Khi Luật Lao động sửa đổi việc thành lập Ủy ban quan hệ lao động sẽ làm hài hòa mối quan hệ lao động trong DN |
Dự thảo lần thứ 3 Bộ Luật Lao động và Luật công đoàn sửa đổi đã hoàn thành. Tuy nhiên xung quanh dự thảo này vẫn còn những ý kiến trái chiều nhau. Mới đây VCCI phối hợp với ILO tổ chức lấy ý kiến các DN Đài Loan về dự thảo này. Gần 100 DN VN và DN Đài Loan – Trung Quốc đã tham gia hội thảo cho thấy sức “nóng” của Bộ Luật Lao động và Luật Công đoàn sửa đối với các vấn đề lao động – công đoàn hiện nay trong cộng đồng DN FDI.
Với quyết tâm luật ban hành sẽ đi vào cuộc sống và được đông đảo các DN đón nhận, VCCI cho biết, dự thảo Bộ Luật Lao động sẽ được VCCI lấy ý kiến cộng đồng DN, với các DN FDI. VCCI sẽ lấy ý kiến theo từng khu vực, khu vực Châu Á, khu vực Châu Âu... nhằm nghe được hết các ý kiến để đóng góp sâu hơn cho bộ luật.
Chỉ cho phép đình công từ 1-2 ngày ?
Nói về vai trò của tổ chức công đoàn hiện nay trong các DN FDI, ông Steve Chu – Phó GĐ Cty Sao Vàng VN cho rằng, vai trò công đoàn hiện không phù hợp với thực tế. Đa số bãi công hiện nay trong các DN là bất hợp pháp, từ góc độ của người lao động họ đều biết là phi pháp. Điều đáng nói là cách phối hợp xử lý của các địa phương hiện chưa hợp lý, bãi công bất hợp pháp xảy ra nhiều. Người lao động VN rất thông minh nhưng họ dễ bị lôi kéo, lợi dụng. Ông Chu tỏ ý: Với Luật Lao động mới lần này sẽ giải quyết thấu đáo vấn đề này, mang lại môi trường thông thoáng, thu hút FDI. Ông cũng đề nghị nên sửa đổi, với thời gian đề nghị bãi công 5 ngày là hơi nhiều, chỉ nên 1-2 ngày. Nếu luật cho phép 5 ngày thì DN sẽ rất mệt mỏi.
Bên cạnh đó, sự có mặt của công đoàn là cần thiết. “Để tránh đình công, Cty chúng tôi đang điều chỉnh chính sách, đưa ra mức lương hợp ly. Chúng tôi muốn đưa ra mức lương chuẩn để không có đình công” - Ông Chu nói.
Đại diện một DN Đài Loan khác, ông Jack Lin, phụ trách nhân sự Cty MITAC, Cty chuyên làm linh kiện điện tử có trụ sở tại khu CN Quế Võ (Bắc Ninh) cho biết, Cty đầu tư tại VN từ năm 2006, liên tục gặp phải hiện tượng bãi công. Khi mới đến, do chưa hiểu đặc tính của người VN, nên giữa công nhân và giới chủ chưa thực sự hiểu nhau nên thường xuyên xảy ra bãi công. Tuy nhiên, do có cơ chế đối thoại tốt, cải thiện quan hệ lao động (QHLĐ) trong DN nên thời gian qua chuyện đình công, bãi công ở DN này đã giảm hẳn. Ông Lin hi vọng Bộ Luật Lao động và Luật công đoàn sửa đổi lần này sẽ có tác động tốt tới quan hệ lao động trong các DN hiện nay.
Nói về mức lương tối thiểu hiện nay trong DN, ông Lin đưa ra ví dụ: "Tôi thấy mức lương thấp nhất quy định hiện khá thấp. Thông thường các DN trả cao hơn mức đó nhiều. Nếu theo pháp luật khoảng 1 triệu nhưng chúng tôi đã trả tới 1,5 triêu. Đề nghị Nhà nước tăng mức lương tối thiểu, chúng tôi sẽ làm theo và thực hiện. Tuy nhiên khi chúng tôi thực hiện pháp luật nghiêm túc, thì chúng tôi cũng đòi hỏi phải được bảo vệ, phải xử lý người lao động đình công trái luật" - Ông Lin nói.
