Những ai có niềm đam mê khám phá không thể không tìm đến Hà Giang để để một lần cảm nhận những cung bậc cảm xúc lên đến cao trào cùng độ cao của núi, độ thẳm của thung sâu và bản sắc văn hoá nơi này.
Những ngày cuối tháng 8, đường đến với cao nguyên đá Đồng Văn - nơi cực Bắc của Tổ quốc, nắng và gió trở thành bạn đồng hành. Núi tiếp núi, đèo tiếp đèo, vực tiếp vực, đường cheo leo, sông Nho Quế như một dải lụa mềm vắt hờ dưới lũng sâu…
Cái thú của người đi khám phá bằng xe gắn máy chính là cảm giác vượt lên nỗi sợ hãi trước những vực sâu thường trực, trước những dãy núi nhọn hoắt, xám lạnh như “bút chì” khiến đường cua càng thêm khó, thay vào đó là sự háo hức, tò mò, lạ lẫm trước cảnh sắc hai bên đường.
Từ “Sapa” của Hà Giang
Cao nguyên đá Đồng Văn cách thị xã Hà Giang khoảng 100km về hướng Đông Bắc, có độ cao trung bình 1.000 - 1.600m so với mực nước biển, là nơi sinh sống của đồng bào các dân tộc như: Tày, Nùng, Hán, Mông, Lô Lô, Hoa, Dao, Pu Péo, Kinh…
Nơi đây được mệnh danh là “Sapa của Hà Giang”. Quả thật không ngoa, đi dưới trời hè ở Đồng Văn mà vẫn thấy se lạnh. Có những đoạn đường rừng thông, samu nối tiếp nhau đẹp và lãng mạn như Đà Lạt vậy. Nhưng dù tiết trời có se lạnh, cái nắng nơi đây cũng đủ làm cháy xém da của lữ khách.
Cao nguyên đá Đồng Văn chưa được con người khám phá nhiều, chưa bị ảnh hưởng của cuộc sống hiện đại, của đô thị hóa. Nơi đây mùa nào cũng đầy sắc màu của cỏ cây, hoa lá: sắc thắm hoa đào, tinh khiết sắc mai trắng, sắc hoa vàng dược liệu…
Đặc biệt nơi đây còn có sức hấp dẫn bởi những thửa ruộng bậc thang lúc thì nằm tận sâu dưới những thung lũng, khi thì chạy đuổi trên những vách núi dựng đứng với 2 sắc màu xanh nõn, vàng ruộm của những ngày xuống mạ và khi lúa chín vàng.
Với chiếc gùi nặng trĩu trên vai, đôi chân của đồng bào dân tộc sống trên cao nguyên đá mỗi ngày không biết đi bao nhiêu km đường núi để lên nương, xuống chợ. Có lẽ, phụ nữ Mông chăm chỉ nhất trong số các dân tộc mà tôi đã có dịp được tiếp xúc.
Bất cứ lúc nào, trên đường đi nương, khi trở về với gùi ngô, rau cỏ cắt về cho bò, hay lúc gùi hàng mang xuống chợ phiên, đôi tay của các bà, các chị, thậm chí cả các bé gái cứ thoăn thoắt xe sợi, đôi chân thì mải miết đi.
Đường nhựa thì xa, nên họ toàn “rẽ tắt” qua ngọn núi, qua lũng sâu để đi cho nhanh. Cuộc đời gắn chặt với núi rừng, với vách đá tai mèo, với ruộng nương, có lẽ, niềm vui lớn nhất của đồng bào nơi đây là đi chợ phiên.
Chính vì vậy, họ có trí nhớ tuyệt vời về ngày phiên chợ được họp ở các làng xã khác nhau: Sà Phìn họp ngày Tỵ và ngày Hợi, Phố Bảng chợ lùi, Lũng Cú thứ 7, Đồng Văn phiên Chủ nhật…
Không định mà gặp, chúng tôi được dự chợ phiên Sà Phìn ngày Hợi nằm ngay trước cửa Khu Di tích Nhà Vương, chợ lùi Phố Bảng, phiên chủ nhật Đồng Văn… Đi chợ chính là dịp để “được diện”, được “khoe” áo đẹp.
Đàn ông thì gần như chỉ có một sắc chàm đen, còn phụ nữ thì đủ sắc màu rực rỡ… Từ các ngả đường, sắc màu thổ cẩm ẩn dưới những tán ô xanh, đỏ, tím… cứ rực tươi trong nắng sớm đổ về chợ. Để đến được chợ, có người phải đi hàng chục km và đi từ nửa đêm.
