Một chiếc Hummer trên đường phố Hà Nội |
Có ít nhất 10 chiếc Hummer H2 – một thương hiệu xe danh tiếng, niềm ao ước của rất nhiều tay chơi xế hộp – được nhập khẩu vào Việt Nam một cách khá lắt léo, với mục đích rất rõ ràng là lách thuế.
Khi kiểm tra rà soát số liệu xuất nhập khẩu, Cục Hải quan Hải Phòng bất ngờ phát hiện việc phân loại, áp mã tính thuế cho chiếc xe Hummer H2 do Mỹ sản xuất giữa các chi cục trong đơn vị có sự không thống nhất. Thực tế chiếc xe này được xem là xe ô tô chở người loại 7 chỗ ngồi - nói cách khác là xe du lịch. Theo đó, loại xe này được áp mã tính thuế 8703 “xe ô tô và các loại xe khác có động cơ được thiết kế chủ yếu để chở người, kể cả xe chở người có khoang hành lý riêng và ô tô đua”.
Xe tăng?
Tuy nhiên lại có doanh nghiệp khai báo (và được cơ quan hải quan áp mã tính thuế) vào mã số 8710 “Xe tăng và các loại xe chiến đấu bọc thép, xe cơ giới có hoặc không lắp kèm vũ khí và bộ phận của các loại xe này”. Điểm quan trọng nhất của việc áp hai mã số khác nhau cho loại xe này là sự chênh lệch về mức thuế suất. Nếu áp vào mã 8703, loại xe này phải chịu thuế nhập khẩu ở mức 100% hoặc 83% (tùy thời điểm); phải chịu thuế tiêu thụ đặc biệt. Trong khi đó, nếu áp ở mã 8710, loại xe này có mức thuế nhập khẩu là 0% và không chịu thuế tiêu thụ đặc biệt.
Đơn cử trường hợp Công ty cổ phần đại lý Ford Thủ đô (Cty Ford Thủ đô). Từ năm 2006 đến năm 2008, công ty này đã nhập khẩu 10 chiếc xe ô tô hiệu Hummer 2 Luxury 7 chỗ dung tích 6000cc (ủy thác cho Tổng cục Hậu cần - Bộ Công an). Doanh nghiệp này đã “khôn khéo” khai báo, áp mã tính thuế mặt hàng này vào nhóm 8710 để được hưởng mức thuế nhập khẩu là 0%. Ước tính với 10 chiếc xe này, nhờ khai báo là “xe tăng” và được hải quan chấp nhận, Ford Thủ đô đã tránh được việc phải trả khoảng 37,8 tỷ đồng tiền thuế nhập khẩu và 23,7 tỷ đồng thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc có thể biến xe du lịch thành “xe tăng, xe chiến đấu” của công ty này dựa trên hai “bảo bối”. Ngày 17/5/2006, Bộ Công an có công văn số 800/BCA (V22) gửi Bộ Tài chính đề nghị hướng dẫn phân loại áp mã tính thuế cho cho mặt hàng xe bọc thép chống đạn, chống bạo loạn loại RAM 2000 MKIII do Israel sản xuất và Hummer H2 Lu-2006 do Mỹ sản xuất. Và thế là ngày 14/6/2006 Bộ Tài chính đã có công văn số 7310/BTC-CST trả lời: các mặt hàng nói trên thuộc mã 8710 có thuế nhập khẩu là 0% và “không thuộc đối tượng chịu thuế tiêu thụ đặc biệt”.
Nhờ đó mà 10 chiếc Hummer H2 do Cty Ford Thủ đô nhập về đã không phải trả bất cứ loại thuế nào.
Thực tế đã rõ
Căn cứ vào hợp đồng thương mại mà Cty Ford Thủ đô trình cơ quan hải quan, 10 chiếc xe nói trên do Hãng Hummer thuộc Tập đoàn General Motor (Mỹ) sản xuất và Tập đoàn International Armoring Corporation (Mỹ) thực hiện việc bọc vật liệu chống đạn cho xe. Tham khảo chú giải HS đối với nhóm 8710 thì “nhóm này không bao gồm các xe hơi, xe tải loại thông thường được bọc thép mỏng hoặc trang bị bọc thép phụ có thể tháo rời ra được”. Như vậy, theo Cục Hải quan Hải Phòng, việc áp mã 8710 cho loại xe Hummer H2 nói trên là không đúng.
Cục Hải quan Hải Phòng cho rằng hướng dẫn của Bộ Tài chính tại công văn số 7310/BTC-CST không thống nhất với chú giải HS. Thực tế mặt hàng do Ford Thủ đô nhập khẩu là xe chở người thông thường, vẫn phải nộp thuế nhập khẩu, thuế tiêu thụ đặc biệt. Trên thực tế, hầu hết doanh nghiệp nhập khẩu ủy thác các loại xe tương tự (như xe thu tín hiệu dùng cho an ninh, quốc phòng, có cơ sở là xe ô tô thông thường) cho Bộ Công an, Bộ Quốc phòng đều thực hiện đúng phân loại áp mã tính thuế theo xe chở người rồi làm thủ tục xin miễn thuế nhập khẩu, giá trị gia tăng và thực hiện nộp thuế tiêu thụ đặc biệt.
Việc áp mã tính thuế không thống nhất với mặt hàng ô tô nhập khẩu nói trên được xem là tạo kẽ hở cho các doanh nghiệp lợi dụng lách thuế!
(Theo Nguyễn Hà // Báo Doanh nhân)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com