Họp Đại hội đồng cổ đông 2010 của một công ty xây dựng ở TPHCM. Ảnh: Lê Toàn. |
Dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Doanh nghiệp đã đưa ra nhiều quy định mới mang tính đột phá, nhằm hóa giải nhiều trường hợp bế tắc cho doanh nghiệp. Tuy nhiên, để xây dựng lên những quy định ấy, nhiều điều khoản của dự thảo Nghị định lại trở thành trái luật.
Không công nhận, vẫn đủ tư cách? Người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp là một cơ chế pháp lý đặc biệt quan trọng đối với doanh nghiệp. Thông qua người đại diện theo pháp luật để xác định tư cách hợp pháp của người thay mặt doanh nghiệp trong các giao dịch kinh tế, dân sự. Một doanh nghiệp hoạt động bình thường, thì không thể thiếu người đại diện theo pháp luật, dù chỉ trong một thời gian ngắn. Nếu không có người đại diện theo pháp luật, thì sẽ dẫn đến nguy cơ đình trệ hoạt động của doanh nghiệp, thậm chí rơi vào tình trạng bế tắc, không có lối thoát. Xét trên tổng thể mấy trăm ngàn doanh nghiệp, thì sự cố này xảy ra rất thường xuyên, phổ biến. Lý do thì vô khối, chẳng hạn do người đại diện bị chết, mất tích, bị cách chức, bị mất khả năng làm việc, trong khi chưa thể hoàn tất được thủ tục bổ nhiệm nhân sự mới và thay đổi đăng ký người đại diện theo pháp luật. Luật Doanh nghiệp đã không thiết kế các quy định cần thiết để xử lý tình huống éo le, do vậy, rất cần được giải quyết trong nghị định. Tuy nhiên, dự thảo Nghị định lại đi quá xa bằng việc đưa ra một loạt quy định như: Người được ủy quyền sẽ được “làm người đại diện theo pháp luật” của doanh nghiệp trong trường hợp người đại diện pháp luật vắng mặt trên 30 ngày. Hay nếu thành viên là người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH có hai thành viên mà bị tạm giữ, tạm giam, bỏ trốn, bị mất năng lực hành vi dân sự, thì thành viên còn lại sẽ đương nhiên làm người đại diện theo pháp luật của công ty. Điều này là trái với nguyên tắc xác lập người đại diện theo pháp luật đã được quy định trong Bộ luật Dân sự và Luật Doanh nghiệp. Đặt ra điều kiện thay thế vai trò của người đại diện theo pháp luật là cần thiết, nhưng chỉ có thể quy định các trường hợp được phép chỉ định và thủ tục chỉ định người tạm thời thay thế để thực hiện các quyền và nghĩa vụ của người đại diện theo pháp luật, chứ không thể biến một người đương nhiên trở thành người đại diện theo pháp luật mà không qua thủ tục pháp lý tối thiểu nào. Quy định như vậy, trong nhiều trường hợp có thể xuất hiện tình trạng một doanh nghiệp đồng thời có hai người đại diện theo pháp luật. Điều này sẽ gây ra sự xung đột pháp lý rất phức tạp, không biết phải thừa nhận người nào. Nếu phản đối, coi như đồng ý? Dự thảo Nghị định đưa ra một trong những quy định như sau: “Tất cả thành viên, người đại diện thành viên dự họp phải ký vào biên bản họp Hội đồng thành viên. Trường hợp thành viên, người đại diện thành viên không đồng ý về một hoặc một số nội dung đã được Hội đồng thành viên thông qua và từ chối ký biên bản cuộc họp đó của Hội đồng thành viên, thì chữ ký xác nhận việc tham dự họp của họ được coi là chữ ký của họ tại biên bản họp Hội đồng thành viên”. Đây là một quy định trái với nguyên tắc của pháp luật, phủ nhận hoàn toàn ý chí của thành viên công ty, vì đã biến chữ ký xác nhận việc tham dự cuộc họp thành chữ ký đồng ý vô điều kiện với nội dung biên bản cuộc họp. Như vậy, tất cả thành viên hay chỉ có thiểu số ký vào biên bản họp, thì cũng luôn cho cùng một kết quả giống nhau. Trường hợp này, chỉ có thể quy định theo hướng, coi thành viên không ký đồng nghĩa với việc không đồng tình với toàn bộ nội dung biên bản, đồng thời xem xét sửa luật theo hướng, không nhất thiết phải yêu cầu tất cả thành viên ký vào biên bản họp, mà chỉ cần chữ ký của chủ tọa và thư ký, còn ý chí của các thành viên đã được thể hiện thông qua thủ tục và kết quả biểu quyết. Giữ lại quyền, là đã ủy quyền? Một