Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Gặp người cổ dài Padaung

Du lịch ở Myanmar, khi vào cuối vùng hồ Inle cao 910m so với mực nước biển, thỉnh thoảng, bạn sẽ được gặp những người dân tộc cổ dài Padaung.

Có thể nhận ra họ từ xa nhờ những chiếc vòng đồng quấn xung quanh cổ. Hiện còn khoảng 40.000 người sống rải rác ở một số làng vùng miền núi và thung lũng ven sông của bang Kayah, mỗi làng có khoảng 200 người.

Đến năm 14 tuổi, họ phải đeo đủ 19 cái vòng.

Chúng tôi gặp hai chị em người Padaung theo bà đến bán hàng lưu niệm, dệt vải (làm khăn, túi xách) cho một cửa hàng bán đồ lưu niệm, hàng trang sức, đá quý ở một ngôi làng nhỏ, cuối hồ Inle. Cô chị là Pa Lain 17 tuổi còn cô em là Pa Lae, kém chị hai tuổi. Cả hai người đều không hiểu tiếng Anh cũng như ngôn ngữ chính thức của Myanmar và còn tỏ ra ngượng nghịu khi khách du lịch chụp ảnh, cho tiền.

Người chủ cửa hàng cho biết, như mọi người thuộc giới nữ của dân tộc Padaung, hai cô đã đeo vòng từ năm lên năm tuổi và đến chín tuổi, họ đã đeo tới 14 chiếc vòng. Và cứ như vậy, theo năm tháng, đến 14 tuổi, Pa Lain và Pa Lae đã phải đeo đủ 19 cái vòng và bao giờ đến tuổi 19, các cô gái phải thay vòng cổ cho rộng ra cho dù vẫn giữ nguyên số vòng phải đeo. Chỗ đầu gối của các cô cũng đeo một số vòng đồng. Còn tay thì đeo khá nhiều vòng bạc, vòng đá, trông cũng rất hài hoà, đẹp mắt.

Bà của Pa Lain và Pa Lae, Phawar That, nay mới 62 tuổi nhưng trông già như người đã trên 70 cứ đứng nhìn các cháu gái của mình giữa vòng vây máy ảnh của khách du lịch và mỉm cười. Phawar That cho biết, thường thì người cùng tộc của bà đeo 19 cái nhưng bà thích nên đeo tới 25 cái và thực sự những chiếc vòng đồng ấy khiến cổ bà trông rõ ràng dài gần gấp đôi những người khác. “Nó nặng tới hơn tám ký đấy nhưng quen rồi, nhìn người khác không đeo tôi lại thấy buồn cười”, bà Phawar That nói.

Theo lời của người phiên dịch thì với người dân tộc Padaung, việc đeo vòng là một phong tục từ rất lâu đời. Tuy không bắt buộc nhưng đại đa số người Padaung, trừ đàn ông, đều đeo bộ vòng cổ bằng đồng này đến khi chết. Họ tin rằng tổ tiên của người Padaung là một loài rắn hổ mang có cổ rất dài, có những vòng màu vàng quanh cổ và việc đeo vòng sẽ giúp họ luôn nhớ về cội nguồn. Hơn nữa, nhiều người tin rằng, đeo vòng cổ rất cao và kín như vậy sẽ giúp họ tránh được bệnh tật, bởi có rất ít khe hở cho gió lọt vào. Một nghiên cứu khác cho rằng, bộ vòng cổ của người phụ nữ Padaung có ý nghĩa tượng trưng cho vẻ đẹp nữ tính, quyền lực, vai trò và địa vị của người phụ nữ Padaung trong xã hội.

Chúng tôi để ý, phía trong vòng cổ sáng loáng ánh vàng của bà Phawar That và hai người cháu đều có lớp vải mỏng. Miếng vải thò một phần lên phía trên hoặc phía dưới bộ vòng và những người dân tộc Padaung sẽ nhẹ nhàng dùng tay kéo để làm vệ sinh cổ. Đôi khi họ dùng một miếng quả Kasia để đánh vòng cổ cho sáng. Tại một số cửa hàng nhỏ ở bang Heho, người ta cũng bán bộ vòng cổ này cho khách du lịch. Dù làm nhỏ hơn kích thước thật, xong các bộ vòng cổ ấy cũng rất nặng. Tuy nhiên, nhớ lại khi nói chuyện (bằng cử chỉ) với Pa Lain và Pa Lae, chúng tôi thấy rõ ràng, các cô gái này quay đầu, cúi đầu rất nhẹ nhàng, tự nhiên và chính các cô cho biết, không thấy có trở ngại gì với bộ trang sức truyền thống này và thậm chí luôn vui thích với chúng.

( Theo Mạnh Quân // SGTT Online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • “Phuket của Việt Nam”
  • Về chơi xứ cù lao
  • Cảm xúc Quảng Trị
  • Tới bãi Ôm tắm biển, ngắm san hô
  • Ai vô Bình Định mà coi...
  • Vẻ đẹp bản Tả Van - Sa Pa
  • Rượu Khưa Quang bí quyết riêng của người Dao vùng Hồ Ba Bể
  • Du xuân về miền thánh địa Cát Tiên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com