Nhưng dù có xa đến thế cũng chẳng mấy khi họ bỏ phiên chợ. Nhiều gia đình cả nhà cùng đi, người cắp nách chú lợn xinh xắn, người thì ôm đôi gà, người gùi hàng… vui như trẩy hội. Có những em bé vẫn còn phải địu trên lưng mẹ, lại có cả những em bé mới độ 4 - 5 tuổi lũn tũn chạy gằn bước chân mới theo kịp bố mẹ. Được rèn luyện từ bé như vậy, nên những chàng trai, cô gái nơi đây “dẻo dai” là điều dễ hiểu!
Chợ phiên ở Đồng Văn bán đủ các mặt hàng phục vụ nhu cầu sinh hoạt của đồng bào các dân tộc. Nhưng nơi đây vẫn có những mặt hàng đặc trưng như: mèn mén (bánh bột ngô), cháo Ấu Tẩu, ấu trùng ong, mật ong hoa bạc hà, chè Lũng Phìn, rượu ngô và… một món không thể thiếu là thắng cố.
Đến chợ để giao lưu, mua hàng, uống rượu ngô và ăn thắng cố - dường như là một “mẫu số” chung vậy. Anh bạn tôi sau nhiều lần được chứng kiến những người vợ kiên nhẫn ngồi bên đường nắng che ô cho ông chồng “say” đang ngủ đã thốt lên ghen tỵ “làm trai Mông sướng thật”
… đến cực Bắc của Tổ quốc Con đường đến với Lũng Cú - điểm cực Bắc của Việt Nam có tọa độ 23o23’ 08” độ vĩ bắc và 105o19’55” độ kinh đông, nằm ở khu vực có độ cao từ 1.600 - 1.800m trên mực nước biển (trên đỉnh cao nguyên Đồng Văn) thật đẹp.
Xe chạy bon bon trên con đường nhỏ độc đạo ngoằn ngoèo khúc khuỷu, dù cho vẫn là một bên núi cao và một bên vực sâu. Ở độ cao này nên sớm chiều thường có những đám mây trắng hội tụ bay lơ lửng trên sắc xám của đá núi…
Mảnh đất địa đầu cực Bắc của Tổ quốc là vùng đất của chè Shan, rượu mật ong và thắng cố, cùng những nét văn hóa truyền thống đặc sắc các dân tộc Mông, Lô Lô, Giáy. Không những thế, nơi đây còn là xứ sở của đào phai, hoa lê, tuyết trắng mỗi độ xuân về.
Chỉ riêng mỗi cái tên gọi Lũng Cú cũng đã có nhiều cách lý giải khác nhau: đọc chệch âm Hán sang âm Mông từ Long Cổ nghĩa là trống của nhà vua, đọc chệch âm từ Long Cư (nơi rồng ở) mà ra. Cho dù có thế nào, cái tên gọi Lũng Cú đã trở nên thân thiết với người dân Việt Nam, bởi nơi đây được đánh dấu là mốc đỉnh đầu của Tổ quốc - chủ quyền thiêng liêng của dân tộc.
Mốc đỉnh đầu của Tổ quốc được định vị bằng cột cờ bê tông cao vút trên đỉnh núi Rồng. Lá cờ đỏ sao vàng rộng 54m2 tượng trưng cho 54 dân tộc anh em quanh năm lộng gió trên cột cờ Lũng Cú, luôn mang một ý nghĩa đặc biệt - khẳng định chủ quyền thiêng liêng của Tổ quốc.
Quả thật, sau khi leo 286 bậc đá lên chân cột cờ, nơi định vị ngôi sao vàng cùng dòng chữ “Nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam - Cột cờ Lũng Cú” mới thấy hết được cái cảm giác thiêng liêng, xao xuyến trước biểu tượng hồn thiêng sông núi nơi biên cương Tổ quốc.
Leo tiếp những bậc thang sắt trong lòng cột cờ lên tận nơi treo cờ, nhìn ngắm thỏa thuê lá cờ đỏ sao vàng tung bay kiêu hãnh giữa gió ngàn quanh năm mây phủ trên bầu trời biên cương, dõi tầm mắt ra 4 phương, 8 hướng mới càng cảm nhận được vẻ đẹp của quê hương đất nước…
Đến với mảnh đất địa đầu Tổ quốc này bạn sẽ được tận hưởng không khí trong lành, lắng nghe tiếng đàn môi tâm tình gọi bạn, tiếng khèn Mông say quyến rũ tình người, tiếng lục lạc của đàn trâu, bò về chuồng mỗi khi chiều buông và chiêm ngưỡng phong cảnh núi rừng trùng điệp ngút tầm mắt, được biết thêm về đời sống sinh hoạt thường ngày của người dân Đồng Văn.
