Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Ba Vì - Thức dậy một vùng đất huyền thoại

Một góc khu du lịch Ao Vua. (Ảnh: Internet)
Thuộc vùng đất xứ Đoài có truyền thống văn hoá lâu đời, huyện Ba Vì (Hà Nội) là một trong những vùng du lịch sinh thái giàu tiềm năng nhất miền Bắc.

Nơi đây gắn với huyền thoại “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”, ghi dấu đến ngày nay với nhiều di tích lịch sử văn hoá mà ngành văn hoá và du lịch đang bảo tồn, khai thác hiệu quả. Với lợi thế đó, mảnh đất huyền thoại này đang dần thức dậy, kiêu hãnh vươn mình như Tản Viên Sơn Thánh xưa kia.

Núi Ba Vì - Tản Viên là ngọn núi cao nhất trong dãy núi Ba Vì, tương truyền là nơi trú ngụ của vị thần núi Tản Viên “Đệ nhất phúc thần”, một trong “Tứ bất tử” của tâm thức dân gian người Việt.

Theo các nhà nghiên cứu lịch sử, nơi này cũng là trung tâm bộ lạc thời Hùng Vương và được tác giả Dư địa chí anh hùng Nguyễn Trãi gọi là núi Tổ. Hiện ở khu vực sườn Tây của núi Ba Vì còn hiện diện ba ngôi đền thờ gồm đền Thượng nằm trên đỉnh núi Tản Viên, đền Trung ở lưng chừng sườn núi và đền Hạ ở dưới chân núi; đều có tên “Tản Viên linh từ”.

Cũng trong tâm thức dân gian và trong mối liên hệ với tứ cung, đền Hạ còn được coi là Tây cung thờ Thánh Tản. Hằng năm cứ ngày Rằm tháng Giêng, người dân các nơi lại hành hương về núi Ba Vì dự lễ hội đền Thượng, tưởng nhớ “Tản Viên Sơn Thánh” gắn liền với bản tráng ca và tình ca bất hủ chống thiên tai, thuỷ tặc của người Việt.

Thiên nhiên còn ưu đãi ban tặng cho Ba Vì hệ thống cảnh quan thiên nhiên tươi đẹp như núi rừng, hồ, thác, sông suối; trong đó có nhiều danh thắng gắn liền với truyền thuyết “Sơn Tinh Thuỷ Tinh”. Giữa vùng sơn thủy hữu tình nổi lên các địa danh Ao Vua, Khoang Xanh, Suối Mơ, Thác Ngà, Vườn Quốc gia Ba Vì, Hồ Suối Hai, Hồ Cẩm Quỳ, rừng nguyên sinh Bằng Tạ, đồi cò Ngọc Nhị, suối khoáng nóng Thuần Mỹ.

Vùng đất cổ này còn đậm đặc các di tích lịch sử với 59 di tích đã được xếp hạng cấp quốc gia và cấp thành phố, trong đó có Khu di tích lịch sử K9; đền thờ Bác Hồ nổi tiếng. Cùng với bản sắc văn hoá ba dân tộc Kinh-Mường-Dao, đặc biệt Tết “nhảy” của người Dao Ba Vì tổ chức vào 23 Tết là loại hình văn hoá dân gian nổi tiếng đang được huyện bảo tồn, gìn giữ.

Ông Nguyễn Việt Giao, Phó phòng Văn hoá Thể thao và Du lịch huyện Ba Vì tự tin rằng: “Trước một nguồn tài nguyên du lịch lớn như vậy, những năm qua, huyện Ba Vì được sự giúp đỡ của thành phố đã đẩy mạnh phát triển du lịch, mời gọi đầu tư, thực hiện các giải pháp thu hút khách góp phần chuyển đổi cơ cấu kinh tế trong huyện”.

Khoảng 3-4 năm nay, khu vực Ba Vì đã có những đột phá trong đầu tư du lịch với hàng loạt các khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng được xây dựng. Hơn 10 khu, điểm du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng là một con số ấn tượng trong đó nhiều khu du lịch có quy mô lớn như Thiên Sơn-Suối Ngà, Tản Đà, du lịch hồ Suối Hai…

Trong những ngày hè nóng nực, đến Khu du lịch Thiên Sơn-Suối Ngà thuộc xã Vân Hòa cảm giác mệt mỏi của du khách sẽ được xóa tan. Với tổng diện tích 450ha, hạ tầng khu du lịch được bố trí hài hoà với thiên nhiên, không làm phá vỡ cảnh quan nguyên sơ ban đầu. Chia làm ba khu Hạ Sơn, Trung Sơn và Ngoạn Sơn, đặc biệt du khách thăm khu Ngoạn Sơn có thể ngắm được núi Ba Vì, thác Ngà, hồ Ngoạn Sơn.

Cũng là điểm du lịch, đồi cò Ngọc Nhị thuộc xã Cẩm Lĩnh, lại hấp dẫn du khách bởi sự thuần khiết của một vùng đồi và sự ham mê tìm hiểu về đời sống loài chim hoang dã.

Ông chủ đồi cò Phùng Đoài Học cho biết, ban đầu diện tích đồi cò của gia đình anh chỉ có 3,6ha nay mở rộng ra 10ha; đủ chỗ trú ngụ từ 6 - 8 vạn con cò. Mặc dù cũng có nhiều yếu tố khách quan, chủ quan tác động đều đàn cò nhưng có một điều anh đảm bảo được rằng, đàn cò trong khu đồi gia đình anh luôn bền vững và nhân rộng.

Mỗi ngày đồi cò gia đình anh đón gần 100 khách đến tham quan, nghỉ ngơi; còn những ngày nghỉ lễ lên tới 500 - 700 người.

Lấy du lịch là một trong những động lực chính phát triển kinh tế, nên huyện Ba Vì đang dồn tâm huyết đầu tư cho du lịch; phát triển các sản phẩm du lịch văn hoá, lễ hội, sinh thái, nghỉ dưỡng, vui chơi giải trí. Đến năm 2010, huyện đặt mục tiêu đón 1,3 triệu khách du lịch, tạo việc làm ổn định cho trên 1.400 lao động tại các điểm du lịch.

Huyện sẽ tiếp tục quy hoạch chi tiết khu du lịch sườn Tây núi Ba Vì, xúc tiến đầu tư khu du lịch hồ Suối Hai, khu du lịch hồ Cẩm Quỳ, nước khoáng nóng Thuần Mỹ; xây dựng các hồ đập, rừng cảnh quan, bảo tồn hệ sinh thái Vườn Quốc gia Ba Vì. Tháng 4 hàng năm, Lễ hội Du lịch Ba Vì được tổ chức để quảng bá tiềm năng du lịch địa phương, thu hút khách du lịch đến tham quan vùng đất của huyền thoại Sơn Tinh-Thuỷ Tinh./.

(Theo TTXVN)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Mai Châu, giữ lấy tiếng thoi đưa
  • Một ngày ở cù lao Giêng
  • Ký sự Hương giang - Kỳ 4: Đây, phá Tam Giang
  • Ký sự Hương giang - Kỳ 3: Người lưu dấu ngàn năm
  • Ký sự Hương giang - Kỳ 2: Trong làng Cơ Tu
  • Bánh chưng ngày Tết
  • Ký sự Hương Giang - Kỳ 1: Giọt nước từ Trường Sơn
  • Ômai ngon cho ngày Tết
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com