Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Vinaconex những dự án xi măng và sự bất nhất của kiểm toán

Câu chuyện về sự thiếu minh bạch của các công ty niêm yết (CTNY) đã gây tổn thương không nhỏ đến niềm tin của NĐT, nhất là NĐT cá nhân đối với DN. Điều gì sẽ xảy ra tiếp theo khi bản thân công ty kiểm toán, những người được trả tiền để đưa ra ý kiến khách quan trên cơ sở chuẩn mực kế toán, lại có quan điểm không đồng nhất, có thể gây ảnh hưởng lớn đến kết quả kinh doanh trong kỳ của CTNY về cùng một vấn đề?

Câu chuyện của Vinaconex

Trong tài liệu gửi các cổ đông mời tham dự cuộc họp ĐHCĐ thường niên năm 2008 sẽ diễn ra tới đây, Vinaconex có gửi kèm báo cáo tài chính (BCTC) kiểm toán do KPMG kiểm toán. Trong đó, phần ý kiến của kiểm toán viên có đưa ra khá nhiều khoản ngoại trừ, mà nếu để phía Vinaconex sửa đổi BCTC theo ý kiến của kiểm toán viên thì cán cân lỗ - lãi cho năm tài chính 2008 hoàn toàn có thể bị thay đổi.

Trước hết là ý kiến của kiểm toán viên với Trạm nghiền Xi măng Cẩm Phả liên quan đến con số 467,575 tỷ đồng cuối năm 2008 (cuối năm 2007 là 200,801 tỷ đồng) số dư tài khoản chênh lệch tỷ giá thể hiện trên BCTC riêng của Vinaconex. Đây chủ yếu là khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa thực hiện phát sinh trong giai đoạn xây dựng Nhà máy Xi măng Cẩm Phả và Trạm nghiền Xi măng Cẩm Phả do đánh giá lại các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ nhận được để tài trợ cho việc xây dựng các dự án này. Theo KPMG, tuân theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 - Ảnh hưởng của việc thay đổi tỷ giá hối đoái (tất cả các khoản lỗ chênh lệch tỷ giá chưa được thực hiện phát sinh do việc đánh giá lại các khoản vay dài hạn bằng ngoại tệ cần được hạch toán như là chi phí hoạt động tài chính trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh của năm khi các khoản lỗ này phát sinh) thì chi phí tài chính năm 2008 của Vinaconex bị ghi nhận thiếu 266,774 tỷ đồng (năm 2007 ghi nhận thiếu 146,561 tỷ đồng), nên lợi nhuận chưa phân phối tại ngày 31/12/2008 ghi nhận thừa 467,575 tỷ đồng.

Phía Vinaconex cho rằng, hai dự án trên được xây dựng nhằm chuyển giao cho CTCP Xi măng Cẩm Phả (một công ty con của Vinaconex) theo quyết định của Thủ tướng Chính phủ, nên khoản chênh lệch tỷ giá này không nên hạch toán là chi phí hoạt động tài chính của Vinaconex, đây là bất cập trong quy định của chuẩn mực kế toán Việt Nam.

"Theo nguyên tắc phù hợp giữa việc ghi nhận doanh thu và chi phí, khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái được coi như một khoản chi phí hình thành tài sản chuyển giao cấu thành nên chi phí sản xuất - kinh doanh của kỳ có phát sinh doanh thu từ việc chuyển giao tài sản sang tài sản sang CTCP Xi măng Cẩm Phả…", báo cáo Ban giám đốc của Vinaconex viết.

Như vậy, lợi nhuận sau thuế năm 2008 của Vinaconex là bao nhiêu đang phụ thuộc vào quan điểm của mỗi bên. Với 2 quan điểm này, lợi nhuận năm 2008 có thể giữ nguyên theo BCTC hoặc bị giảm tới gần 267 tỷ đồng và quỹ lợi nhuận chưa phân phối (thời điểm cuối năm 2008) có thể bị giảm gần 470 tỷ đồng. Đây là con số không nhỏ, bởi theo cách tính của Vinaconex, lợi nhuận năm 2008 là 306,117 tỷ đồng, quỹ lợi nhuận chưa phân phối cuối năm 2008 là 170,19 tỷ đồng.

