Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Thương lắm lồng đèn Việt!

Có lẽ rồi đây hình ảnh lồng đèn giấy kiếng sản xuất trong nước chỉ còn lại trong tiềm thức của các em nhỏ qua những câu ca “Tết Trung thu em đốt đèn đi chơi. Em đốt đèn đi khắp phố phường. Đèn ông sao với đèn cá chép. Đèn thiên nga với đèn bươm bướm…”. Bởi những năm gần đây, lồng đèn nhựa Trung Quốc đã tràn ngập thị trường…

Lồng đèn sản xuất trong nước đã bớt thu hút trẻ em. Ảnh: ĐỨC TRÍ

Tan tác một làng nghề...

Mỗi năm, cứ đến mùa Trung thu là cánh phóng viên chúng tôi lại tìm đến làng nghề làm lồng đèn Trung thu truyền thống ở khu giáo xứ Phú Bình, trên đường Lạc Long Quân, phường 5 quận 11 để xem không khí làm và kinh doanh lồng đèn. Tuy nhiên, điều đáng buồn là những năm gần đây, nghề làm lồng đèn truyền thống cứ dần dần mai một, người làm lồng đèn ngày càng ít đi.

Theo những người còn bám trụ với nghề làm lồng đèn truyền thống ở khu vực này cách đây 2 năm, vẫn có khoảng 50 hộ làm lồng đèn nhưng nay chỉ khoảng 15 hộ còn “đeo” nghề. Mà những hộ này giờ đây cũng chỉ tận dụng thời gian rảnh để làm thêm cho đỡ nhớ nghề chứ không còn xem là một nghề chính “làm một vụ ăn cả năm” như trước nữa.

Ông Nguyễn Văn Bình, người vừa làm vừa kinh doanh lồng đèn truyền thống hơn 30 năm qua tại khu vực này buồn bã cho biết, sức tiêu thụ chậm, giá nhân công quá rẻ nên giờ đây ít ai còn giữ nghề lắm. Nếu còn thì cũng chỉ là người già nhớ nghề làm cho đỡ buồn.

Một nguyên nhân khiến cho lồng đèn giấy kiếng truyền thống mất dần ưu thế và bị lấn sân là do việc vận chuyển khó khăn hơn nhiều so với lồng đèn giấy hiện đại và lồng đèn nhựa Trung Quốc. Mỗi xe tải, theo ghi nhận của chúng tôi chỉ chở nhiều lắm là vài trăm cái, trong khi lồng đèn Trung Quốc và lồng đèn giấy xếp có thể chở đến hàng ngàn cái mà không sợ hư. Ngoài ra, một trong những lý do khiến cho người kinh doanh “ngại” lồng đèn giấy kiếng truyền thống vì sản phẩm này rất dễ hư, nhất là khi vận chuyển gặp phải trời mưa.

Nếu như trước đây, Phú Bình được xem là cái nôi của lồng đèn truyền thống, mỗi năm cung cấp cho thị trường cả nước hàng trăm ngàn chiếc lồng đèn ông sao, bươm bướm, cá chép… đủ màu, đủ sắc thì năm nay ngay trên “lãnh địa” của mình chúng cũng chỉ còn trên dưới một vài ngàn cái ọp ẹp đối phó với cả “rừng” hàng Trung Quốc.

Do đáp ứng thị hiếu của khách hàng cũng như lợi nhuận mang lại, nhiều cửa hàng chuyên cung cấp sỉ và lẻ các loại lồng đèn truyền thống ở Phú Bình như Thu Hà, Cô Thoa… giờ cũng đã chuyển sang trưng bày và bán nhiều mẫu lồng đèn Trung Quốc. Ngay tại cái “nôi” lồng đèn truyền thống Phú Bình giờ đây, thị phần chỉ còn khoảng 30%.

Qua rồi hiện tượng “lồng đèn Việt”!

