Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Tù mù khô mực “đểu”

Người tiêu dùng đang hoang mang trước thông tin có nhiều loại khô mực được “chế” từ nguyên liệu cellulose và xurimi

Tại chợ Đồng Xuân, nơi bán hàng khô nhiều nhất Hà Nội, tiểu thương cho biết gần đây họ có nghe nói về loại khô mực “đểu” nhưng không biết nó thế nào và có gì khác biệt so với khô mực thật không.


Buôn bán mực xé không nhãn mác tại khu vực chợ Bình Tây, quận 6-TPHCM.
Ảnh: Long Giang

Khó phân biệt thật - giả

Chủ cửa hàng Hải Linh chuyên bán các loại hải sản khô ở chợ Đồng Xuân (Hà Nội) cho biết cửa hàng bán 6 - 7 loại khô mực, có cả loại mực xé tẩm gia vị. Sản phẩm của Trung Quốc được nhập về từ nhiều nguồn, giá chỉ 160.000 đồng/kg, rẻ hơn khô mực VN từ 40.000 đến 240.000 đồng/kg, tùy loại. Theo chủ cửa hàng này, khô mực Trung Quốc dù rẻ nhưng thơm ngon không kém và hoàn toàn không dai. Chủ cửa hàng đưa cho chúng tôi nếm thử loại khô mực xé Trung Quốc đóng gói đơn giản trong một túi ni lông không nhãn mác. Rất khó khăn để chúng tôi có thể phân biệt được loại mực này là thật hay “đểu” bởi sợi dai và ăn khá ngon.

Một số người bán mực nướng trên phố Hàng Bồ, quận Hoàn Kiếm - Hà Nội cũng cho biết có nghe thông tin về khô mực “đểu” nhưng họ rất tù mù, không thể phận biệt thật - giả.

Ở TPHCM, một số chợ tại quận 3, 5, 6, Bình Thạnh bán khá nhiều loại khô mực xé. Chợ đầu mối Bình Tây có đến vài chục sạp bán loại hàng này. Khô mực xé có 2 loại đậm và nhạt màu. Loại đậm màu có sợi xé nhỏ, mỏng, vị cay mà người bán giới thiệu là tẩm cà ri, giá 100.000 - 110.000 đồng/kg. Loại nhạt màu không cay, sợi xé to hơn, giá 120.000 - 130.000 đồng/kg. Các tiểu thương cho biết khô mực xé tiêu thụ khá mạnh do rẻ hơn nhiều khô mực nguyên con.

Khô mực xé ở các chợ TPHCM đều thuộc dạng hàng xá, không có bao bì, nhãn mác. Hàng được bày bán trong thau, mâm hoặc đựng trong túi nhựa. Tại một sạp, khi chúng tôi dọ hỏi nguồn gốc thì bà chủ gằn giọng: “Mực ở đâu cũng vậy, đều tẩm hóa chất”. Các sạp khác cũng nói chung chung là có mối lái đến giao hàng tận sạp, họ không biết những người này ở đâu.

Nhiều cách “chế” khô mực

Theo PGS-TS Nguyễn Công Thành, Viện Công nghệ Thực phẩm ĐH Bách khoa Hà Nội, để biết khô mực xé làm bằng chất liệu gì thì cần phải xét nghiệm. Tuy nhiên, ông Thành cho rằng nếu loại mực này được sản xuấttừ cellulose, sau đó cán ép lại thì không gây nguy hiểm cho người sử dụng, chỉ không có giá trị dinh dưỡng. Cellulose là một nguyên liệu vẫn thường được dùng trong công nghiệp thực phẩm, có thể được tổng hợp từ tinh bột hoặc từ nhiều nguồn bã nguyên liệu khác nhau như củ sắn dây, bột sắn.

Ngoài cellulose, theo PGS-TS Nguyễn Công Thành, khô mực xé có thể làm từ xurimi, tức được chế biến từ thịt cá xay (có thể cá vụn), sau khi sơ chế mất hết mùi tanh rồi tẩm ướp và ép lại. “Vì làm từ thịt cá nên loại mực này vẫn có hàm lượng protein nhưng nó vẫn được coi là mực giả. Chính vì giá thành của những chất liệu như cellulose và xurimi khá rẻ nên lợi nhuận từ những sản phẩm được làm giả này là rất lớn. Đáng quan tâm là ngoài cellulose hay xurimi, ai dám chắc rằng loại mực này không chứa những chất bảo quản khác có thể gây hại cho cơ thể?” - TS Thành nghi ngờ.

Nhiều người còn lo ngại khô mực xé được làm từ mực hư, thối, xử lý hóa chất, trộn với cellulose để tạo ra mùi vị đặc trưng để giảm chi phí, tăng lợi nhuận. Điều này sẽ ảnh hưởng nghiêm trọng đến sức khỏe người tiêu dùng.