trong những khó khăn vướng mắc lớn đối với các công ty là phải bảo đảm được tỷ lệ tham dự hợp pháp để tiến hành cuộc họp và thông qua các quyết định Đại hội đồng cổ đông hoặc Hội đồng thành viên. Luật Doanh nghiệp đòi hỏi tỷ lệ này khá cao, tối thiểu phải đạt mức 65% hoặc 75%. Sau đó một văn bản có giá trị pháp lý ngang luật, là Nghị quyết số 71/2006/QH11 ngày 29-11-2006 của Quốc hội phê chuẩn Nghị định thư gia nhập Hiệp định thành lập Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) đã chỉ rõ việc cho phép áp dụng các tỷ lệ 51% đối với một số điều khoản cụ thể của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, các doanh nghiệp không dám áp dụng tỷ lệ 51% này do sự giải thích không chính thức của Bộ Kế hoạch và Đầu tư. Cộng đồng doanh nghiệp mong chờ dự thảo Nghị định khẳng định chính thức việc cho phép áp dụng tỷ lệ 51% theo nghị quyết của Quốc hội để gỡ rào cản không đáng có này của Luật Doanh nghiệp. Tuy nhiên, thay vì hướng dẫn áp dụng tỷ lệ trên cho phù hợp, dự thảo Nghị định lại chọn cách giải quyết vấn đề trái Luật Doanh nghiệp một cách nghiêm trọng. Đó là quy định: “Nếu điều lệ công ty không quy định khác hoặc cổ đông có liên quan không có ý kiến khác bằng văn bản, các thành viên độc lập của hội đồng quản trị đương nhiên là người đại diện theo ủy quyền của tất cả các cổ đông không tham dự họp đại hội đồng cổ đông”. Quy định này trái ngược và vô hiệu hóa những quy định rất rõ ràng, cụ thể tại điều 101 của Luật Doanh nghiệp: “Việc ủy quyền cho người đại diện dự họp Đại hội đồng cổ đông phải lập thành văn bản theo mẫu của công ty và phải có chữ ký” của cổ đông ủy quyền và người được ủy quyền dự họp. Và “người được ủy quyền dự họp đại hội đồng cổ đông phải nộp văn bản ủy quyền trước khi vào phòng họp”. Quy định này sẽ cho ra một đáp số đồng dạng là, dù cho tỷ lệ tham dự cuộc họp trên thực tế chỉ là một vài phần trăm, nhưng kết quả vẫn luôn đạt con số sát 100%. Như vậy, thì quan điểm không chịu hạ xuống 51% mà cứ giữ nguyên tỷ lệ 65% để bảo vệ quyền lợi của các cổ đông nhỏ sẽ trở thành ý tưởng hoàn toàn vô nghĩa. Đối với những vấn đề trên, ngay cả việc dùng một đạo luật để phủ quyết Luật Doanh nghiệp cũng là sự bất hợp lý. Càng không thể chấp nhận sửa luật bằng một nghị định. Tại hội thảo lấy ý kiến góp ý cho dự thảo nghị định thay thế Nghị định 139/2007 do VCCI tổ chức cuối tuần trước tại Hà Nội, luật gia Cao Bá Khoát (Công ty TNHH Tư vấn doanh nghiệp K và cộng sự) đã dẫn chứng ra một loạt văn bản của cơ quan quản lý nhà nước về sự không nhất quán trong quy định về tỷ lệ cổ đông có quyển biểu quyết theo điều 104 của Luật Doanh nghiệp. Luật Doanh nghiệp 2005 quy định tỷ lệ này là 65%. Tháng 11-2006, Nghị quyết 71 cho phép áp dụng tỷ lệ 51%. Sau đó, Bộ Kế hoạch và Đầu tư (KH-ĐT) đệ trình dự thảo Nghị định hướng dẫn Nghị quyết 71 và các cam kết WTO (sửa Luật Doanh nghiệp 2005) áp dụng 51%. Bốn tháng sau , tháng 3-2007, Bộ Tài chính ban hành Điều lệ mẫu áp dụng cho các công ty niêm yết lại áp dụng tỷ lệ 65%. Cũng thời gian này, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần thực hiện theo yêu cầu về tỷ lệ 65%. Nhưng sáu tháng sau đó, chính NHNN lại có công văn hướng dẫn các ngân hàng thương mại cổ phần có thể áp dụng tỷ lệ là 51%. Đến cuối năm 2007, Bộ KH-ĐT ban hành một công văn giải thích rằng chỉ có một số liên doanh được áp dụng tỷ lệ 51%, còn lại các doanh nghiệp phải áp dụng tỷ lệ 65%. Đến đầu năm 2009, Ủy ban Chứng khoán hướng dẫn các công ty niêm yết áp dụng tỷ lệ 65%. Tháng 7-2009, nghị định của Chính phủ hướng dẫn hoạt động của ngân hàng thương mại (do NHNN soạn thảo) cũng quy định áp dụng tỷ lệ 65%. Nhưng đến dự thảo Luật các tổ chức tín dụng sửa đổi chỉ hai tháng sau đó, tỷ lệ áp dụng lại sửa là 51%.Rối rắm 65% và 51%
(Theo LS Trương Thanh Đức // Thời báo kinh tế Sài Gòn)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com