Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thơ mộng Quan Lạn

Bãi biển Sơn Hào. Ảnh: ATI

...Có một nơi bầu trời liền với biển, sóng vỗ miên man và cát trắng hiền hoà. Có một nơi mà sự hoang sơ và quyến rũ của nó có thể làm nao lòng bất kỳ những ai đã một lần ghé thăm... đó chính là Quan Lạn. ấn tượng đầu tiên khi đến Quan Lạn (Vân Đồn) đó chính là không gian trong lành khác xa sự xô bồ nơi phố thị. Quan Lạn có hai bãi biển đẹp là bãi Sơn Hào và bãi Quan Lạn.

Biển Sơn Hào là cửa bể nên sóng rất to và có bãi cát dài thoai thoải. Trên bờ là rừng phi lao quanh năm rì rào trong gió. Để đi đến bãi Minh Châu phải vượt qua một con đường cắt ngang rừng trâm. Khu rừng này đã có tuổi đời hàng trăm năm. Biển ở đây nằm trong vịnh nên nước lặng, những con sóng êm dịu lăn tăn gợn theo gió vỗ vào bờ, tạo nên những làn nước tung bọt trắng xoá và trong đến độ có thể nhìn tới tận đáy sâu.

Người hướng dẫn viên địa phương đưa chúng tôi đi tham quan và giới thiệu về cụm di tích đình - chùa - đền - nghè Quan Lạn. Ngôi đình nghe nói được xây dựng vào thời Hậu Lê (thế kỷ XVII). Hiện ngôi đình còn lưu được 18 đạo sắc phong của các vua triều Nguyễn. Đình và cụm di tích đã được Bộ Văn hoá - Thể thao và Du lịch xếp hạng là cụm di tích lịch sử và kiến trúc nghệ thuật. Đình chủ yếu được làm bằng gỗ mần lái, thứ cây sinh ra và lớn lên trên núi đá, có khả năng chịu thử thách của thời gian và hơi nước biển mặn mòi. Đình có 32 cột cái và 26 cột quân bằng gỗ mần lái và gỗ lim. Mái đình lợp bằng ngói vẩy, trên bờ nóc có hình “lưỡng long chầu nguyệt”. Những hoa văn trang trí ở đây chủ yếu là hình rồng, phượng và hoa lá, được mô tả đa dạng trên mỗi bức cốn, đầu dư, câu đầu, cửa võng... Các đầu đao uốn cong khiến cho đình trông đồ sộ nhưng rất uyển chuyển và bay bổng. Bên cạnh đình là chùa Quan Lạn. Trong chùa còn có cụ Hậu, một người dân địa phương góp nhiều công sức xây dựng chùa. Bức tượng là một bà cụ già Việt Nam tươi tắn, hiền hoà, chất phác đã tạo nên nét độc đáo của chùa. Cạnh chùa Quan Lạn là miếu Đức Ông thờ Phạm Công Chính, một người dân địa phương đã tham gia cùng quân Trần Khánh Dư đánh trận Vân Đồn lịch sử năm 1288 chống quân Nguyên và được suy tôn là thần...

Nếu ai có dịp may mắn đến Quan Lạn vào những ngày diễn ra lễ hội truyền thống tổ chức vào dịp 18 tháng 6 âm lịch hàng năm sẽ thấy thật thú vị. Đây là lễ hội tái hiện lại cuộc chiến đấu của danh tướng Trần Khánh Dư tiêu diệt đoàn thuyền lương của giặc Nguyên Mông, góp phần quan trọng trong đại thắng trên sông Bạch Đằng năm 1288. Trong lễ hội có nhiều nghi lễ độc đáo trong cả phần lễ và phần hội. Phần lễ có nghi lễ “nghinh thần”, hai giáp văn, võ tướng quân uy nghi trong bộ trang phục ra trận dâng lễ rước bài vị của Trần Khánh Dư từ nghè về đình. Phần hội có đua thuyền. Dân làng chia làm hai giáp, Đông Nam Văn và Đoài Bắc Võ, để đua thuyền. Thuyền đua thường là thuyền đi biển trọng tải từ 5 đến 6 tấn, rộng và sâu lòng, được hạ buồm, trang trí đầu rồng ở mũi thuyền. Dưới bến, đội thuyền đua chia làm hai tốp. Lính bên văn mặc quần áo màu xanh viền vàng, đầu chít khăn vàng, đai lưng màu đỏ. Lính bên võ mặc quần áo đỏ viền xanh, đầu chít khăn đỏ, đai lưng thắt màu đỏ. Tiếng chiêng trống, tiếng hò reo như sấm dậy, cờ bay phần phật đầy khí thế. Mỗi khi hai bên giáp nhau ở sân đình, quân lính cùng dân chúng hét lớn vang động cả một vùng. Hai tướng múa những đường đao đẹp mắt, hai đoàn quân gặp nhau ba lần, tượng trưng cho ba lần đánh thắng quân Nguyên thời Trần. Tới lần thứ ba, hai đoàn quân tập hợp trước miếu, hai vị tướng vào tế, khi quay trở ra thì cuộc đua thuyền mới chính thức bắt đầu. Lễ hội Quan Lạn ngoài ý nghĩa lịch sử, thể hiện tinh thần thượng võ, chống giặc ngoại xâm bảo vệ chủ quyền đất nước còn là ngày hội cầu được mùa của các ngư dân vùng biển đảo cho nên nó có ý nghĩa rất lớn đối với tất cả các cư dân trong vùng và cũng là một sản phẩm du lịch độc đáo trong hành trang của mỗi du khách…


(Theo Ngô Đình Dũng - CTV/QuangNinh)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Chùm ảnh: Độc đáo Lễ hội “Chạy lợn thờ”
  • Bánh chưng – độc đáo Việt Nam
  • Xúc cảm Hà Giang
  • Xem hội chọi trâu
  • Hà Nội cũng có hoa ban
  • Lễ hội làng Thu Bồn
  • Huyền thoại Bắc Đèo Ngang
  • Rượu cần Tây Nguyên ra phố
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com