Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (15): Appalachia và Ozark - Phần 1

Chương 7: APPALACHIA VÀ OZARK

Vùng cao Appalachia, trải dài từ New York tới Alabama, và vùng núi Ozark-Ouachita bị chia cắt bởi một vùng đất có chiều rộng khoảng 400 km. Thực chất, chúng là hai bộ phận tách rời của một khu vực tự nhiên duy nhất, có chung đặc điểm địa hình và sự kết hợp đặc biệt chặt chẽ giữa địa hình và việc định cư của con người.

Khi đặt chân lên bờ biển của nước Mỹ thuộc địa, những người đến lập nghiệp đã được nghe các câu chuyện kể về dãy núi cao hùng vĩ trải dài về phía tây. Đi sâu vào vùng đó, họ khám phá ra rằng độ cao của những núi này đã được cường điệu lên. Chỉ tại một vài khu vực nhỏ trên vùng Appalachia và Ozark, người ta mới có thể tiếp cận được với quang cảnh đầy ấn tượng, rất phổ biến ở miền Tây.

Tuy nhiên, hầu hết những người quan tâm đến hiện tượng trên đều nhất trí rằng có thể nói phần lớn địa hình của Appalachia và Ozark là núi. Chênh lệch độ cao giữa núi và thung lũng trong vùng vượt quá 500 m, có nơi trên 1000 m. Sườn núi thường rất dốc.

Địa lý nhân văn vùng Appalachia có mối quan hệ chặt chẽ với địa hình nơi đây. Nếu không có núi, Appalachia chỉ là bộ phận của một khu vực gồm vài vùng tiếp giáp với nhau, như Deep South chẳng hạn. Nhưng nhờ có núi, Appalachia và Ozark tồn tại với tư cách là một khu vực của nước Mỹ, rất khác biệt và có thể nhận biết được.
 


Một địa hình đa dạng

Appalachia bao gồm ít nhất ba vùng địa hình. Những tiểu vùng này tạo thành các vành đai chạy song song gần như từ Đông Bắc sang Tây Nam.

Vành đai xa nhất về phía đông là Blue Ridge. Được tạo nên bởi lớp đá cổ Precambrian, nó đã từng bị bào mòn dữ dội và độ cao hiện nay của vành đai này chỉ bằng một phần nhỏ độ cao vốn có của nó. Vùng Piedmont trên vùng đất thấp nam Đại Tây Dương tiếp giáp với Blue Ridge dọc theo sườn đông của dãy Appalachia, từ New York tới Alabama.

Nhìn chung, Blue Ridge có độ cao và chiều rộng tăng dần từ bắc xuống nam. Phía nam, đặc biệt là Nam Roanoke thuộc bang Virginia, là nơi núi non trùng điệp nhất vùng Appalachia. Từ Piedmont sang Blue Ridge, độ cao thường thay đổi nhiều và đột ngột. Trên địa phận bang Pennsylvania và bang Virginia, Blue Ridge tạo thành một dãy núi hẹp chạy giữa Piedmont và Great Valley (Thung lũng Lớn) sang phía tây; dọc theo ranh giới Bắc Carolina-Tennessee, nó lại mở ra rộng tới 150 km.

Đi về phía tây của Blue Ridge sẽ bắt gặp một bộ phận gồm thung lũng và dải núi hẹp. Nó nằm trong một khu vực rộng mênh mông được cấu tạo bởi những tầng đá trầm tích ở giữa Blue Ridge và Rocky Mountains. Rìa phía đông của những lớp đá này đã bị gãy, nứt nghiêm trọng khiến cho địa hình có dạng thẳng chứ không lồi lõm khúc khuỷu.

Vùng thung lũng và dải núi hẹp này rộng trung bình khoảng 80 km. Các dải núi khá nhiều và thường cao hơn các thung lũng phân cách chúng từ 100 đến 200 m. Sống núi ít khi bị gián đoạn và nếu có thì đó thường là những nơi có sông chạy cắt ngang. Các thung lũng với chiều rộng khoảng vài kilômet cung cấp một phần đất nông nghiệp tốt nhất ở Appalachia. Núi được cấu tạo bởi diệp thạch và sa thạch tương đối trơ, còn bề mặt các thung lũng thường được lót một lớp đá vôi.

