Tượng đài Mạc Cửu ở công viên Mũi Tàu, thị xã Hà Tiên. Ảnh: Cúc Tần |
Vượt qua những con dốc chạy ven biển xanh ngăn ngắt êm đềm sóng vỗ, qua những làng mạc, vườn cây ăn trái um tùm, xe đưa bạn tới công viên Mũi Tàu - nơi có bức tượng Mạc Cửu bằng đá xanh cao 7 mét sừng sững vươn lên trời cao bên dáng núi Tô Châu trầm mặc soi bóng xuống Đông Hồ.
Qua cầu Tô Châu là đến một vùng đất của những di tích liên quan đến dòng họ Mạc lừng danh gắn liền với công cuộc khai mở đất Hà Tiên từ đầu thế kỷ XVIII. Ngày nay, thị xã Hà Tiên thuộc tỉnh Kiên Giang, cách thành phố Rạch Giá 120km và TPHCM 360km, nổi tiếng với nhiều danh lam thắng cảnh, quanh năm nắng vàng, biển xanh ôm ấp vỗ về, tạo cho Hà Tiên một dáng vẻ riêng biệt.
Lăng Mạc Cửu chiếm một diện tích hầu như cả ngọn “Bình San diệp thúy”. Vốn là triều thần nhà Minh, nên khi Minh triều bị nhà Thanh cướp ngôi, Mạc Cửu (sinh năm 1655 tại Triều Châu, Quảng Đông, Trung Quốc) đưa cả gia đình cùng đoàn tùy tùng đến Hà Tiên định cư, lập nên làng ấp, biến địa phương hoang vu xa xăm này thành một cảng thị phồn vinh.
Lăng Mạc Cửu gồm đền thờ và quần thể mộ phần. Đền thờ Mạc Cửu còn gọi là Trung Nghĩa từ, thường gọi tắt là miếu Linh, tọa lạc dưới chân núi Bình San. Cổng đền thờ Mạc Cửu có hai câu liễn đối bằng chữ Hán do nhà Nguyễn ban tặng:“Nhất môn trung nghĩa gia thinh trọng; Thất diệp phiên hàn quốc lũng vinh” (Một nhà trung nghĩa danh thơm cả họ; Bảy lá giậu che, cả nước mến yêu).
Vào trong là võ ca với xung quanh là khoảng sân phủ trùm bóng mát cây xanh. Kế đó là đền thờ Mạc Cửu với cột vuông, hoành phi và liễn đối. Ngay chính điện có một biển thờ đề “Khai trấn trụ quốc”. Vách đền là những bài thơ trứ tác trăm năm trước: “Hà Tiên thập vịnh”.
Theo con đường dốc bậc cấp lên núi, ta sẽ đi xuyên qua những “rừng” cây bạch mai sản sinh từ cây mẹ đem từ Quảng Tây (Trung Quốc) sang trồng vào năm 1720. Hằng năm, vào những ngày Tết Nguyên đán, mai nở trắng cành, tỏa hương thơm ngát.
Đền thờ Mạc Cửu. Ảnh: Cúc Tần |
Trên lăng mộ, ngôi mộ lớn nhất, uy nghiêm nhất, là mộ Mạc Cửu, hình bán nguyệt, có vành thành bằng đất to lớn như con rồng nằm uốn che quanh nấm mồ, theo phong cách mộ táng của người Triều Châu. Trước khung cảnh mộ phần tôn nghiêm, chợt nghe đâu đây lời bài hát “Hà Tiên” của nhạc sĩ Lê Dinh dịu êm: “Tôi qua lăng Mạc Cửu. nằm trên con voi phục”, chợt thấy lòng buồn rười rượi.
“Con voi phục” năm xưa ám bụi thời gian, nhưng buồn với hai tượng tướng quân bằng đá xanh đứng canh hai bên cánh mộ năm xưa đã bị người ta trộm mất, thay bằng hai tượng xi măng không thể trơ gan cùng tuế nguyệt! Người ta đã phần nào làm mất đi lòng hiếu nghĩa của Mạc Thiên Tích khi ông cho khởi xây lăng mộ cha mình từ năm 1735, ngay năm cha ông qua đời, bằng đá xanh do các nhà buôn Trung Quốc chở từ Quảng Tây sang, và hoàn thành vào năm 1739.
