Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (8): Khu siêu đô thị - Phần 1

Chương 4: KHU SIÊU ĐÔ THỊ

Vào năm 1961, một nhà địa lý học người Pháp đã cho xuất bản một ấn phẩm đồ sộ nghiên cứu về một vùng đất có mức đô thị hóa cao nằm ở phía đông bắc Hoa Kỳ. Giáo sư Jean Gottmann đã bỏ ra 20 năm ròng nghiên cứu vùng đất kéo dài từ miền nam New Hampshire và bắc Massachusetts tới tận thủ đô Washington (bản đồ 3). Ông cho rằng đây là một "vùng hết sức đặc biệt” và gọi nó với cái tên Siêu đô thị (Megalopolis).

Megalopolis được hình thành dọc theo bờ biển đông bắc của Hoa Kỳ, do sự hợp nhất dần dần các khu vực đô thị lớn, độc lập khi dân số của những thành phố lớn này tăng lên. Các hiệu ứng của tăng trưởng đã tràn vào vành đai bao quanh là những địa điểm nhỏ hơn. Những khu vực ngoại ô lớn hơn nằm trong vành đai này đã góp phần tạo ra sự mở rộng của đô thị tổng thể. Cuối cùng, phần nối dài của các khu vực đô thị lớn mới tạo thành này bắt đầu thâm nhập vào nhau tạo ra một khu vực đô thị hóa rộng lớn.

Chủ đề chính của Megalopolis là “tính đô thị”. Với những mức độ khác nhau các dịch vụ đô thị chu cấp cho hàng triệu người sống trong khu vực này; và các hình thái đô thị không bao giờ tồn tại ở những vị trí xa xôi, hẻo lánh. Hàng ngàn cao ốc văn phòng và căn hộ, những cửa hàng nhỏ, những trung tâm thương mại khổng lồ, những nhà máy và cơ sở tinh chế, các khu dân cư, những trạm bán xăng và quầy bán bánh mì kẹp thịt – xen kẽ với những nhà kho tạm thời chứa các hàng hóa được chuyên chở bởi tàu biển, xe lửa và ôtô tải – tất cả trải dài trên một tuyến đường hơn 800 km của khu vực.

Tuy nhiên Megalopolis cũng có nhiều tuyến không gian xanh. Một số là những công viên và một số là những khu giải trí, với hơn 3 triệu hecta đất được sử dụng cho canh tác.
 


Mặc dù có sự pha trộn về tính chất của Megalopolis, tầm quan trọng đặc biệt của khu vực đối với Hoa Kỳ chính là sự hiện diện của các khu đô thị lớn. Vào năm 1990, mười trong số 46 đô thị lớn có số dân vượt trên 1 triệu người nằm ở Megalopolis. Khu vực này chiếm tới 17% dân số nước Mỹ – trên một lãnh thổ chỉ vẻn vẹn 1,5% diện tích toàn liên bang.

Thu nhập bình quân đầu người cao, và một tỷ lệ nhân công trong các nghề mang tính chuyên môn cao và những nghề “văn phòng” cao hơn nhiều so với mức trung bình. Các hoạt động vận tải và truyền thông rất sôi động một phần do vùng nằm ở vị trí bờ biển thuận lợi. Khoảng 40% các cảng hàng không thương mại quốc tế có trụ sở ban đầu tại Megalopolis. Khoảng 30% khối lượng hàng xuất khẩu của Mỹ quá cảnh tại 6 hải cảng chính của vùng.

Vị trí địa lý của Megalopolis

Tại sao có một khu vực đặc biệt của Hoa Kỳ lại phát triển đến như vậy? Bất cứ khi nào một nhà địa lý học đặt ra câu hỏi này, thì khía cạnh đầu tiên của khu vực đang được quan tâm thường là vị trí của nó. Và trên thực tế, trong trường hợp Megalopolis, vị trí và địa thế của khu vực đô thị rộng lớn này là đầu mối để tìm đến nguồn gốc và sự phát triển của nó.

Nhiều trong số các đặc trưng về vị trí địa lý có thể nhận thấy thông qua các đường ranh giới của khu vực. Nằm trên một vùng bờ biển, rìa phía đông của Megalopolis rất phức tạp. Các bán đảo nhô ra Đại Tây Dương. Nhiều đảo nằm rải rác dọc bờ biển, một số đảo đủ lớn để trở thành nơi cư trú của các cộng đồng. Nhiều vịnh và cửa sông nằm sâu trong đất liền, hình ảnh phản ảnh sự thâm nhập của đất liền ra đại dương. Đường bờ biển có dạng cài răng lược này đã mang thêm nhiều phần của đất liền đến gần với đại dương hơn, và bằng cách đó đã tạo ra những cơ hội lớn hơn cho việc tiếp cận tới hệ thống giao thông thủy rẻ tiền, so với một bờ biển phẳng.