Nằm giữa Blue Ridge và dải núi đầu tiên là Great Valley. Chạy dọc theo chiều dài của gần như toàn bộ vùng Appalachia, Great Valley (mà hầu như trên toàn vùng, nó gồ ghề chứ không phẳng) về mặt lịch sử là một trong những tuyến đường quan trọng ở Mỹ, và chính nó đã ràng buộc con người nơi đây với nhau mạnh hơn bất cứ một yếu tố tự nhiên nào khác ngoại trừ chính các dãy núi.

Phần xa nhất về phía tây của Appalachia là Cao nguyên Appalachia. Tiếp giáp với nó về phía đông là một khu vực đất dốc được gọi là Allegheny Front - hàng rào quan trọng nhất ngăn cản sự di chuyển từ hướng tây vào khu vực miền Đông của Rocky Mountains. Địa hình khu vực này chủ yếu được tạo thành bởi sự bào mòn liên tục lớp nền bằng phẳng trong vùng đất thấp nội địa. Hiện tượng xói mòn đã để lại một địa hình gồ ghề, hỗn tạp với các thung lũng hẹp được bao quanh bởi những sườn núi dựng đứng và sắc nhọn. Bộ phận phía bắc của Allegheny, nằm trên địa phận New York và Pennsylvania, có địa hình thoai thoải và đỡ gồ ghề hơn. Ngoài một số khu vực nhỏ hẹp, những bề mặt bằng phẳng là rất hiếm. Hầu hết các cộng đồng dân cư buộc phải sống chen chúc trên những khoảnh đất hẹp bằng phẳng trong các thung lũng.

Vùng cao Ozark-Ouachita, nếu chiếu theo cách phân vùng theo địa hình, thì hoàn toàn tương tự như Appalachia, chỉ khác là các vành đai chạy theo hướng đông-tây thay vì đông bắc-tây nam. Dãy núi Ouachita chạy về phía nam bao gồm hàng loạt thung lũng và các dãy núi song song và bị đứt đoạn. Chúng bị tách ra khỏi Ozark bởi thung lũng sông Arkansas. Ozark là một vùng gồ ghề, khúc khuỷu, một cao nguyên từng bị xói mòn mạnh có địa hình rất giống với Cao nguyên Appalachia.

Người dân Appalachia

Cho đến tận cuối thời kỳ thuộc địa, khoảng 150 năm kể từ khi Bờ biển phía Đông của Mỹ bị chiếm giữ, những người đến lập nghiệp mới vượt qua vành đai Blue Ridge để tiến vào Cao nguyên Appalachia. Con đường nhỏ dễ dàng nhất và lần đầu tiên được sử dụng để đi tới Great Valley và các dãy núi xa hơn, nằm ở đông nam Pennsylvania, nơi mà vành đai Blue Ridge co hẹp lại thành một dãy đồi không hơn không kém. Đối với nhiều người dân Pennsylvania lúc bấy giờ, vùng núi chạy về phía bắc và tây rất khó sinh sống. Kết quả là họ mở rộng nơi định cư xuống các thung lũng thuộc bang Virginia. Những người trước đó sống ở vùng đất thấp phương nam di cư sâu vào nội địa cũng nhanh chóng theo chân họ.

Sau đó, vào cuối thế kỷ XVIII, dân chúng bắt đầu định cư trong các thung lũng và vịnh nhỏ của khu vực vùng đất cao xung quanh. So với những vùng xa hơn của miền tây, vùng đất họ lựa chọn nghèo nàn hơn. Đất gồ ghề nơi đây cùng với khí hậu vùng cao mát mẻ khiến cho gần như toàn bộ diện tích trong vùng không thích hợp cho việc tạo lập một nền kinh tế đồn điền. Các đồn điền lớn chỉ phát triển được ở một vài vùng đất thấp rộng hơn.