Đứng bên phần mộ Mạc Cửu, ta chợt nhớ về 300 năm trước, nơi đây, thời Mạc Cửu sinh tiền từng lập đàn Xã Tắc dùng làm nơi tế chiến sĩ trận vong và đàn Xuyên Sơn làm nơi tế trời đất hằng năm vào ngày mồng 9 tháng Giêng. Cũng chính tại nơi này, ta có dịp phóng tầm mắt nhìn bao quát một phần thị xã Hà Tiên thơ mộng với vịnh biển, nơi có núi Pháo Đài vinh danh với tên gọi “Kim Dự lan đào”.
Rời lăng Mạc Cửu là một đoạn đường chừng trăm thước, lãng mạn với hai hàng cây ngọc lan tỏa bóng mát quanh năm. Những ngày hoa nở, hương ngọc lan tỏa hương thanh khiết, trầm mặc. Càng thoát tục hơn khi nghe tiếng “chuông ngân trong chiều vắng” từ Phù Dung cổ tự văng vẳng vọng đưa.
Có nhiều tài liệu ghi chép khác nhau về vị trí xây dựng và tên gọi chùa Phù Dung. Theo sách Đại Nam nhất thống chí, chùa có tên gọi là Phù Cừ, tọa lạc “ở chân núi Phù Cừ, xã Mỹ Đức huyện Hà Châu, do Mạc Thiên Tích lập ra khi trước, năm Thiệu Trị thứ sáu (1846), nhân dân tỉnh hạt xây sửa lợp ngói, trước sân đào giếng, theo núi dựng nhà”. Về sau vì kỵ húy nên chùa được đổi tên Phù Dung.
Sách “Gia Định thành thông chí” của Trịnh Hoài Đức thì ghi:“Núi Phù Dung: cách trấn thự về phía tây bắc hơn 1 dặm. Ở đây hang hố xanh rậm lâu đời; chùa Phù Dung ở phía tây nam chân núi, tiếng chuông mõ pha trộn, tiếng kinh kệ lẫn tiếng ồn ào của phố thị, thật là cảnh nửa tăng nửa tục”.
Ngôi chùa sau chùa Phù Dung, tương truyền là nơi Mạc Thiên Tích cho xây để nàng Ái Cơ tu hành. Ảnh: Cúc Tần |
Ngôi chùa cổ đã sập hoàn toàn khi quân Xiêm tấn công sang Hà Tiên. Chùa Phù Dung ngày nay xây trên nền đất cao với nhiều bậc cấp bằng đá xanh. Chùa Phù Dung hiện tại vẫn dựa lưng vào ngọn “Bình San điệp thúy”. Sau chùa là một đài cao. Tương truyền đó là nơi Mạc Thiên Tích cho xây dựng để nàng Phù Cừ (Ái Cơ, Xuân Tự) tu hành. Chuyện nàng thứ thiếp của vị Tổng binh Đại đô đốc của trấn Hà Tiên giỏi tài kinh lược và thơ văn đã thành truyền thuyết tốn nhiều giấy mực của lớp hậu sinh.
Nữ sĩ Mộng Tuyết đã viết thiên tiểu thuyết ái tình diễm lệ “Nàng Ái Cơ trong chậu úp” và soạn giả Kiên Giang Hà Huy Hà đã sáng tác vở cải lương “Áo cưới trước cổng chùa” đều từ câu chưyện tình lâm ly bi đát của đôi trai tài gái sắc này.
Dù ngôi chùa Phù Dung bây giờ có phải là chùa Phù Dung xưa hay không chăng nữa, du khách hành hương, vãn cảnh chùa vẫn thấy lòng xao xuyến bâng khuâng trước mối tình đắm say chung thủy của chàng Mạc Thiên Tích với nàng Phù Cừ qua những câu chuyện truyền khẩu. Rồi, trong bóng hoàng hôn chập choạng ta nghe có tiếng “chuông ngân trong chiều vắng”, khiến ta như nghe tiếng chuông công phu vào lúc bình minh còn khuất nẻo ở Sắc tứ Tam Bảo tự, nhớ sao bài thơ “Tiêu tự thần chung” trong danh tác “Hà Tiên thập cảnh” của Tao đàn Chiêu Anh Các.
Đường đến Hà Tiên Đường bộ xuất phát từ TPHCM đến Rạch Giá mất 7 giờ, sau đó đi tiếp từ Rạch Giá đến Hà Tiên trong thời gian 2 tiếng. Các chuyến xe buýt chạy từ Rạch Giá - Hà Tiên - Rạch Giá khởi hành mỗi 30 phút/chuyến. Đi xe trực tiếp từ bến xe Miền Tây (TPHCM) đến Hà Tiên trong thời gian 9 tiếng. Từ Cần Thơ đi Hà Tiên mất khoảng 5 tiếng. |
(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com