Theo các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng điện lạnh, sản phẩm tủ lạnh, máy lạnh sẽ không kịp hoàn thành dán nhãn năng lượng trước 31-12-2012. Ảnh: Minh Tâm |
Theo các doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh, đến thời hạn 1-1-2013, sẽ có nhiều sản phẩm tủ lạnh, máy lạnh không thể đưa ra thị trường do chưa được dán nhãn tiết kiệm năng lượng như quy định của cơ quan quản lý khi mà tình trạng kiểm định bị ùn ứ, quá tải vì chỉ có một đơn vị trong nước thực hiện.
Trao đổi với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, đại diện nhiều doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu hàng điện tử, điện lạnh cho biết, ở thời điểm hiện tại, nhiều sản phẩm tủ lạnh, máy lạnh của họ vẫn chưa được dán nhãn tiết kiệm năng lượng dù thời hạn bắt đầu sử dụng 1-1-2013 đã gần kề. Với tình trạng ùn ứ, quá tải hiện nay ở trung tâm kiểm định, chắc chắn sẽ có nhiều sản phẩm chưa kịp dán nhãn xong trước đầu năm sau.
Ông Phạm Thiên Thi, phụ trách Marketing ngành hàng điện lạnh gia dụng, Công ty TNHH LG Electronics Việt Nam cho biết, đơn vị này bắt đầu triển khai việc dán nhãn năng lượng bắt buộc cho các sản phẩm tủ lạnh từ cách đây 2 tháng. Tuy nhiên, cho đến thời điểm này, các mẫu sản phẩm vẫn chưa được thử nghiệm xong để được dán nhãn.
Theo ông Thi, theo tiến độ này thì có thể đến hết 31-12-2012, vẫn sẽ còn một vài mẫu sản phẩm chưa được đăng ký và dán nhãn tiết kiệm năng lượng. Điều này sẽ gây khó khăn cho doanh nghiệp khi mất lợi thế cạnh tranh với các hãng khác, sản phẩm khác đã được dán nhãn. "Chúng tôi mong muốn có thêm trung tâm thử nghiệm chứ không chỉ ở Hà Nội như hiện nay để doanh nghiệp không phải đợi chờ mà cơ quan quản lý cũng không quá tải", ông Thi nói.
Tình trạng không thể dán hết nhãn cho sản phẩm trước ngày 1-1-2013 cũng được trưởng phòng xuất nhập khẩu một công ty kinh doanh hàng điện máy, điện tử thương hiệu Nhật Bản xác nhận với Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online.
Ở thời điểm hiện tại, mỗi mẫu tủ lạnh được kiểm nghiệm trong vòng 3-5 ngày, trong khi máy lạnh là từ 1-1,5 ngày.
Theo đại diện các công ty, nguyên nhân của việc không thể triển khai kịp quy định là hiện có quá ít trung tâm kiểm định sản phẩm. Ở mặt hàng tủ lạnh, máy lạnh, Bộ Công Thương chỉ chỉ định một trung tâm kiểm nghiệm sản phẩm trong nước để xác định hiệu suất năng lượng là Trung tâm thử nghiệm - Kiểm định công nghiệp thuộc Viện Cơ khí năng lượng và mỏ (Vinacomin) tại Hà Nội.
Trong khi đó, hiện có hàng chục doanh nghiệp sản xuất, nhập khẩu mặt hàng này với hàng trăm, hàng ngàn mẫu sản phẩm cần thử nghiệm, kiểm định. Còn các mặt hàng điện gia dụng khác như quạt điện, bóng đèn, nồi cơm điện, bình đun nước… lại có từ 2-3 trung tâm kiểm nghiệm.
Theo vị trưởng phòng xuất nhập khẩu kể trên, mới đây Bộ Công Thương vừa quyết định công nhận thêm một phòng kiểm định ở Thái Lan là Intertek để các doanh nghiệp khi nhập khẩu hàng từ nước ngoài có thể thử nghiệm sản phẩm trước khi đưa về Việt Nam. Dự kiến cũng sẽ có thêm một phòng kiểm nghiệm khác ở Thái Lan và một ở Hàn Quốc. “Tuy nhiên, phòng thử nghiệm này cũng đã rơi vào tình trạng quá tải vì có quá nhiều hãng đưa hàng đến”, ông này nói.