Ông Nguyễn Việt Cường, Chánh Thanh tra Sở Y tế Hà Nội, cho biết các cơ quan chức năng TP đã lấy một số mẫu khô mực xé để xét nghiệm. Trong khi đó, Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cũng cho biết đã nhận được thông tin về loại khô mực “đểu” và đang chỉ đạo cơ quan chức năng khẩn trương xét nghiệm các mẫu khô mực để công bố kết quả trong thời gian sớm nhất.

Âu lo nước cam “kích dục”

Bộ Y tế Malaysia vừa phát hiện một nhà máy ở Kembangan, bang Selangor phân phối nước cam ép đóng gói có pha trộn thiosildenafil - một chất gây cương dương tương tự sildenafil hoặc viagra nhưng được xem là nguy hiểm hơn 2-5 lần. Uống vào, chất này có thể gây chóng mặt, buồn nôn, đau bụng, thậm chí đột tử.

Có thông tin cho rằng sản phẩm nước cam ép “kích dục” xuất xứ từ Malaysia này đã được nhiều nước nhập về. Tại VN, theo khảo sát của phóng viên Báo NLĐ, nhiều loại sản phẩm nước cam ép đóng hộp xuất xứ từ Malaysia bán nhan nhản ở khắp nơi. Nhiều người biết được thông tin về loại nước cam “kích dục” đã tỏ ra rất hoang mang, lo lắng; trong khi cũng có không ít khách hàng hết sức vô tư vì chưa nghe gì đến chuyện này.

Tại TPHCM, quầy hàng nhập khẩu của siêu thị BigC Miền Đông bày bán sản phẩm nước cam ép từ Malaysia mang nhãn Orange Juice Sundrin và nước cam cô đặc Corial Orange. Siêu thị Maximark trên đường 3 Tháng 2 cũng có 3 nhãn hàng nước cam ép xuất xứ từ Malaysia là Fresgo, Orange Cordial và Orange Juice Drink. Anh Lê Tấn Dương, một khách hàng tại siêu thị BigC, cho biết anh có nghe thông tin về nước cam “kích dục” trên internet. Anh lo lắng: “Dù rất thích uống nước cam ép nhưng tôi tạm thời không dám mua các sản phẩm nhập từ nước ngoài nữa để chờ thông tin chính thức từ cơ quan chức năng”.

Tại một số siêu thị ở Hà Nội, sản phẩm nước cam ép nhập khẩu khá phong phú, trong đó có cả hàng từ Malaysia. Tại siêu thị Intimex trên đường Lý Thái Tổ - Hà Nội, một khách hàng tên Phương tỏ ra ngỡ ngàng khi được chúng tôi cho biết thông tin về nước cam ép “kích dục” từ Malaysia. Anh Phương lo ngại: “Có lẽ tôi sẽ cân nhắc khi chọn mua các sản phẩm nhập khẩu nữa”.

Trao đổi với phóng viên Báo NLĐ chiều 9-4, một cán bộ Cục An toàn Vệ sinh thực phẩm - Bộ Y tế cho biết ngành y tế sẽ kiểm tra xem loại nước cam ép “kích dục” từ Malaysia đã xuất hiện ở VN chưa.

Ngọc Dung - Kim Hương - Ngô Sinh

(Theo Ngọc Dung – Nguyễn Hải // Nguoilaodong Online)

  • “Không nên có nhiều công ty định mức tín nhiệm”
  • Doanh nghiệp muốn nộp thuế đất cũng khó
  • Kinh doanh du thuyền trên vịnh Hạ Long: “Mắc cạn” vì... hướng dẫn
  • Doanh nghiệp trọng tòa hơn trọng tài
  • Nhiều kẽ hở từ dự thảo Luật Hải quan
  • Phá rừng đặc dụng ở Kim Hỷ và Ba Bể là đặc biệt nghiêm trọng
  • Vụ nhà đài độc quyền, thiệt người hâm mộ: Làm tiền từ kênh miễn phí ?
  • Khu công nghiệp phớt lờ bảo vệ môi trường: Cần xử lý nghiêm
  • 5 yêu cầu bắt buộc khi phát sóng trên Vinasat-1
  • Khi giá sữa bột rẻ như... nước
  • Chính sách khoan hồng - Công cụ hữu hiệu khám phá các thỏa thuận hạn chế cạnh tranh[1]
  • A dua tăng giá: Nghiêm trị
  • Bức bối hàng gian, hàng giả
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • Các chiêu lừa đảo trực tuyến dịp cuối năm
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 1)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 2)
  • Trận chiến chống rửa tiền (bài 3)
  • Lương chủ tịch, tổng giám đốc cao hay thấp ? Lương hay lậu ?
  • Nấm linh chi: Thật giả khó lường
  • Hàng trên mạng: Tin là... “chết”!
  • Thép Đông Nam Á bị cáo buộc vi phạm thương hiệu VNSTEEL
  • Hành vi chậm nộp hồ sơ đăng ký thuế bị xử lý như thế nào?
  • Trục lợi bảo hiểm: Muôn hình vạn trạng
  • Quyền khởi kiện thành viên HĐQT, giám đốc
  • Thuế thu nhập cá nhân khi chuyển nhượng bất động sản: 2% hoặc 25%