Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tới bãi Ôm tắm biển, ngắm san hô

Một góc bãi Ôm. Ảnh: Hồng Văn

Ra khỏi trung tâm thị xã Sông Cầu, chúng tôi theo quốc lộ 1A uốn lượn vòng vèo giữa một bên là núi và một bên là biển xanh sóng vỗ nhè nhẹ. Chừng 3km thì tới ngã ba Vũng La, xe quẹo phải rồi men theo triền núi, doi cát chừng 10-12km nữa về phía đông, vượt qua nhiều con dốc cao của dãy núi đâm ra biển mới tới bãi Ôm.

Cái tên gây tò mò

Xe phải dừng lại cách bãi Ôm chừng 300 mét để chúng tôi xuống đi bộ. Trước đó, khi hỏi thăm đường vào bãi Ôm, tôi hỏi bà lão ở trong xóm: “Sao dân mình gọi là bãi Ôm hả bác?”. “Chắc do bãi biển vắng nên có khi trai gái ra đây ôm nhau nên dân quen gọi thành bãi Ôm”, bà trả lời theo cách nghĩ đơn giản của một người dân miền biển.

Mà sao lạ, chỉ cần vượt qua rặng núi đồi, tới ngã ba đường đất đỏ, nơi đặt tấm bảng “Rừng trồng chương trình 661” (tôi hiểu là rừng trồng thuộc chương trình 5 triệu héc ta rừng của Chính phủ), thì quẹo phải là vào bãi Tiên, đi thẳng là tới bãi Ôm, xe chở chúng tôi đi lạc vào gần tới bãi Tiên phải vòng trở ra.

Trong lúc đi bộ, chúng tôi cũng đi qua một bãi biển đẹp, hoang sơ, hình như là bãi Rạng thì phải và nó chỉ cách bãi Ôm một doi cát rộng vài chục mét, có nhiều cây lùm bụi gai góc lẫn với rừng dừa, phi lao.

Biển Vũng La là một phần của vịnh Xuân Đài, nơi đây, dãy núi đá, đồi đất đâm thẳng ra biển, chia cắt tạo thành nhiều bãi, ghềnh đá trông như ôm lấy các bãi biển. Bãi Ôm cũng vậy.

Dãy đồi núi đâm ra biển bao bọc thành hình vòng cung ôm lấy bãi biển này trông như nó có hình của một quả trứng bị khuyết 1/3, phần khuyết ấy chính là nối thông từ bãi biển ra biển khơi. Hai đầu của hình vòng cung là những ghềnh đá và chiều dài của bãi biển men theo hình vòng cung ấy chừng 1-1,5 km.

Thực sự là không rành vì sao bãi biển này có cái tên ngồ ngộ như vậy nhưng nhìn bao quát cả bãi biển tôi tự suy đoán có lẽ cái tên bãi Ôm xuất phát từ hai dãy núi đồi nhô ra biển ôm gần trọn bãi biển.

Nơi ngắm san hô tuyệt vời

Tuy trên bờ, có đoạn của bãi Ôm là một bãi cát mịn màng nằm dưới tán dừa và phi lao nhưng từ mép nước trở ra lại hoàn toàn khác - một bãi đá ngầm như muốn thử thách người tắm biển. Đá lớn, đá nhỏ dưới biển, có hòn nhô lên cao sóng vỗ vào đá dạt dào. Cố gắng lắm, nhóm chúng tôi mới có vài ba người dám vượt qua bãi đá ngầm này, nơi mực nước chỉ xấp xỉ đầu gối mà đi ra xa vài chục mét, nước cũng chỉ ngập ngang thắt lưng.

