấn đề chính trị nhạy cảm ở Nhật Bản. Thủ tướng Nhật Kaoto Kan cam kết sẽ “hành động quyết liệt” để đưa giá của đồng tiền xuống thấp nhưng xem ra trong một nền kinh tế thị trường trưởng thành như Nhật Bản, chính quyền có rất ít khả năng tác động đến tỷ giá. Các ngân hàng trung ương có thể đưa ra thị trường một lượng lớn tiền mặt để kéo giá đồng nội tệ xuống, nhưng biện pháp này chỉ có hiệu quả tạm thời. Ngân hàng trung ương Nhật cũng khó mà yêu cầu các ngân hàng trung ương châu Âu và Mỹ phối hợp hành động để thay đổi tỷ giá sao cho có lợi cho Nhật Bản vì bản thân châu Âu và Mỹ cũng đang muốn duy trì tỷ giá hiện hành để vực dậy nền kinh tế đang èo uột của hai khu vực này. Chính vì vậy, theo giới phân tích, Nhật không nên mong chờ đồng yen xuống giá để thúc đẩy xuất khẩu sản phẩm như cách làm của Trung Quốc mà nên chuyển cơ sở sản xuất công nghiệp sang các nước láng giềng có chi phí thấp hơn như các nước Đông Nam Á; đồng thời mở cửa thị trường để khuyến khích các doanh nghiệp vừa và nhỏ đẩy mạnh các ngành dịch vụ hiện nay còn rất yếu kém. “Đây là một sự chuyển dịch khó khăn. Nhưng thay vì tìm trăm phương ngàn kế để hạ giá đồng yen, thúc đẩy xuất khẩu, tốt hơn hết nước Nhật nên xây dựng nền kinh tế dựa trên một đồng tiền mạnh”, ông Kazuki Ohara, nhà tư vấn cao cấp về quản trị của Viện nghiên cứu Nomura ở Tokyo, nhận định.
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn // NYT)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com