Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Rước xá lợi từ đất Phật

Phó chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới trao tặng xá lợi Phật cho các cao tăng Việt Nam dưới cội bồ đề tại vùng thánh địa của Phật giáo (Ấn Độ). Ảnh: Thục Đoan.

Ngày xưa, xưa lắm, trên đường thuyết pháp, đức Phật Thích Ca cùng các đệ tử băng qua khu rừng, tình cờ gặp một người đốt than. Người này tha thiết mời đức Phật về nhà để ông được dâng ngài bát cháo nấm. Thọ trai xong, đức Phật cùng các đệ tử tiếp tục lên đường. Đi được một quãng, đức Phật cho mắc võng để nằm nghỉ.

Các đệ tử đang lim dim tận hưởng cảnh yên ắng, thanh tịnh giữa ngàn cây xanh mát thì được lệnh gọi. Mọi người cung kính lắng nghe lời Phật dặn: “Sau khi ta nhập Niết bàn, xá lợi (phần xương còn lại của ngài sau khi hỏa táng) sẽ được chia làm ba phần: phần cho thiên cung, phần cho long cung, phần còn lại chia cho tám vị quốc vương ở Ấn Độ”.

Dặn dò xong, đức Phật nhập Niết bàn. Theo sách kinh, hôm đó là ngày rằm tháng 2 Âm lịch, 544 năm trước Chúa giáng sinh.

Vâng lời Phật dạy, các đệ tử đã chia phần kim thân còn lại cho tám vị quốc vương ở Ấn Độ để họ giữ gìn cho các tín đồ Phật giáo sau này.

Hơn 2.550 năm sau, một đoàn cao tăng và Phật tử Việt Nam đã sang Ấn Độ để rước một phần rất nhỏ xá lợi Phật về đất nước mình. Không ai biết xá lợi đặt trong ba tháp lưu ly được đưa về an vị ở chùa Bái Đính (Ninh Bình) hôm đầu tháng 3 vừa qua được vị quốc vương nào trong câu chuyện trên lưu giữ. Chỉ biết rằng đó là món quà mà Chủ tịch Hội Phật giáo Thế giới tại Ấn Độ đã tặng cho Phó chủ tịch nước Nguyễn Thị Doan trong chuyến thăm chính thức đất nước nơi Phật giáo khởi đầu vào tháng 10 năm ngoái.

Để tiết kiệm tối đa thời gian di chuyển, một doanh nghiệp tư nhân ở phía Bắc đã tài trợ cho Giáo hội Phật giáo Việt Nam thuê trọn một chuyên cơ của hãng hàng không quốc gia. Chuyên cơ bay thẳng từ Nội Bài đến Bodhgaya (Bồ Đề Đạo Tràng, vùng thánh địa của Phật giáo) và bay về Việt Nam vào buổi chiều cùng ngày nghe đâu với giá hơn 100.000 đô la Mỹ.

Chiếc Airbus 320 mang số hiệu VN9985 đã phải trì hoãn giờ khởi hành hơn hai tiếng rưỡi đồng hồ để chờ sương mù tan trên bầu trời sân bay Gaya (Gaya-Bihar, Ấn Độ). Đường băng của sân bay Gaya quá ngắn và không có đèn. Máy bay hạ cánh lúc 5 giờ 30 phút theo giờ địa phương, lúc trời chỉ vừa hửng sáng nên chiếc xe buýt duy nhất dùng chở khách từ máy bay vào nhà ga vẫn chưa làm việc vì còn quá sớm. Trong phòng chờ, người ta chỉ mở hai bàn làm thủ tục thông quan. Phải mất gần hai tiếng đồng hồ, phái đoàn gần 150 người Việt mới hoàn tất thủ tục nhập cảnh.

