Tuy nhiên, nếu đầu tư đúng hướng theo công nghệ của các nước tiên tiến, các nhà máy sản xuất bột mì không chỉ giải quyết được vấn đề môi trường mà còn tận thu khí biogas (CH4) từ hệ thống xử lý nước thải để phục vụ cho sản xuất, đem lại hiệu quả kinh tế cao. Đây là hướng đi mới mà Công ty TNHH SX-XNK lương thực Bình Dương (Công ty Bidofood) đang triển khai.Lợi ích từ... nước thảiCông ty Bidofood (xã Hiếu Liêm, huyện Tân Uyên) hoạt động trong lĩnh vực sản xuất bột mì xuất khẩu với các thị trường chủ yếu như Nhật Bản, Trung Quốc, Đài Loan, Singapore, Indonesia, Malaysia... Với công suất nhà máy đạt 120 tấn sản phẩm/ngày (tương đương 400 tấn nguyên liệu), mỗi ngày công ty sử dụng đến 2.850m3 nước cho sản xuất và sinh hoạt cùng 5.300 lít dầu FO cho hoạt động của nhà máy. Tuy nhiên, lượng nước hoạt động của nhà máy có đến 2.400m3 nước thải sản xuất; đây là nguồn ô nhiễm chính với nhiều thành phần như tinh bột, đường protein, sellulose, các khoáng chất và độc tố công nghiệp. Cũng chính nguồn nước thải này, cộng với việc sử dụng dầu FO trong hoạt động, thời gian qua đã dẫn đến việc phản ảnh của người dân trong khu vực về việc công ty chưa bảo đảm môi trường trong sản xuất.
Theo đánh giá của một số công ty tư vấn về xử lý nước thải bảo vệ môi trường như Công ty Asia Thái Lan, Công ty Hải Nam Trung Quốc, Công ty Carbotech Thụy Sĩ, Công ty Hoài Bắc Việt Nam thì nguồn nước thải của nhà máy Bidofood hoàn toàn phù hợp để sản xuất khí biogas, dùng khí đốt này quay lại phục vụ sản xuất giảm giá thành sản phẩm, làm sạch môi trường. Ý thức được tầm quan trọng về việc bảo vệ môi trường thiên nhiên trong sạch, từ những đánh giá này Công ty Bidofood đã tiến hành triển khai dự án khả thi đầu tư xây dựng hệ thống xử lý nước thải công suất 2.400m3/ngày-đêm thu hồi khí biogas từ nước sản xuất và nước sinh hoạt.
Tuy đang triển khai nhưng hệ thống xử lý nước thải của Công ty Bidofood hứa hẹn nhiều triển vọng về hiệu quả kinh tế. Ông Phan Tấn Quốc, phụ trách Ban quản lý dự án biogas Công ty Bidofood cho biết: “Triển khai dự án nhà máy sẽ cắt giảm được lượng khí thải gây hiệu ứng nhà kính. Lượng khí biogas thu hồi được dùng để thay thế dầu FO sử dụng sấy sản phẩm, cắt giảm được lượng dầu FO tiêu thụ thực tế. Như thế sẽ giảm được lượng khí thải CO2 gây ô nhiễm từ đốt dầu FO”. Cũng theo ông Quốc: “Khai thác nguồn lợi kinh tế từ việc xử lý nước thải rất khả quan. Trong thành phần nước thải của nhà máy có chứa hàm lượng COD, BOD cao, đây là các hợp chất chứa sinh khí biogas dùng làm chất đốt thay thế cho dầu, các chất cặn trong chất thải sử dụng làm phân bón, làm phân sinh học để cung cấp cho nông dân tưới cây cối, hoa màu”.
Túi khí biogas 40.000m3
Toàn bộ hệ thống xử lý nước thải thu hồi biogas của Công ty Bidofood được xây dựng trên diện tích hơn 2,5 ha với 11 hạng mục công trình như bể Aerotank, bể lắng, hồ acid, hầm biogas, hồ sinh học 1 & 2, phòng điều khiển, máng nước - ống dẫn khí... Trong đó các hồ và bể chứa có thể tích gần 91.000m3. Riêng hầm biogas có thể tích lên đến 40.000m3, việc đầu tư các tấm bạt lót cho túi khí khổng lồ này đã ngốn 4 tỷ đồng. Về nguyên lý, quy trình qua nhiều bước, nhưng quan trọng nhất là diễn ra ở hầm biogas. Theo quy trình, nước thải được lưu tại hầm 50 ngày, thời gian để quá trình phản ứng sinh khí đạt hiệu quả cao nhất. Sau khi đã lấy hết lượng biogas, nước được dẫn qua hồ sinh học số 1 bằng phương pháp chảy ngược từ đáy hồ qua hồ xử lý sinh học do áp lực nước từ bề mặt hồ. Tiếp theo đó, khi nước qua hồ sinh học, bằng phương pháp xử lý sinh học sẽ xử lý triệt để lượng COD còn trong nước, bảo đảm nước đạt tiêu chuẩn loại A trước khi được thải ra môi trường tự nhiên.
Ông Nguyễn Đình
Nam, Tổng Giám đốc Bidoofood cho biết: “Khi hoàn thành, lượng khí biogas thu hồi từ nước thải bằng công nghệ sinh khí có thể đáp ứng được 100% lượng nhiệt phục vụ cho lò sấy tinh bột của nhà máy, tiết kiệm lượng dầu FO mỗi ngày tương đương 5.300 lít. Theo tính toán, ở điều kiện trung bình sẽ tạo ra 62.500.000 kcalo/24 giờ, trong khi nhu cầu nhiệt lượng của nhà máy cần 53.000.000 kcalo/24 giờ. Nhiệt lượng dư thừa gần 10.000.000 kcalo sẽ phục vụ cho việc phát điện phục vụ cho nhà máy. Lượng tạp chất được hút lên từ hầm biogas, hồ lắng dùng làm phân bón cho các loại cây trồng rất tốt hoặc dùng nuôi trùn quế xuất khẩu cũng đem về cho nhà máy nguồn lợi kinh tế nhất định”.
Gần 2 tháng nữa mới khánh thành nhưng tính khả thi từ nhà máy xử lý nước thải thu hồi khí biogas của Bidofood đã hứa hẹn nhiều triển vọng và mở ra một hướng đi mới cho các doanh nghiệp, nếu tận dụng và đầu tư đúng hướng trong việc xử lý nước thải không những chỉ đáp ứng được vấn đề môi trường mà còn đem lại hiệu quả kinh tế cao. Song với vốn đầu tư 16 tỷ đồng và diện tích xây dựng lớn như Bidofood là vấn đề thách thức cho không ít doanh nghiệp và cả chính công ty. Trong khi đó, đầu tư vào lĩnh vực này doanh nghiệp chưa được tiếp cận với nguồn vốn ưu đãi nào, còn đi vay thì ngân hàng không mặn mà vì khó thế chấp được “hệ thống xử lý nước thải”!