Ông Lê Tuyên (trái sang thứ 2), Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Trung Nguyên cùng bà Ngô Thị Thu Trang (thứ 3 từ trái sang), Giám đốc điều hành Vinamilk tại lễ chuyển nhượng nhà máy cà phê Sài Gòn - Ảnh: Hồng Văn |
Công ty cổ phần sữa Việt Nam (Vinamilk), nhà chế biến sữa hàng đầu Việt Nam, đã bán nhà máy cà phê Sài Gòn ở Bình Dương cho Công ty cổ phần cà phê Trung Nguyên, cũng là một thương hiệu cà phê nổi tiếng ở Việt Nam. Tuy nhiên, tại lễ công bố chuyển nhượng dự án nhà máy cà phê Sài Gòn giữa hai công ty vào sáng 13-9 tại TPHCM, cả ông Lê Tuyên, Giám đốc Tiếp thị và Truyền thông của Trung Nguyên và bà Ngô Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Vinamilk đều từ chối câu hỏi của báo chí về giá chuyển nhượng cụ thể. Ông Tuyên cho biết, nhà máy cà phê Sài Gòn ở lô A, khu công nghiệp Mỹ Phước 2, huyện Bến Cát, Bình Dương, cách TPHCM 50 km, có diện tích 6 héc ta, trong đó diện tích xây dựng nhà máy rộng 2,5 héc ta, chế biến cà phê rang xay, cà phê hòa tan lẫn cà phê đóng lon, nằm trong chiến lược đẩy mạnh tiêu thụ thị trường cà phê nội địa và vươn ra thế giới của công ty. Chiến lược nói trên của công ty dự kiến đầu tư 2.200 tỉ đồng, trong đó có việc mua lại nhà máy cà phê Sài Gòn của Vinamilk. Đến nay, Trung Nguyên có 4 nhà máy chế biến cà phê, bao gồm 2 nhà máy chế biến cà phê hòa tan và 2 nhà máy chế biến cà phê rang xay, kể cả nhà máy cà phê rang xay trị giá 800 tỉ đồng mà công ty này khởi công xây dựng vào tháng 6 năm ngoái ở thủ phủ cà phê Buôn Ma Thuột. Mặc dù ông Tuyên từ chối cho biết công suất hiện tại lẫn tình hình kinh doanh của nhà máy cà phê Sài Gòn nhưng ông cũng cho hay, nhà máy này có thể nâng tổng công suất lên 30.000 tấn cà phê thành phẩm mỗi năm, giúp đưa công suất chế biến của Trung Nguyên lên trên 40.000 tấn cà phê sau chế biến trong vài năm tới. Vào tháng 5-2008, Vinamilk đã thực hiện chiến lược quảng bá cho sản phẩm cà phê hòa tan nhãn hiệu Moment của nhà máy cà phê Sài Gòn với kinh phí 2 triệu đô la Mỹ, trong đó có việc dùng thương hiệu của câu lạc bộ bóng đá nổi tiếng Arsenal của Anh để quảng bá cho nhãn hiệu cà phê Moment. Lúc đó đại diện Vinamilk cho biết nhà máy cà phê Sài Gòn có công suất chế biến 1.500 tấn cà phê hòa tan và 2.600 tấn cà phê rang xay mỗi năm, với tổng vốn đầu tư 17 triệu đô la Mỹ. Tại lễ công bố việc chuyển nhượng nhà máy, bà Ngô Thị Thu Trang, Giám đốc điều hành Vinamilk, người đại diện cao nhất của công ty tại buổi lễ, cho biết việc chuyển nhượng nhà máy này được Vinamilk thông báo cho Ủy ban chứng khoán nhà nước, bởi công ty có niêm yết trên thị trường chứng khoán.Theo cách nói của ông Lê Tuyên, Giám đốc Tiếp thị và truyền thông của Trung Nguyên thì ngoài việc chuyển nhượng nhà máy cà phê từ Vinamilk sang Trung Nguyên sở hữu, cả hai còn có những hợp tác chiến lược ở mức cao hơn nhưng lại không nói cụ thể những hợp tác đó là gì.
Tuy nhiên, phần giá chuyển nhượng, bà cho rằng nhà máy cà phê Sài Gòn là một đơn vị hạch toán phụ thuộc của Vinamilk nên giá chuyển nhượng lẫn tình hình tài chính của công ty nằm chung trong các báo cáo tài chính của cả công ty.
“Chúng tôi chuyển nhượng nhà máy cà phê Sài Gòn cho Trung Nguyên là để tập trung vào thế mạnh kinh doanh chính của mình là sữa và các sản phẩm dinh dưỡng, trong khi Trung Nguyên lại là một thương hiệu cà phê có uy tín ở trong nước và quốc tế”, bà Trang cho hay. Bà cũng minh họa việc tập trung đầu tư vào ngành sữa có thế mạnh của công ty như dự án đầu tư sang New Zealand vừa được Bộ Kế hoạch – Đầu tư cấp giấy phép để đầu tư ra nước ngoài mới đây trong một dự án có vốn đầu tư 121 triệu đô la New Zealand mà Vinamilk ban đầu mua 19,3% cổ phần.
(Theo Hồng Ngọc // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com