Nhưng bù lại, Bồ Đề Đạo Tràng, nơi thái tử Tất-đạt-đa trở thành Phật Thích Ca sau này, thật an bình trong nắng sớm. Từng nhóm những người phụ nữ Ấn mặc sắc phục trắng muốt đi chân đất trên con đường cũ kỹ ẩm ướt lởm chởm đá cuội vào lễ Phật ở tháp Đại Bồ Đề.

Bồ Đề Đạo Tràng.

Trước sự ngạc nhiên của phái đoàn đến từ Việt Nam, dưới cội bồ đề, nơi đức Phật Thích Ca từng ngồi nhập định suốt 49 ngày trước khi đắc đạo ở tuổi 30, các chư tăng tu tập ở những ngôi chùa xung quanh đã có mặt để chứng kiến nghi lễ rước xá lợi của đoàn Việt Nam.

Nghi lễ cúng Phật dường như không biên giới, không hàng rào ngôn ngữ. Các nhà sư Việt Nam mở đầu nghi lễ bằng một hồi kinh tiếng Việt. Bài kinh Việt vừa dứt, các nhà sư Thái đã tiếp nối bằng hồi kinh của mình. Sau đó là hồi kinh của các nhà sư Myanmar.

Đối với nhiều người tham gia phái đoàn Việt Nam, tự thân chuyến bay đến Bồ Đề Đạo Tràng đã là một sự kiện hiếm thấy. Vài người nói vui: “Viếng Phật trên đất Ấn, sáng đi chiều về, thật khó tin”! Nhưng chính sự đón tiếp của chư tăng sở tại cùng các Phật tử Việt đang tu tập tại đó càng làm họ thấy ấm lòng hơn. Ngược lại, họ cũng thấy rằng chuyến đi ngắn ngủi này cũng đã để lại những ấn tượng tốt về Phật giáo và lòng mộ đạo ở Việt Nam đối với đông đảo chư tăng tại Bồ Đề Đạo Tràng. Tuy nhiên, chuyến đi sẽ thành công hơn nếu không có vài hạt sạn lẽ ra phải bỏ lại ở nhà.

Dưới cội bồ đề, trong không khí trang nghiêm của chư tăng đang hành lễ và tiếng tụng niệm giúp Phật tử giác ngộ, một số người trong phái đoàn Việt Nam lại loay hoay lấy tiền trong bóp, trong túi xách của họ. Chắp hai tay với những đồng tiền ở giữa, họ nguyện cầu rất thành kính rồi khẽ khàng đứng lên đi đến bàn lễ để đặt tiền lên đó, hoặc nhờ người khác chuyển lên giúp. Thế là người nọ tiếp người kia, số tiền cúng trên bàn lễ mỗi lúc một nhiều. Xen giữa những tờ đô la Mỹ màu xanh có mệnh giá khác nhau là những tờ giấy bạc Việt Nam 50.000 đồng, 10.000 đồng và cả tờ 500 đồng.

Người chứng kiến cảnh này không khỏi băn khoăn tự hỏi cúng dường bằng tiền đồng trên đất Phật, chẳng biết rồi các nhà sư ở đây sẽ xử lý thế nào. Không ngờ, câu trả lời đã có ngay khi phần nghi lễ tụng niệm chấm dứt. Các chư tăng vừa đưa tháp lưu ly đi, chính một số người lúc nãy đã nhanh chân chạy đến xung quanh bàn lễ để lạy xin những đồng tiền vừa được dâng lên!

Một thoáng ngỡ ngàng trong ánh mắt của những nhà sư sống trên đất Ấn đã đến dự lễ từ sáng sớm!

(Theo Thục Đoan // Thời báo kinh tế Sài Gòn)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chơi biển bãi Dài
  • Cùng BenThanh Tourist hành hương phương bắc
  • Hấp dẫn lễ hội đua ngựa Bắc Hà
  • Thương lắm khúc ruột miền Trung!
  • Ý Tý mù sương
  • Chùm ảnh: Hà Nội và những cái hồ có một không hai
  • Chợ bò vùng cao
  • Mơ màng Thung lũng Khoang Xanh
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com