Người yêu lồng đèn trong nước có lẽ không quên sự xuất hiện đầy ấn tượng một thời của những lồng đèn lắp ráp 3D được sản xuất bởi Công ty Kỹ Thuật Mới (ở số 1068 Tạ Quang Bửu, phường 6, quận 8 TPHCM) vào năm 2005. Một sản phẩm đã từng đẩy lùi được lồng đèn nhựa của Trung Quốc trên thị trường nội địa và xuất được hơn 100.000 cái sang thị trường Úc. Tuy nhiên, gần đây trước sự xâm lấn ồ ạt của lồng đèn nhựa Trung Quốc, lồng đèn 3D cũng đã dần mất đi ưu thế và có vẻ như đã biến mất khỏi thị trường.

Dù cha đẻ của những chiếc lồng đèn đó, ông Huỳnh Văn Khánh, Tổng Giám đốc Công ty Kỹ Thuật Mới, vẫn luôn đau đáu với lồng đèn Việt và như mọi năm, đơn vị này cũng tung ra thị trường 10 mẫu sản phẩm mới với hơn 20.000 sản phẩm bám sát văn hóa truyền thống như cá chép, ngôi sao… Và để giữ thị phần trên sân nhà, công ty này cũng chỉ đưa ra giá 9.000 - 15.000 đồng/sản phẩm, thấp hơn mọi năm 20% (dù so với năm ngoái giá nguyên liệu nhựa hiện đã tăng 20% - 25%), rẻ hơn lồng đèn Trung Quốc đến 30%. Nhưng cho đến nay, dù Trung thu đã gần kề nhưng sản phẩm này dường như vẫn “bí” thị trường. Nhiều siêu thị lớn vẫn từ chối đưa hàng vào dù đang có chương trình “Người Việt Nam ưu tiên dùng hàng Việt Nam”.

Không những thế, tại khu vực chợ Bình Tây (quận 6) và chợ Kim Biên (quận 5), nhiều chủ vựa chuyên bỏ lồng đèn sỉ đi các tỉnh cũng đã thẳng thừng từ chối trưng bày lồng đèn của các doanh nghiệp nội với lý do không bắt mắt, khó thu hút được khách hàng, chiếm nhiều diện tích… nên đầu mùa vụ họ chỉ treo toàn lồng đèn Trung Quốc. Trong khi nhiều phụ huynh muốn con em mình quay về với văn hóa truyền thống đã cố công tìm mua lồng đèn giấy kiếng và lồng đèn 3D nhưng không biết chúng được bán ở đâu để mua.

Sở dĩ lồng đèn Trung Quốc có được thị trường trong khi lồng đèn Việt lại không là do hệ thống phân phối lồng đèn Trung Quốc đi các tỉnh rất linh động. Họ đã kiếm thị trường từ rất sớm ngay từ cuối tháng 5, đầu tháng 6 và cũng áp dụng phương pháp thanh toán linh hoạt bằng cách cho trả chậm, còn các cơ sở sản xuất trong nước thì đến nay vẫn làm theo kiểu “hữu xạ tự nhiên hương”. Tức ngồi một chỗ để người mua tìm đến nên cung không bắt kịp cầu, thế nên bỏ mất cơ hội trong mùa Trung thu năm nay.

Nhiều người lo ngại không chỉ trong mùa Trung thu năm nay mà ngay trong lễ hội chào mừng 1.000 năm Thăng Long - Hà Nội sắp tới, sẽ khó tìm ra lồng đèn Việt

(Theo Lê Mai Thi // SGGP online)

  • Sa Pa diễm lệ
  • Mo So kỳ ảo
  • Đàn Tiên Cái Khế - di tích đạo tu tiên xưa ở Cần Thơ
  • Lễ hội Sayangva của người Chơro gắn kết cộng đồng
  • Một điểm du ngoạn cần cho giới trẻ
  • Pleiku, một cõi đi về...
  • Du lịch tâm linh ở Ngũ Hành Sơn
  • Làng cổ Trích Sài lưu dấu 1.000 năm Thăng Long
  • Mênh mang những huyền thoại Tây Hồ
  • Trà Cầu Đất, trà Ô Long trên đất Lâm Đồng
  • Ngọc trai ở Phú Quốc: Nhiều như cá khô
  • Hổ quyền – một di tích văn hoá độc đáo
  • Trà búp Thái Nguyên
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com