Dù đã được minh oan, ông Lương Ngọc Phi vẫn chưa được đền bù thỏa đáng |
- Xin ông điểm lại hành trình giải oan của mình?
Do thương lượng với TAND tỉnh Thái Bình không thành, tôi khởi kiện ra TAND Thành phố Thái Bình yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình, VKSND tỉnh Thái Bình, cơ quan công an tỉnh Thái Bình bồi thường toàn bộ thiệt hại. Ngày 2/6/2006, tôi có đơn khởi kiện 3 cơ quan tố tụng tỉnh Thái Bình tới TAND Thành phố Thái Bình yêu cầu bồi thường cho tôi tổng thiệt hại hơn 35 tỷ đồng. Ngày 21/7/2009, TAND Thành phố Thái Bình đã tách vụ kiện đòi bồi thường thiệt hại đối với tôi thụ lý thành 2 vụ án.Vụ thứ nhất: Kiện yêu cầu TAND tỉnh Thái Bình bồi thường thiệt hại do thu nhập thực tế bị mất, thiệt hại về sức khỏe bằng 870 triệu đồng. Vụ thứ hai: Kiện yêu cầu TAND, VKSND, Công an tỉnh Thái Bình bồi thường hơn 35 tỷ đồng do thiệt hại về tài sản và thiệt hại do không được khai thác từ tài sản.
Ngày 21/7/2009, TAND Thành phố Thái Bình đã đưa vụ án thứ nhất ra xét xử, buộc TAND tỉnh Thái Bình bồi thường cho tôi 666 triệu đồng do thiệt hại thu nhập thực tế bị mất, và thiệt hại do sức khỏe giảm sút. Bản án đã có hiệu lực pháp luật. Từ đó đến nay đã gần một năm trôi qua nhưng TAND tỉnh Thái Bình và các cơ quan chủ quản của TAND tỉnh Thái Bình chưa trả tôi một đồng nào mà không đưa ra bất cứ một lý do nào.
- Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước chính thức có hiệu lực từ 1/1/2010, nhưng đến thời điểm hiện tại vẫn chưa có các văn bản hướng dẫn thực hiện. Điều này có ảnh hưởng như thế nào đến hoạt động bồi thường oan sai, trong đó có trường hợp của ông?
Tôi nghĩ việc nhanh hay chậm một vài tháng không quan trọng bằng việc các văn bản đó có làm rút ngắn quá trình giải oan cho những người bị oan sai hay không. Các văn bản đó phải tạo được hành lang pháp lý để giải quyết dứt điểm các vụ việc còn tồn đọng cũng như những vụ việc phát sinh trong tương lai. Vụ việc của tôi sở dĩ kéo quá dài là do những quy định trong các văn bản trước đây chưa rõ ràng, mang nhiều thủ tục hành chính, gây khó khăn cho cả bên được bồi thường và phía cơ quan phải bồi thường. Vì vậy, các văn bản hướng dẫn phải thể hiện được sự chặt chẽ và dễ áp dụng trong thực tiễn.
- Theo ông, để đẩy nhanh quá trình giải oan cho người bị oan các văn bản hướng dẫn cần tập trung vào những vấn đề gì?
Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước với mục tiêu là tạo cơ chế pháp lý mới, đồng bộ và hiệu quả để người bị thiệt hại được thực hiện tốt hơn quyền được bồi thường của mình đối với những thiệt hại do hành vi trái luật. Vì vậy, khi các cơ quan liên ngành ra thông tư hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của nhà nước cần phải nghiên cứu kỹ những điều bất lợi của Nghị quyết 388 đối với người bị oan.
Thông tư hướng dẫn Luật Trách nhiệm bồi thường của Nhà nước cần phải “hóa giải” những điều bất lợi của Nghị quyết 388 đối với người bị oan. |
Cụ thể là ở phần thương lượng. Những thiệt hại hai bên đã thỏa thuận xong thì phải trả ngay cho người bị hại, những phần thương lượng không thành thì người bị thiệt hại có quyền yêu cầu tòa án giải quyết tiếp. Đối với người bị tù oan thì phải bồi thường cho khoản tiền thuê luật sư, tiền thăm nuôi, mà chính họ và gia đình họ đã phải bỏ ra trong suốt quá trình bị giam giữ, bị xét xử. Ngoài ra người bị tù oan, bị giam giữ thì sức khỏe bị giảm sút, bệnh tật phải gánh chịu lâu dài, vì vậy cần phải quy định bồi thường cho họ một khoản tiền bồi dưỡng sức khỏe tối thiểu để người bị oan nhanh chóng phục hồi sức khỏe trở lại cuộc sống bình thường (thực tế những người bị oan sau khi được trả lại tự do đã phải bỏ một khoản tiền ra để bồi dưỡng sức khỏe thì mới có sức khỏe trở lại cuộc sống bình thường được). Các văn bản hướng dẫn thi hành cũng cần quy định một cách chi tiết, cụ thể, tránh tạo ra những cách hiểu khác nhau dẫn đến cảnh đùn đẩy trách nhiệm giữa các cơ quan tố tụng. Đồng thời phải giảm bớt các thủ tục hành chính.
Đặc biệt trong điều khoản chuyển tiếp Luật trách nhiệm bồi thường của nhà nước, những trường hợp đang thụ lý trong Nghị quyết 388 bị bất lợi thì áp dụng những điều luật có lợi cho người thiệt hại trong Luật Bồi thường trách nhiệm của nhà nước mà Nghị quyết 388 chưa hoàn thiện, có như vậy mới đem lại công bằng cho người bị thiệt hại, người bị oan.
Ngày 1/5/1998, ông Lương Ngọc Phi, Giám đốc Công ty TNHH Khai thác chế biến nông hải sản xuất khẩu Hòa Bình bị bắt với tội danh ''lạm dụng tín nhiệm chiếm đoạt tài sản XHCN''. Theo cơ quan điều tra, Công ty Hòa Bình đã vay của Chi nhánh Ngân hàng Công thương Thái Bình trên 4 tỷ đồng mà không có khả năng chi trả, cấu thành tội chiếm đoạt tài sản XHCN. Ông bị khởi tố thêm tội ''trốn thuế'' 400 triệu đồng. Ông Lương Ngọc Phi bị xét xử với tổng mức án tuyên là 17 năm tù. Sau khi tòa tuyên án, toàn bộ tài sản của Công ty Hòa Bình bị phát mại. Năm 2000, TAND Tối cao phúc thẩm tuyên ông không phạm tội ''lạm dụng...''. Năm 2003, VKSND tỉnh Thái Bình quyết định đình chỉ vụ án ''trốn thuế'' vì Công ty Hòa Bình chỉ thiếu… 4 triệu đồng thuế. Sau 1.066 ngày ngồi tù, doanh nhân Lương Ngọc Phi được thả. Phải mất tới 3 năm sau, năm 2006, TAND tỉnh Thái Bình mới tổ chức việc xin lỗi công khai đối với ông và tiến hành thương lượng bồi thường. |
(Theo Phan Long // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com