Giữa cao nguyên đá mênh mông ấy, thỉnh thoảng xuất hiện một vài người Mông gùi củi, gùi rau cỏ nơi núi cao, vách đá cheo leo, sau khúc ngoặt đường đèo. Họ mải miết đi, những bước chân đi trên đá núi mà như trên đường bằng...
Bởi nơi đây cúi xuống thấy đá tai mèo, ngẩng lên trời lại thấy đá - một màu đá xám bao phủ. Nhưng xen lẫn với màu xám ngắt của đá là màu xanh của những ruộng ngô, màu vàng của những nương lúa. Ngô trồng trên đá, len lỏi bám chặt vào đá mà ra bắp.
Trâu cày trên đá để tra hạt trồng lúa… đời sống của đồng bào nơi đây ngày một khấm khá hơn, nhiều nhà đã sắm được xe máy, tivi, có nhiều trâu, bò, thóc, ngô đầy gác. Chúng tôi chợt giật mình khi trên cung đường Đồng Văn hôm nay hiện có rất nhiều công trường đang phá núi khai thác đá.
E rằng, không biết mai sau “cao nguyên đá Đồng Văn” có còn là cao nguyên đá nữa không? Sẽ quá muộn nếu chúng ta không kịp thời lên tiếng, sẽ quá muộn nếu chúng ta không biết giữ gìn vẻ đẹp mà thiên nhiên ban tặng./.
Từ bản Tả Phìn đến thị trấn Sa Pa (Lào Cai) là đoạn đường đèo ngoạn mục với cảnh quan diễm lệ. Những thửa ruộng bậc thang xanh xanh với nào lúa nước, su su chạy dài ngút mắt bên dưới lũng sâu.
ừ thị trấn Kiên Lương (Kiên Giang) đi Mo So có một đoạn đường đầu tiên ở nước ta được đổ bê tông xi măng thay vì trải nhựa như thường thấy; rồi thích thú chứng kiến những ngọn núi đá vôi chập chùng chạy ngược bên khung cửa xe. Theo con đường nhựa nổi lên giữa những đồng nước chua phèn lưa thưa cây cỏ vàng hoe màu nắng, Mo So rồi cũng hiện ra trước mắt.
Ở trung tâm thành phố Cần Thơ có những ngôi chùa cổ ra đời hàng trăm năm trước, không chỉ phục vụ nhu cầu tín ngưỡng mà còn chữa bệnh cứu người, tế độ chúng sinh. Hãy cùng chúng tôi ghé thăm chùa Hiệu Minh (Đàn Tiên Cái Khế) - một ngôi chùa như vậy.
Những ngày này, khi lúa, ngô đã “nằm yên” trong nhà, cũng là lúc đồng bào dân tộc thiểu số Chơro ở Đồng Nai tổ chức lễ hội Sayangva (ăn thần lúa).
Cây tre đã gắn bó với người Việt hàng ngàn đời nay. Tre là nguyên liệu được người Việt khai thác tối đa sự hữu dụng tưởng như vô hạn; từ những vật dụng gần gũi, thiết thân trong đời sống thường nhật cho đến khí cụ chiến đấu, bảo vệ quê hương. Hình ảnh lũy tre thanh bình, thơ mộng trong thi ca, trong bao chuyện tình lãng mạn và cả trong huyền sử Thánh Gióng.
Trong khuôn khổ chương trình “Những ngày giao lưu văn hóa Việt - Nhật” lần thứ VII, đêm 14-8, Hội An tổ chức Lễ đón nhận Bằng công nhận Khu dự trữ sinh quyển Cù Lao Chàm. Nhân dịp này Báo Quảng Nam có cuộc trao đổi với ông Trương Văn Bay - Phó Chủ tịch UBND thành phố Hội An.
Với người dân xứ Nghệ và du khách thập phương, Hương Tích tự đến nay vẫn còn tiềm ẩn nhiều điều linh thiêng, huyền diệu. Thiên nhiên thanh tịch nơi đất Phật như muốn gạt mọi ưu phiền của đời trần đưa ta hướng về cõi siêu linh, tịnh độ.
Di tích Gò Thành thuộc ấp Tân Thành, xã Tân Thuận Bình, huyện Chợ Gạo, tỉnh Tiền Giang, cách chợ Ông Văn, xã Đăng Hưng Phước chừng 200 m. Những người Việt đầu tiên đến khai phá vùng đất này; thấy trên gò có nhiều gạch, cho đó là vết tích của một thành xưa nên đặt tên là Gò Thành. Cổng Khu di tích Gò Thành có kiến trúc theo phong cách Hindu khá ấn tượng. Bạn sẽ thấy các bảng chỉ dẫn, giới thiệu sơ lược về khu di tích này khắc hai bên cổng. Năm 1941, L.Malleret, nhà khảo cổ học người Pháp đã phát hiện ra di chỉ Gò Thành và sau đó ông đã thu thập được một số hiện vật. Do nhiều nguyên nhân, mãi cho đến năm 1988, khu di tích này mới được khai quật.