Bên cạnh đó, cũng còn một lý do nữa, theo vị trưởng phòng này, là không ít doanh nghiệp đợi “nước đến chân mới nhảy”, nghĩa là để gần kề thời hạn bắt buộc dán nhãn mới bắt đầu triển khai. Theo đó, quyết định về việc dán nhãn năng lượng bắt buộc cho các sản phẩm điện gia dụng đã có từ lâu nhưng phải đến tháng 3, tháng 4, cơ quan quản lý mới tổ chức các hội thảo hướng dẫn triển khai. Và cũng thời điểm này, các doanh nghiệp mới bắt đầu tập trung áp dụng.
Cũng theo các doanh nghiệp, tình trạng không dán nhãn xong tất cả các sản phẩm trước 31-12-2012 xảy ra ở hầu hết các hãng chứ không chỉ một hai đơn vị. Ở thời điểm hiện tại, chỉ mới một hãng hoàn thành xong vì có ít mẫu mã, chủng loại hàng.
Bên cạnh đó, một vấn đề doanh nghiệp thắc mắc là một lượng lớn sản phẩm tồn kho, đã nhập về từ lâu nhưng chưa được tiêu thụ hết mà đang nằm trên quầy, kệ hoặc kho của các đại lý, nhà phân phối hay trong kho của nhà sản xuất thì có phải dán nhãn năng lượng hay không? Hướng dẫn chính thức vẫn chưa được cơ quan quản lý ban hành. Nếu phải dán cho các sản phẩm này thì theo các doanh nghiệp, sẽ rất tốn kém và lãng phí vì nhiều mẫu sẽ không được sản xuất, nhập khẩu tiếp theo.
Cũng theo các đại diện doanh nghiệp, hiện tại các nhà phân phối là các trung tâm điện máy, siêu thị đã có thông báo bắt buộc hãng phải cung cấp nhãn tiết kiệm năng lượng trước ngày 1-1-2013 thì mới nhập hàng.
Vì vậy, theo nguồn tin của Thời báo Kinh tế Sài Gòn Online, một số doanh nghiệp đang có ý định gửi công văn lên cơ quan quản lý, đề xuất gia hạn thêm 6 tháng việc dán nhãn tiết kiệm năng lượng bắt buộc.
Từ cuối tháng 8-2012, ông Phương Hoàng Kim, Vụ trưởng Vụ Khoa học công nghệ và Tiết kiệm năng lượng, Tổng cục năng lượng, Bộ Công Thương đã khẳng định, mọi công tác chuẩn bị cho thời điểm thực hiện dán nhãn năng lượng bắt buộc đã cơ bản sẵn sàng và khuyến cáo doanh nghiệp nên sớm làm thủ tục để tránh quá tải cho việc xem xét, đánh giá hồ sơ cũng như cơ sở thử nghiệm.
Việc thực hiện dán nhãn tiết kiệm năng lượng cho sản phẩm điện gia dụng được thực hiện theo Quyết định 51/QĐ-TTg của Thủ tướng Chính phủ và Luật sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả. Theo đó, từ 1-1-2013, nhóm thiết bị gia dụng và nhóm thiết bị công nghiệp bắt buộc phải dán nhãn tiết kiệm năng lượng.
Nhóm thiết bị gia dụng bao gồm: đèn huỳnh quang ống thẳng, đèn huỳnh quang compact, chấn lưu điện từ, điện tử cho đèn huỳnh quang, máy điều hòa nhiệt độ, tủ lạnh, máy giặt sử dụng trong gia đình, nồi cơm điện, quạt điện, máy thu hình. Nhóm thiết bị công nghiệp gồm máy biến áp phân phối và động cơ điện.
Các sản phẩm được dán nhãn năng lượng so sánh với các cấp độ từ 1-5 hoặc nhãn năng lượng xác nhận.
(Theo Thesaigontimes)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com