Vấn đề bất đồng thứ hai giữa kiểm toán và Vinaconex chính là việc hạch toán chi phí lãi vay cho Nhà máy Xi măng Cẩm Phả phát sinh sau ngày 14/11/2008 - thời điểm lập biên bản nghiệm thu lô thiết bị cuối cùng của Nhà máy. Theo Vinaconex, khoản lãi vay 50,246 tỷ đồng trong giai đoạn 15/11/2008 -31/12/2008 từ vốn vay đầu tư cho nhà máy trên phải tính vào chi phí xây dựng dở dang (vốn hóa chi phí lãi vay này), vì đây vẫn thuộc giai đoạn chạy thử. "Để Nhà máy có thể chính thức đi vào hoạt động, cần có sự vận hành tổng thể của các hạng mục, công trình phụ trợ. Đến ngày 31/12/2008, các hạng mục công trình phụ trợ cho Nhà máy mới được nghiệm thu bởi các bên: chủ đầu tư, nhà thầu, tư vấn thiết kế. Vì vậy, các hạng mục của Nhà máy Xi măng Cẩm Phả chính thức đi vào hoạt động kể từ ngày 1/1/2009 và thời gian chấm dứt vốn hóa được xác định vào ngày 31/12/2008 là phù hợp với chuẩn mực kế toán", Vinaconex giải thích.

Tuy nhiên, KPMG cho rằng, Vinaconex phải ghi nhận khoản 50,246 tỷ đồng trên vào chi phí tài chính trong kỳ, bởi theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 16 - Chi phí đi vay, việc vốn hóa chi phí đi vay sẽ chấm dứt khi các hoạt động chủ yếu cần thiết cho việc chuẩn bị đưa tài sản dở dang vào sử dụng đã hoàn thành. Chi phí vay phát sinh sau đó sẽ được ghi nhận là chi phí tài chính trong báo cáo kết quả hoạt động kinh doanh.

Như vậy, với mâu thuẫn về cách hiểu khoản chi phí vốn vay hơn 50 tỷ đồng này, nếu Vinaconex có điều chuyển theo cách tính của kiểm toán, lợi nhuận năm 2008 của Vinaconex sẽ phải giảm thêm khoảng 50 tỷ đồng.

Bên cạnh đó, kiểm toán viên cũng có ý kiến ngoại trừ với khoản dự phòng đầu tư dài hạn của Vinaconex do các công ty liên doanh, liên kết và các công ty khác không cung cấp BCTC cho kiểm toán tại thời điểm kiểm toán để kiểm toán viên có thể lượng hóa chính xác. Mặt khác, KPMG cho rằng, việc tính khấu hao nhà xưởng, máy móc và thiết bị của Trạm nghiền Xi măng Cẩm Phả (đơn vị trực thuộc Vinaconex) không được tính toán chính xác cho các năm 2007, 2008 nên giá vốn hàng hóa năm 2008 của Vinaconex bị ghi nhận thiếu xấp xỉ 38,507 tỷ đồng (năm 2007 ghi nhận thừa 19,788 tỷ đồng).

Như vậy, lợi nhuận năm 2008 của Vinaconex có thể giảm 355,527 tỷ đồng, tức số lãi hiện tại trong BCTC chưa kiểm toán là 306,117 tỷ đồng sẽ chuyển thành lỗ 49,41 tỷ đồng và quỹ lợi nhuận chưa phân phối khi đó có thể giảm 556,328 tỷ đồng, đang từ 170,19 tỷ đồng về -386,138 tỷ đồng, theo cách tính của KPMG đưa ra. Sự chênh lệch này chủ yếu do cách hiểu khác nhau giữa DN và công ty kiểm toán.

Và các doanh nghiệp khác

Tìm hiểu sơ bộ một số DN ngành xi măng, ĐTCK ghi nhận 3 CTNY khác trong ngành cũng sử dụng vốn vay để tài trợ dự án trong các năm vừa qua và có phát sinh trường hợp tương tự.

Với trường hợp của CTCP Xi măng Bút Sơn (BTS), tính đến ngày 31/12/2008, Công ty đã thực hiện rút 1.324,773 tỷ đồng vốn vay nước ngoài, tương đương 56,207 triệu EUR để xây dựng Dây chuyền 2 Xi măng Bút Sơn. Tại thời điểm cuối năm 2008, BTS có lợi nhuận trước thuế 121,36 tỷ đồng, ghi nhận khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái 38,049 tỷ đồng vào tăng vốn chủ sở hữu (năm 2007, khoản chênh lệch này là -2,184 tỷ đồng). Công ty TNHH Tư vấn Kế toán và Kiểm toán Việt Nam hoàn toàn đồng ý với cách lập BCTC này của BTS.

Trường hợp khác là CTCP Xi măng Bỉm Sơn (BCC), có khoản chênh lệch tỷ giá hối đoái do vay đầu tư dây chuyền mới Nhà máy Xi măng Bỉm Sơn cuối năm 2008 lên tới -138,604 tỷ đồng (cuối năm 2007 là -41,959 tỷ đồng). BCC có lợi nhuận trước thuế năm 2008 là 216,011 tỷ đồng. Đơn vị kiểm toán độc lập là Công ty TNHH Dịch vụ Tư vấn Tài chính Kế toán và Kiểm toán (AASC) đã đưa ra ý kiến chấp thuận toàn bộ với BCTC của BCC.