Đây là lần đầu tiên tôi tắm biển nước cạn, chỉ ngang thắt lưng hay cao lắm là tới ngực mà chỉ cần mang kính bơi, tôi ngụp mặt xuống nước là có thể tha hồ ngắm nhìn san hô, rồi đủ các loại cá nhiều màu sắc rất đẹp, thường có ở các vùng biển có san hô. Lặn xuống tôi nhìn thấy cơ man nào là san hô, là các đàn cá, thậm chí có con cá thon, dài cứ nhè vào chân tôi mà rỉa, hình như nó ngỡ chân tôi là san hô thì phải (?!).

Trên bờ cát của bãi Ôm có nhiều dãy đá sát mép nước. Ảnh: Hồng Văn

Khác với ngắm san hô ở các vùng biển khác, thường chỉ có ở vùng nước sâu như vịnh Vĩnh Hy ở Ninh Thuận hay hòn Mun trong vịnh Nha Trang, khách du lịch phải đi trên tàu đáy kính hoặc có thể lặn xuống ngắm san hô nhưng đa phần ở mực nước sâu vài mét. Còn ở đây, san hô mọc trên rạn đá cách mép nước chừng chục mét trở ra biển. Cũng khác các vùng biển nước sâu khác, san hô thường có cây, có nhánh, còn ở đây nước cạn lại có rạn đá, nên đa phần ở đây là san hô tảng nằm trên đá mà có du khách gọi là hoa san hô, đụn san hô.

Khi lặn xuống ngắm hay sờ tận tay, những đụn san hô đụn lên chừng gang tay nhưng có đụn san hô có chu vi vài gang, to như cái nồi cơm điện.

Cũng như có rạn đá ngầm nên dù nước biển ở bãi Ôm cạn nhưng cũng tạo thành nhiều hốc nhỏ và bên dưới hốc đá, đủ các loại cá tung tăng, nhiều màu sắc bơi lội.

Một người trong đoàn chúng tôi vốn từng bơi lặn ở nhiều vùng biển trong nước, nhận xét rằng đây là bãi biển có san hô đẹp và khá đặc biệt vì ở sát bờ, không cần đi ghe thường vẫn có thể ngắm thoải mái. Và có lẽ do đường đến bãi Ôm đến nay vẫn không thuận tiện lắm nên lượng du khách tới đây chưa đáng kể, nhờ vậy nơi này vẫn giữ được nét hoang sơ.

Nhưng với tôi, mấy tiếng đồng hồ thỏa thích ngắm nhìn san hô ở đây đã bắt tôi phải trả giá kha khá. Chân tôi thì có nhiều vết cứa, trầy xướt do đá dưới biển, thậm chí tay bám vào đá khi lặn xem san hô cũng bị cứa chảy máu.

Khi về lại Sài Gòn, tra trên mạng tôi mới biết thêm câu chuyện mang tính huyền thoại dân gian là trên mặt một tảng đá ở bãi Ôm có vết lõm khá rõ nét một bàn chân to lớn. Người dân ở Vũng La kể rằng đó dấu chân phải của Nguyễn Ánh giẫm mạnh xuống khi than xin trời đất trong lúc bị quân Tây Sơn truy đuổi ngày xưa.

Sự thật thế nào không biết nhưng về nhà rồi mới biết câu chuyện này, thật đáng tiếc vì đã đến bãi Ôm nhưng tôi chưa thấy được "mặt mũi" tảng đá đó ra sao. Đây cũng là một điều đáng ghi nhớ, trước khi lên đường du khách nên tìm hiểu về những nơi mình sẽ đến để không bỏ sót những chi tiết thú vị liên quan đến lịch sử, địa lý và nhân văn nơi đó.

(Theo Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Ai vô Bình Định mà coi...
  • Vẻ đẹp bản Tả Van - Sa Pa
  • Rượu Khưa Quang bí quyết riêng của người Dao vùng Hồ Ba Bể
  • Du xuân về miền thánh địa Cát Tiên
  • Đi hội Katê
  • Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun ở Sơn La
  • Hội mùa Tây Nguyên
  • Múa Xuân Phả - ngọc quý xứ Thanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com