Thường lệ mỗi năm hội chọi trâu vùng Hải Lựu huyện Lập Thạch, tỉnh Vĩnh Phúc tổ chức ngày 17 tháng giêng với số lượng nhiều nhất 16 con. Nhưng theo thời gian càng lúc số lượng Ông Cầu (tên gọi trâu thi đấu) tham gia càng nhiều và khách xem hội cũng tăng vọt nên địa phương phải tổ chức lễ hội chọi trâu cố định vào ngày 16 và 17 tháng giêng hàng năm.
![]() |
Tương truyền, Lữ Gia – một tướng tài của Triệu Ai Vương kéo quân về đóng tại núi Long Động – Lập Thạch chống lại quân Hán của Lô Bác Đức trong hơn mười năm từ 124 – 111 trước Công nguyên. Để khích lệ tinh thần chiến đầu của quân sĩ và dân chúng khi thắng trận, ngài thường cho mổ trâu, khao thưởng. Ngài cũng có sáng kiến tổ chức đấu trâu để mua vui cho mọi người. Lâu dần trở thành lễ hội Đấu Ngưu hay còn gọi là chọi trâu, song đấu với nhau rồi mới sát sinh.
Năm nay, hội chọi trâu quy tụ được 25 Ông Cầu, đến từ vùng Sơn Dương – Tuyên Quang, Yên Bái, Vĩnh Phúc… chia ra hai vòng đấu. Ngày 16 đấu 11 trận theo phương thức loại trực tiếp và ba trâu còn lại đấu hai lần.
Trong thi đấu, không giới hạn thời gian và sự phân định thắng thua, chỉ khi nào một trong hai “ông” “tẩu tử” (tức là chạy hoặc gục ngã, chết), thì “ông” còn lại đương nhiên thắng và đi tiếp vào vòng hai cho đến vòng bán kết, chung kết để phân loại nhất nhì ba...
Theo ông Nguyễn Văn Độ, chín năm liên tiếp làm tổ trưởng trọng tài, trong 13 trận tổ chức ngày 16 có cặp số 1 và 13 được đánh giá là đầy kịch tính, sôi động suốt 25 phút đồng thời là trận đấu kéo dài thời gian nhất trong ngày.
Thông thường, khi mới bước vào cuộc chọi, chưa tới điểm xuất phát hai trâu đã sôi máu lao thẳng vào nhau nhằm hạ gục đối thủ bằng đòn húc đầu giữa tiếng chiêng, trống thôi thúc, cùng tiếng reo hò của khán giả làm vang dội cả một vùng. Nếu vẫn chưa có kết quả, hai “ông” lại tiếp tục hừng hực châu đầu vào nhau và dùng sừng để ra đòn hiểm như móc hàm, móc mắt thậm chí khoá đầu hoặc lật ngửa đối phương.
Người có kinh nghiệm cho rằng: những trận vòng loại hấp dẫn hơn vòng bán kết, chung kết bởi các Ông Cầu sung sức, chiến đấu đến tận lực với những đòn độc hiểm. Không ít trường hợp, trâu bị đánh đau, toé máu mặt, phải bỏ chạy nhưng trong giây lát lại hăng máu, quay trở lại chọi tiếp. Cũng có trường hợp trâu đã được ban tổ chức đánh giá đạt tiêu chuẩn: loại trâu cà, ngoại hình đẹp, vòng ngực cân đối, lông đen, da trê, huấn luyện kỹ càng... nhưng khi lâm trận vì không quen với tiếng trống, chiêng dồn thúc, nên đứng ngơ ngác, rồi bỏ chạy, thua chóng vánh dễ làm người xem mất hứng. Những trận bán kết, chung kết sức lực Ông Cầu sút giảm dần, do vậy hai bên chỉ quần thảo hoặc dùng sừng đâm nhau.
Lần đầu tiên được xem chọi trâu đậm chất truyền thống dân gian, nơi vùng đất Bạch Lưu Hạ – Hải Lựu bên dòng sông Lô, cảm giác của tôi thật ấn tượng. Việc phục hồi lễ hội chọi trâu là điều hoàn toàn đúng đắn và cần thiết, song việc xẻ thịt những Ông Cầu sau trận đấu hầu bán cho khách du xuân là điều khá bất nhẫn. Ông Nguyễn Thanh Nghiêm, thành viên hội cao tuổi tỉnh Bắc Ninh bộc bạch: “Con trâu là đầu cơ nghiệp, gần gũi, giúp sức người dân việc đồng áng bao đời nay, thì ai lại đi sát sinh, nhất là sau khi nó đã chiến đấu sinh tử vì sự xếp đặt của con người. Chưa kể đây là những con trâu khoẻ mạnh, giống tốt thì cần phải nuôi dưỡng, nhân giống để làm tốt việc đồng áng sau này”.
(Bài và ảnh Trần Thế Dũng // SGTT Online)
![]() |
![]() |
![]() |
![]() |
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com