Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Cảm xúc Quảng Trị

Tháng 4 Quảng Trị - nắng “nung” người nhưng khi mục kiến những tàn tích của chiến tranh, lòng người như lắng đọng bùi ngùi quên đi cái nóng của miền Trung. Theo hành trình “Con đường di sản miền Trung”, du khách đừng quên dành ít nhất một ngày ra Quảng Trị…

Thành cổ Quảng Trị.

Đến Đà Nẵng và Huế, du khách thường nhận được các lời mời đi tour “DMZ” từ các khách sạn. Tên tour nghe có vẻ lạ đối với khách Việt nhưng khá quen thuộc đối với khách nước ngoài, nhất là du khách châu Âu và Mỹ. “DMZ” là viết tắt của cụm từ “Demilitarized Zone tour” - tiếng Việt là “Du lịch khu phi quân sự”. Trên “Con đường di sản miền Trung”, Quảng Trị là địa danh có chương trình du lịch “DMZ” hấp dẫn nhất. Với chương trình du lịch này, du khách nên đặt tour trọn gói từ các công ty du lịch địa phương để được cung cấp đầy đủ thông tin về lịch sử và có thể di chuyển nhanh, gọn trong thời gian ngắn ngủi.

Từ Huế đến Quảng Trị khoảng 60km nên có thể tham gia tour này trong ngày. Thành cổ Quảng Trị là địa danh đầu tiên mà ai cũng muốn ghé thăm. Thành được xây dựng chủ yếu bằng gạch nung được kết dính với nhau bằng hỗn hợp vôi vữa và mật mía, phụ gia. Thành rộng khoảng 2.000 m2, có bốn cổng ra vào và bốn pháo đài ở 4 góc, xung quanh được bao bọc bởi hào. Năm 1890, nhà Nguyễn sử dụng thành Quảng Trị làm khu quân sự và hành chính. Từ năm 1929, Pháp xây dựng thêm nhà lao, biến nơi đây thành nơi giam cầm những tù chính trị. Sau chiến cuộc năm 1972, thành gần như bị san bằng hoàn toàn, chỉ còn sót lại cửa Đông. Hiện nay, Thành cổ Quảng Trị được xem là địa điểm tâm linh của người dân địa phương và du khách. Xúc động nhất đối với khách tham quan là những bức thư của bộ đội chiến đấu ở đây viết cho gia đình, nhưng có những bức thư chưa hề được gởi trưng bày tại Bảo tàng Thành cổ Quảng Trị.

“Đò xuôi Thạch Hãn xin chèo nhẹ/ Đáy sông còn đó bạn tôi nằm/ Có tuổi hai mươi thành sóng nước/ Vỗ yên bờ bãi mãi ngàn năm...”. Ngồi thuyền trên dòng Thạch Hãn nghe những câu thơ này, ai nấy cũng bùi ngùi, đưa tay khoát nhẹ vào dòng nước như một lời gởi gắm đến các anh – những liệt sĩ tuổi đôi mươi mà cuộc đời gắn với Thành cổ. Dòng sông Thạch Hãn từng được xem là “dòng sông máu” vì trong 81 ngày đêm của năm 1972 máu đã chảy xuống liên tục. Hằng năm đến ngày 27-7, nhiều cựu chiến binh mang hoa đến thả trên dòng nước này để tưởng nhớ đồng đội. Hiện nay, việc này đã trở thành thông lệ. Dịp này, dòng sông tràn ngập những sắc hoa, bè hoa như một kết nối giữa người sống và đồng đội đã hy sinh trên mảnh đất kiên trung này.

Biển Cửa Tùng – Quảng Trị.

Các du khách ai nấy như chùn lại khi đến Nghĩa trang Quốc gia Trường Sơn. Đây là nơi yên nghỉ của hàng vạn người con thân yêu của đất nước. Nghĩa trang có diện tích 14 ha cạnh quốc lộ 15 thuộc xã Vĩnh Trường (huyện Gio Linh, Quảng Trị). Cầu Hiền Lương bắc qua sông Bến Hải cũng là một địa điểm lịch sử. Ra khỏi “chiếc cầu chia cắt” là “địa đạo kết nối”. Đó là địa đạo Vịnh Mốc-nơi vừa là tuyến đầu của miền Bắc, vừa là hậu phương trực tiếp của miền Nam. Địa đạo này là công trình vĩ đại nằm dưới một quả đồi, dài hơn 2km với 13 cửa, gồm 3 tầng: Tầng một (sâu 8 - 10 mét) là nơi cơ động chiến đấu và trú ẩn tạm thời; tầng hai (sâu 12 - 15 mét) là nơi ở chính; tầng 3 (sâu hơn 30 mét) là nơi trung chuyển hàng hóa, vũ khí ra thuyền lên đảo Cồn Cỏ. Trong địa đạo còn có những “căn hộ” 3-4 người ở và hội trường có sức chứa 50 người. Nơi đây được Nhà nước công nhận là di tích Quốc gia đặc biệt quan trọng và trở thành điểm đến không thể bỏ qua trong chương trình du lịch “DMZ”.

Sau khi tìm hiểu tàn tích của chiến tranh, khách đến Cửa Tùng để thưởng thức cảm giác sảng khoái của một bãi biển từng được người Pháp mệnh danh là “Hoàng hậu của các bãi biển” (Lareine des plages). Cửa Tùng cách cầu Hiền Lương khoảng 10 km, cách Cồn Cỏ (nơi 2 lần được phong tặng Anh hùng) khoảng 30km. Ngay từ trước năm 1945, Cửa Tùng đã có các dịch vụ du lịch, bưu điện phục vụ du khách. Cửa Tùng tạo cho du khách một cảm giác bình yên và tràn đầy sức sống của Quảng Trị ngày nay. Tắm biển ở đây, khách có cảm giác rất an toàn. Bãi biển cát trắng mịn được bao bọc bằng hai bãi đá là Mũi Si và Mũi Lai, tạo một vịnh biển êm đềm. Khách có thể đi rất xa ra biển nhưng nước chỉ tới ngực. Trải qua hai cuộc chiến tranh khốc liệt, Cửa Tùng vẫn giữ nguyên nét xinh đẹp. Tại đây vẫn còn ngôi nhà nghỉ mát của vua Duy Tân, được xây dựng từ năm 1896 và những nhà của các vị tu sĩ. Dù lưu lại thời gian ngắn nhưng Cửa Tùng đã tạo được dấu ấn đậm nét trong lòng khách phương xa...

 

(Theo Bài, ảnh: Du Miên/CanTho)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Tới bãi Ôm tắm biển, ngắm san hô
  • Ai vô Bình Định mà coi...
  • Vẻ đẹp bản Tả Van - Sa Pa
  • Rượu Khưa Quang bí quyết riêng của người Dao vùng Hồ Ba Bể
  • Du xuân về miền thánh địa Cát Tiên
  • Đi hội Katê
  • Lễ hội lộc hoa của người Xinh Mun ở Sơn La
  • Hội mùa Tây Nguyên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com