Song, khi những người dân Mỹ định cư tới đây vào cuối thế kỷ thứ 18 và đầu thế kỷ thứ 19 thì vùng đất này có đủ tiềm năng cho việc phát triển các trang trại nhỏ hơn. Một mảnh đất trống, rộng từ 10 đến 20 hecta là tất cả những gì mà một người nông dân có thể xoay xở được. Những mảnh đất kiểu này lại rất sẵn có trong các thung lũng nơi đây. Gỗ bạt ngàn, các loài thú rất nhiều, và chúng có thể gậm cỏ trong rừng hay trên các đồng cỏ trên núi. Theo những tiêu chuẩn của thời đó thì đây là một vùng đất khá tốt và những người nông dân đã nhanh chóng chiếm lĩnh những trái núi.

Theo thời gian, nơi đây dần dần trở nên tách biệt với các vùng đất khác. Khi vùng đất bằng phẳng và màu mỡ hơn ở miền Tây được khai phá và sản xuất ngũ cốc được cơ khí hoá, địa vị kinh tế của các trang trại nhỏ vùng Appalachia ngày càng trở nên thứ yếu. Thậm chí một số con đường nổi tiếng xuyên qua vùng, như Cumberland Gap ở mũi tây của Virginia và đường Wilderness chạy từ đó tới Lòng chảo Bluegrass thuộc Kentucky, cũng ngoằn ngoèo và khó đi.

Giao thông đông-tây giữa vùng bờ biển đông bắc và khu vực Great Lakes được thực hiện thông qua tuyến đường hành lang Mohawk và vùng bờ Hồ Ontario bằng phẳng, do vậy tránh được miền bắc cao nguyên Appalachia. Không có con đường bộ dễ đi nào chạy qua miền Nam Appalachia. Các tuyến đường sắt chính đều đi men theo khu vực này.

Appalachia, đặc biệt là Nam Appalachia, rất chậm chạp trong việc triển khai một mô hình đô thị lớn. Một trong những lý do là vùng này, cũng như các khu vực phía nam còn lại, vẫn chú trọng vào nông nghiệp, là lĩnh vực vẫn tiếp tục phát triển trong khi nhiều nơi khác đã bắt đầu lao vào lĩnh vực chế tạo và lối sống đô thị. Mặt khác, vùng Appalachia có rất ít sản phẩm công nghiệp, đồng thời nhu cầu đối với hàng hóa và dịch vụ cũng hạn chế. Thêm vào đó là tình trạng giao thông thưa thớt cũng là một nguyên nhân.

Sự thiếu vắng các đồn điền và sự phát triển đô thị lớn đã giải thích tại sao hầu như không có thêm người dân nào mới đến định cư ở đây, ngoài những người đến đây từ đầu. Những người này có xu hướng trụ lại nơi họ đã ở, và cùng với thời gian, sự gắn bó của họ với gia đình, với cộng đồng và đất đai ở đây ngày càng sâu sắc. Đặc tính kém lưu động này của khu vực dẫn đến sự phát triển của một bản sắc văn hóa độc đáo không có ở nơi nào khác trên đất Mỹ. Appalachia ngày càng trở nên khác biệt, đơn giản là bởi nó vẫn giữ nguyên như cũ.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (1): Các chủ đề và khu vực - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (2): Các chủ đề và khu vực - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (3): Môi trường tự nhiên - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (4): Môi trường tự nhiên - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (5): Môi trường tự nhiên - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (6): Những nền tảng hoạt động của con người - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (7): Những nền tảng hoạt động của con người - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (8): Khu siêu đô thị - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (9): Khu siêu đô thị - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (10): Khu siêu đô thị - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (11): Vùng trọng điểm chế tạo - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (12): Vùng trọng điểm chế tạo - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (13): Miền đông bị quên lãng - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (14): Miền đông bị quên lãng - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (15): Appalachia và Ozark - Phần 1