Vùng đất Cát Tiên từ lâu đã được biết đến là một thánh địa bí ẩn bị vùi chôn trong lòng đất suốt một ngàn hai trăm năm qua. Và còn có một Cát Tiên khác, Cát Tiên của màu xanh bạt ngàn. Ngày Xuân, chúng tôi du hành về thăm miền đất linh thiêng nằm giữa đại ngàn Tây Nguyên.
Vườn quốc gia Cát Tiên thuộc địa phận ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước – xứ sở được mệnh danh là “nơi tiếng gà thức ba vùng đất”. Từ TP. HCM, theo quốc lộ 20 lên Đà Lạt, đến địa phận huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), rẽ trái khoảng 60km là đến được vùng lõi miền đất du lịch xanh Cát Tiên – Vườn quốc gia Cát Tiên. Còn từ Đà Lạt xuôi theo quốc lộ 20, đến địa phận huyện Đạ Hoai (Lâm Đồng), rẽ trái và đi khoảng hơn 50km là đến được vùng đất của thần linh – khu thánh địa Cát Tiên, thuộc huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng.
Từ Đà Lạt, chúng tôi chọn hướng đến với thánh địa Cát Tiên rồi sau đó mới đến với Vườn quốc gia Cát Tiên. Ngày trước, con đường rẽ trái từ ngã ba Mađagui của huyện Đạ Huoai đến huyện Đạ Tẻh và vượt dốc Mạ Ơi, nằm ở ranh giới hai huyện Đạ Tẻh và Cát Tiên, hoàn toàn là đất đỏ xuyên giữa những rừng cây rậm rạp, rất khó đi. Nay, con đường đến với xứ sở thần linh dài chưa đến 60km này đã được trải nhựa phẳng lỳ.
Trước đây, khi điều kiện giao thông hết sức khó khăn, nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, đã không quản ngại để khám phá một vùng đất nằm ở cực nam tỉnh Lâm Đồng nổi tiếng là huyền bí: Thánh địa Cát Tiên. Các nhà khoa học đã đoán định thánh địa Cát Tiên tồn tại trong khoảng 5 thế kỷ, bắt đầu từ thế kỷ thứ 4. Điều này có nghĩa là thánh địa Cát Tiên đã bị vùi chôn trong lòng đất suốt 12 thế kỷ qua. Được phát hiện từ năm 1985, đến nay, theo xác định của các nhà chuyên môn, thánh địa Cát Tiên nằm trên một địa bàn rộng đến vài trăm hecta và trải dài khoảng 15km dọc theo sông Đồng Nai, thuộc địa phận huyện Cát Tiên, tỉnh Lâm Đồng. Sau nhiều lần khai quật, người ta xác định di tích Cát Tiên có một quần thể kiến trúc vô cùng độc đáo với nhiều dạng: đền tháp, mộ tháp, đài thờ…
Về hiện vật, tính đến cuối năm 2009, đã có khoảng trên 1.140 hiện vật các loại được tìm thấy tại đây với nhiều chất liệu, hình dáng, công năng… như kim loại vàng (các mảnh phù điêu, nhẫn, linga nhỏ…), thiếc, bạc (bình, vò…), đồng (chũm chọe, chuông, vòng, nhẫn, mặt người, khuôn đúc…), sắt (giáo, đao…) đá thường và đá quý (tượng thờ, linga, yoni, mí cửa, rìu…)… Năm 1997, thánh địa Cát Tiên đã được công nhận là di tích lịch sử – văn hóa cấp quốc gia. Và từ đó đến nay, Nhà nước đã đầu tư trên 4 tỷ đồng để tiến hành các cuộc khai quật khảo cổ. Với những trầm tích văn hóa – lịch sử lâu đời, các cơ quan chức năng tỉnh Lâm Đồng cùng với các cơ quan hữu trách của trung ương đang tiến hành thủ tục cần thiết để đề nghị UNESCO công nhận di tích Cát Tiên là di sản văn hóa thế giới.
Từ vùng đất của thần linh – thánh địa Cát Tiên, chúng tôi ngược dòng sông Đồng Nai (ranh giới giữa Lâm Đồng và hai tỉnh Đồng Nai và Bình Phước) để đến với Vườn quốc gia Cát Tiên. Vườn quốc gia Cát Tiên là khu bảo tồn thiên nhiên đầu tiên của Việt Nam được WWF (Quỹ quốc tế Bảo vệ động vật hoang dã) chọn làm thí điểm mô hình làm du lịch sinh thái cộng đồng với tổng vốn tài trợ khoảng 500.000USD, thời gian thực hiện từ nay đến hết năm 2011.