Bình Thủy là một quận của thành phố Cần Thơ có khá nhiều điểm tham quan du lịch hấp dẫn. Từ Cần Thơ muốn đến Bình Thủy, khách đi về hướng quốc lộ 91 về An Giang chừng 6 km hoặc đi theo lộ Vòng Cung thì xa hơn, nhưng có thể tham quan miệt vườn.
Điểm đến của tâm linh người Việt với Tứ vị Thánh Nương không chỉ có ở Đền Cờn, nhưng ngôi đền có nhiều năm tuổi này vẫn là địa danh văn hoá đặc biệt cần được đầu tư gìn giữ như một điểm nhấn quan trọng trong phát triển du lịch của Nghệ An.
Đồi Dương là một địa danh lâu đời và gắn với sự kiện lịch sử của cách mạng Tháng Tám năm 1945, nay thuộc phần đất xã Tân Bình và phường Bình Tân, thị xã La Gi. Một dãi đất đồi lượn sóng dọc theo bờ biển dài trên 5 km với rừng cây phi lao (cây dương) được trồng dưới thời Pháp thuộc (1939) để chắn cát biển xâm thực. Đã một thời Đồi Dương bạt ngàn cây dương liễu xanh biếc hòa với tiếng sóng ru theo nhịp vỗ thời gian in sâu trong lòng người bản xứ.
Sau hơn 5 năm đi vào hoạt động, những hoài nghi ban đầu về hiệu quả của tuyến phố đi bộ Hàng Đào - Đồng Xuân và chợ đêm Đồng Xuân dần biến mất, thay vào đó là một điểm du lịch hấp dẫn, thu hút đông đảo du khách gần xa tới mua sắm, tham quan, thưởng thức văn hóa nghệ thuật.
Trước năm 1980, có tới 90% hộ làm nghề đến năm 1990 chỉ còn khoảng 50%. Nghề làm gốm vất vả diễn ra quanh năm, bắt đầu từ tháng 3 đến tháng 12, sản phẩm làm ra có cái cũng chỉ từ 500 - 1.000 ngàn đồng, nhưng nồi đất Trù Sơn đã đi khắp mọi miền đất nước. Những chuyến xe thồ chậm rãi suốt ngày đêm vào Nam ra Bắc, lên tận biên giới, đến với các vùng xa xôi, vùng dân tộc ít người... để ngâm chàm nhuộm thổ cẩm.
Ngày 6-8, Thanh tra Chính phủ đã có văn bản thông báo kết luận thanh tra việc chấp hành chính sách, pháp luật tại Kho bạc Nhà nước Việt Nam, qua đó phát hiện nhiều sai phạm trong điều tiết thu ngân sách, tạm ứng vốn, áp dụng lãi suất tiền gửi...
“6 năm qua, chúng tôi phải vật lộn với khủng hoảng vận tải biển, kinh tế suy thoái, những khó khăn do căng thẳng tại Biển đông… Thực sự chúng tôi sắp hết hơi rồi!” - ông Vũ Đức Then - Phó Chủ tịch Hội vận tải biển Diêm Điền - Thái Bình bày tỏ.
Thanh khoản hệ thống dồi dào, thị trường ngoại hối ổn định, tăng trưởng tín dụng vẫn bế tắc và nhiều khả năng khó đạt được mục tiêu đề ra.. là những nét chính của thị trường tiền tệ 7 tháng đầu năm.
Số liệu từ Ngân hàng Nhà nước cho biết, 6 tháng đầu năm 2014, toàn hệ thống tổ chức tín dụng mua 200 nghìn tỷ đồng trái phiếu Chính phủ và tín phiếu Kho bạc Nhà nước, tương ứng khoảng 90% giá trị trái phiếu và tín phiếu do Chính phủ phát hành trong 6 tháng đầu năm.
“Thiếu một đại diện chủ sở hữu tập trung, duy nhất, chuyên nghiệp thì các DNNN không chỉ lâm vào cảnh oái oăm “lắm cha con khó lấy chồng” mà còn tiếp tục phải đối mặt với thực trạng đã kéo dài và gần như mạn tính là “cha chung không ai khóc””.
“Quy định về doanh nghiệp nhà nước tại Dự thảo Luật Doanh nghiệp sửa đổi (lần 4) là một bước lùi so với Dự thảo (lần 1). Bởi trước đó, Dự thảo Luật đã nêu rất rõ quan điểm cần phải có một cơ quan quản lý độc lập, tách bạch chức năng quản lý nhà nước ra khỏi công việc quản lý kinh doanh và không để cơ chế chủ quản như hiện nay.”