Trường hợp của CTCP Xi măng Hà Tiên 1 (HT1) thì đặc biệt hơn. Với khoản vay ngoại tệ hơn 1.200 tỷ đồng từ Ngân hàng Société Général tài trợ cho gói thiết bị số 1, Dự án Xi măng Bình Phước, phát sinh chênh lệch tỷ giá năm 2008 của HT1 là hơn 74 tỷ đồng. Tuy nhiên, HT1 đã cấn trừ một phần khoản chênh lệch tỷ giá (do vay ngân hàng và trả nợ người bán bằng chính ngoại tệ - theo thông tin từ Kế toán trưởng công ty này) và hạch toán phần còn lại vào chi phí tài chính/thu nhập khác trong kỳ kế toán. Công ty TNHH Kiểm toán và Tư vấn A&C đã đưa ra ý kiến kiểm toán chấp thuận toàn bộ BCTC của HT1.

Qua xem xét 4 trường hợp khác nhau cùng liên quan đến các dự án, với cùng một cách hạch toán của Vinaconex, BCC, BTS, nhưng ý kiến của kiểm toán viên (một công ty kiểm toán nước ngoài và 2 công ty kiểm toán trong nước) lại trái ngược nhau.

Tham khảo ý kiến từ các chuyên gia, việc hạch toán như cách Vinaconex, BCC, BTS thực hiện là phù hợp với tính kinh tế, tức phát sinh chi phí cho dự án trước khi đưa vào sử dụng thì cần được hạch toán vào giá vốn của tài sản. Tuy nhiên, nếu xét theo Chuẩn mực kế toán Việt Nam số 10 thì cả 3 CTNY này và cả những công ty kiểm toán có ý kiến không ngoại trừ có làm đúng? Theo một nguồn tin đáng tin cậy, KPMG và Vinaconex đã có cuộc họp xin ý kiến của Bộ Tài chính về cách hạch toán chênh lệch tỷ giá phát sinh của Vinaconex, nhưng câu trả lời cuối của Bộ Tài chính là: cứ theo chuẩn mực kế toán Việt Nam!

Không hiểu, liệu NĐT có thể nhìn nhận chính xác các khoản mục trên nếu như đơn vị kiểm toán độc lập mà Vinaconex lựa chọn là một trong hai đơn vị kiểm toán mà BCC hay BTS đã lựa chọn?

Nếu như hơn một năm trở về trước, NĐT hầu như không chú ý đến báo cáo của kiểm toán vì chưa ý thức hết được vai trò của họ, thì giờ đây, niềm tin của họ vào chất lượng kiểm toán sẽ như thế nào khi nhiều công ty kiểm toán đôi khi cũng chưa có sự thống nhất và tuân thủ các chuẩn mực? Và khi đó, cơ sở đâu để NĐT đánh giá và phân tích tài chính một DN?   

(Theo ĐTCK)

  • Chi phí doanh nghiệp tăng 2,26 - 22,6% do giá điện mới
  • SJC: Tăng trưởng mạnh trong thời kỳ khủng hoảng
  • HBA “kết nối” thị trường nội bộ
  • Korean Air giảm giá 30% nhiều đường bay từ Hà Nội
  • Suy thoái khiến hầu hết các hãng hàng không hoãn đơn đặt hàng máy bay
  • 80% Doanh nghiệp nhỏ và vừa không có chiến lược đầu tư cho khoa học công nghệ
  • Lợi nhuận của Vietnam Airlines giảm mạnh
  • Doanh nghiệp Việt duy nhất đoạt WIPO 2008
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
Thanh Dũng Furniture - Nội thất Thanh Dũng

  • Bầu Đức chọn Israel, Bộ Công Thương chọn Trung Quốc
  • Thay 3 giám đốc, làm ăn thua lỗ vì 2 con sư tử đá?
  • Thăng trầm: Con đường ‘bốc hơi’ ngàn tỷ của ông chủ Tôn Hoa Sen
  • Nghề thiết kế cũng cần luật lệ
  • Trò chuyện với doanh nhân: Không buông tay lúc thị trường mỏi mệt
  • Ông Phạm Nhật Vượng: Tôi chỉ tập trung vào việc của mình thôi
  • Quyết đoán nhưng không độc đoán
  • Những đại gia Việt 'siêu' kiếm tiền trong bão kinh tế
  • Túi khôn của doanh nghiệp
  • Đại gia hút thuốc lào, cưỡi Rolls-Royce: Làm khách sạn cho vui!
  • Ông Thân Đức Nam, từ “thầu phụ” đến 37 Hùng Vương
  • Sống sao để lưng đứng thẳng, đầu ngẩng cao