Trong khi đó, ông Kim Quốc Hiếu - Hội trưởng Hội thương gia Đài Loan tại Hải Phòng, người có 15 năm kinh nghiệm làm việc tại VN lại chia sẻ: Các DN FDI sợ nhất là vấn đề bãi công và mong muốn có các biện pháp để xử lý vấn đề bãi công.
Để có thể giảm thiểu đình công, đại diện Hội thương gia Đài Loan tại Hà Nội đưa ra sáng kiến: Các DN Đài Loan chúng tôi có 12 phân hội, chúng tôi sẵn sàng có cán bộ chuyên trách về vấn đề này, thậm chí mời cán bộ VN vào làm công tác này. Đồng thời, mong chính quyền các địa phương hỗ trợ để giúp quan hệ lao động trong DN được tốt hơn.
Giải quyết triệt để đình công bất hợp pháp
Nhận định về các cuộc đình công trong các DN Đài Loan thời gian qua, ông Phạm Văn Oanh - chuyên gia tư vấn luật cho rằng, một trong những sai lầm lớn của các DN Đài Loan trong xử lý các vụ đình công là khi có đình công xảy ra, chỉ có Phó TGĐ người Việt ra đàm phán với người lao động. Phải là TGĐ thì mới có hiệu quả! - Ông Oanh khẳng định.
Trong khi đó, ở góc độ cơ quan đại diện giới sử dụng lao động, ông Phùng Quang Huy - Giám đốc Văn phòng giới sử dụng lao động (VCCI) nhận định: Dự thảo Bộ Luật Lao động sửa đổi xem nhẹ vai trò của người sử dụng lao động, trong khi đó lại quy định thái quá tới vai trò của công đoàn cấp trên. Ông Huy cho rằng, Ban soạn thảo cần thiết kế lại chương quy định về tranh chấp lao động. Cũng theo ông Huy, trong Bộ Luật lao động mới, các DN đang kiến nghị xem xét nếu người lao động nghỉ 3 ngày không lý do, chủ sử dụng lao động có quyền sa thải (trước kia là 7 ngày) và khả năng sẽ được thông qua.
Một thành viên của Ủy ban QHLĐ cho biết, UB đang nỗ lực cùng Ban soạn thảo để có một chế định cụ thể để điều chỉnh các vấn đề liên quan tới đình công hiện nay. Uỷ ban QHLĐ cũng đang phối hợp với Hiệp hội DN Nhật Bản để xây dựng mối QHLĐ hài hòa trong các DN Nhật Bản. Đây là mô hình tốt để các cộng đồng DN khác có thể học hỏi kinh nghiệm. Vị chuyên gia này cho biết, thời gian tới sẽ thành lập Uỷ ban QHLĐ ở một số tỉnh, thành có nhiều DN và khu CN, dự kiến thí điểm ở Hà Nội, TP HCM, Đà Nẵng. Nhiệm vụ chính là tư vấn cho lãnh đạo tỉnh trong việc ban hành các chính sách, phối hợp tuyên truyền, hỗ trợ các đối tác trong DN, giải quyết các cuộc đình công xảy ra không đúng trình tự pháp luật quy định...
Các chuyên gia nhận định, cùng với Bộ Luật Lao động và Luật công đoàn sửa đổi, việc thành lập Uỷ ban QHLĐ tại các tỉnh được kỳ vọng là sẽ làm giảm thiểu các vụ đình công bất hợp pháp, làm hài hoà mối QHLĐ trong DN và tạo môi trường thông thoáng cho các nhà đầu tư.
(Theo Quốc Anh // Diễn đàn doanh nghiệp)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com