Đối với nhiều du khách, đặc biệt là du khách nước ngoài, khi đến với Cát Tiên, ngoài việc xem thú ban đên, chiêm ngưỡng cả một hệ động vật vô cùng đa dạng (trong đó có cả những cây cổ thụ 400 năm tuổi)…, nhu cầu của họ còn là được bước vào những mái nhà sàn để hòa cùng hơi thở của buôn làng, thưởng thức cồng chiêng, để được ăn cơm lam, uống rượu cần…
Khi nhắc đến Cát Tiên, người ta nghĩ ngay đến một vườn quốc gia (VQG) có những giá trị khá đặc biệt để hình thành một tour du lịch xanh. Vườn quốc gia Cát Tiên là một trong những VQG nổi tiếng của cả nước, trải rộng trên địa bàn của ba tỉnh Lâm Đồng, Đồng Nai và Bình Phước, trong đó, phần nằm trên đất Lâm Đồng chiếm đến 306km2 (trong tổng số 739km2 của cả Vườn).
Với 50% diện tích là rừng cây xanh và 40% là rừng tre nứa, VQG Cát Tiên là nơi sinh sống của nhiều loài động vật đặc trưng và quý hiếm (trong đó có không ít loài được xếp vào nguy cơ tuyệt chủng) như tê giác một sừng, voi châu Á, bò tót, gấu chó, gấu ngựa, trâu rừng, báo hoa mai, báo gấm, đại bàng đen, vịt trời cánh trắng… Điều đáng nói nữa là VQG Cát Tiên đã được UNESCO công nhận là “Khu dự trữ sinh quyển thế giới” và hiện đang được lập hồ sơ đề nghị UNESCO công nhận là di sản thiên nhiên thế giới.
Mỗi năm, VQG Cát Tiên đón trung bình 14.000 lượt khách tham quan, trong đó có hơn 21% là du khách quốc tế. Ngoài vẻ đẹp của thiên nhiên là lực hấp dẫn không cưỡng nổi đối với du khách, VQG Cát Tiên còn ẩn chứa trong lòng nó một tiềm năng du lịch “sinh thái” khác từ chính cộng đồng dân cư bản địa với kho tàng văn hóa vô cùng phong phú, với đời sống của con người còn khá nguyên sơ gắn liền với thiên nhiên hoang dã…
Thông tin thêm:
Tê giác một sừng, loài thú được xếp vào danh mục các loài thú có nguy cơ tuyệt chủ cao, còn sót lại ở Vườn quốc gia Cát Tiên là một tài sản vô cùng quý giá không riêng của Việt Nam. Đây là quần thể tê giác một sừng duy nhất của Việt Nam và là quần thể thứ hai trên thế giới còn sót lại cho đến hiện nay. Sau nhiều đợt điều tra và xác định ở vùng rừng giáp ranh ba tỉnh Lâm Đồng – Đồng Nai – Bình Phước, năm 1992, Chính phủ đã thiết lập tại đây một khu bảo tồn tê giác gọi là Khu bảo tồn tê giác Cát Lộc. Đến năm 1998, khu bảo tồn này được sáp nhập vào Vườn quốc gia Cát Tiên. Xem thú ban đêm là một trong những hoạt động rất thu hút du khách của Vườn quốc gia Cát Tiên.
Cách đi đến xứ sở thần linh và Vườn quốc gia Cát Tiên:
Từ TP. HCM, đi khoảng 150 km từ quốc lộ 1A rẽ vào quốc lộ 20 đến địa phận huyện Tân Phú (tỉnh Đồng Nai), có một con đường rẽ trái để đến với trung tâm Vườn quốc gia Cát Tiên. Khoảng cách từ ngả ba này tại quốc lộ 20 đến đây khoảng 60km.
Từ Đà Lạt, xuôi theo quốc lộ 20 về TP. HCM, đến địa phận huyện Đạ Huoai của tỉnh Lâm Đồng, rẽ trái để thăm khu thánh địa Cát Tiên, sau đó vượt sông Đồng Nai trên những chiếc thuyền độc mộc của người dân tộc thiểu số và đến với Vườn quốc gia Cát Tiên.
Captions ảnh:
Ảnh 1: Đến với Vườn quốc gia Cát Tiên, nhiều khi bạn phải “chênh vênh” trên những cây cầu gỗ tạm bợ ở giữa rừng như thế này
Ảnh 2: Khu bàu Sấu nằm ở vùng lõi của Vườn quốc gia Cát Tiên (anh.3) và những chú cá sấu trong bàu
Ảnh 3: Trạm Kiểm lâm Bàu Sấu – một trong những điểm dừng chân trước khi đến Vườn quốc gia Cát Tiên
Ảnh 4: Miền sông nước Cát Tiên
Ảnh 5: Đa dạng sinh học là sự hấp dẫn du khách của Vườn quốc gia Cát Tiên
Ảnh 6: Trên chiếc ca nô nhỏ, du khách vượt sông Đồng Nai
Ảnh 7: Bí mật của khu thánh địa Cát Tiên đang dần được hé lộ
Ảnh 8: Những hiện vật được tìm thấy tại khu di tích Cát Tiên
Ảnh 9: Khai quật khảo cổ học Cát Tiên – yếu tố làm nên sự hấp dẫn cho du khách
Ảnh 10: Một gốc cây cổ thụ trong Vườn quốc gia Cát Tiên
Ảnh 11: Tê giác một sừng
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com