Cần phải có cả những cảng có chất lượng cao, và Megalopolis cũng có một số trong nhiều hải cảng tự nhiên tốt nhất của Mỹ. Nửa phía bắc của Megalopolis từng bị băng phủ trong suốt thời kỳ Băng hà gần đây nhất. Khi lớp mặt băng bắt đầu tan, những dòng chảy lớn được hình thành. Sức xói mòn của những con sông này đã cắt mạnh vào những vùng đất bờ biển thấp bằng phẳng. Khi mực nước biển dâng lên, những thung lũng sông thấp hơn bị chìm xuống và trở thành các cửa sông, và mép biển chuyển dịch vào trong đất liền. Thung lũng của các dòng sông băng này đã tạo thành những cảng mà sau này đã tỏ ra vô cùng hữu ích cho sự phát triển của Megalopolis.

Một đóng góp quan trọng khác của Kỷ Băng hà có biểu hiện cụ thể hơn đối với một vài địa phương. Khi băng tan, một khối lượng lớn đất đá và các mảnh vụn vỡ được tích đọng lại từ trước đó đã chất đống lại dưới dạng trầm tích. Một loạt các dải đất hẹp được hình thành khi các núi băng tan đi, ngay ở phía nam của vùng đất mà hiện nay là bờ biển Connecticut. Khi mực nước biển dâng lên, những khối trầm tích này phát triển thành một hòn đảo, và nó được mở rộng nhờ sự bồi đắp của đại dương. Tuy nhiên, hòn đảo đã không được tạo ra đủ rộng, khiến cho nó không thể mang bất kỳ một cái tên nào khác, trừ cái tên là Đảo Dài (Long Island).

Long Island đã tăng cường chất lượng cảng New York trên hai phương diện. Trước hết, chiều dài của vùng bờ dành cho các thiết bị cảng vốn đã đáng kể dọc theo sông Husdon, lại được tăng thêm một phần không nhỏ. Thứ hai, khi một vùng đô thị tăng trưởng xung quanh khu cảng lớn và đã phát triển đầy đủ này, thì sự tăng trưởng đó đòi hỏi phải có thêm không gian. Những vùng đất thuận lợi cho việc mở rộng diện tích đô thị của New York bị giới hạn ở phía tây sông Husdon trên phần đất của New Jersey do sình lầy thủy triều và các dải núi cầm cự được với xói mòn của Palisades (hàng rào bằng đá dốc đứng dọc bờ sông). Về phía đông sông Husdon chỉ có một dải đất hẹp là đảo Manhattan. Nhưng ở bên ngoài sông Đông là đảo Long Island, một vùng đất tương đối phẳng, không có các đầm lầy cản trở của New Jersey. Các khu vực hành chính Brooklyn và Queen phát triển khá sớm tại mũi phía tây của Long Island, và hòn đảo này đã đem đến nhiều cơ hội cho sự phát triển đô thị hơn nữa về phía đông của New York.

Mặc dù Megalopolis có nhiều hải cảng chất lượng cao, song một vài đặc trưng địa hình khác cũng đóng góp không nhỏ vào sự phát triển kinh tế đô thị của khu vực. Khí hậu ở đây không hẳn là ấm áp, mặc dù mùa hè tương đối dài và ẩm ướt thích hợp cho sự phát triển của nông nghiệp. Đất nông nghiệp có nhiều loại, đất thuộc Baltimore, Maryland và Philadelphia, Pennsylvania tốt hơn nhiều so với đất ở phần lớn các vùng gần New York hơn.

Những đặc trưng chung về địa hình của Megalopolis phần phía nam New York còn đem lại những lợi ích khác về mặt cảnh quan đô thị. Đi từ bờ biển Đại Tây Dương vào đất liền, một vùng ven biển bằng phẳng được tiếp nối bởi một cảnh quan nhấp nhô đồi núi gọi là Piedmont. Những độ cao biến đổi bất quy tắc của Piedmont được tạo bởi một lớp đá già rất cứng. Bề mặt này chống chọi với xói mòn và giữ cho Piedmont luôn được cao hơn vùng bình nguyên ven bờ. Chính vì thế, ở bất cứ chỗ nào có các con sông chảy qua Piedmont, một loạt ghềnh và thác nhỏ được hình thành dọc theo một tuyến bám sát đường ranh giới tự nhiên, thường được gọi là dãy thác.

Những người định cư ban đầu đã nhận thấy dãy thác là một vật cản lớn trong giao thông đường thủy nhưng cũng là một nguồn thủy điện ngay trước mắt. Các khu định cư đã hình thành dọc theo dãy thác, tiến sâu vào lục địa đến mức còn có thể, nhưng vẫn bám lấy đường tiếp cận với phương tiện vận tải biển. Thêm vào đó, vì dãy thác thường là trung tâm giao thông đường thuỷ, nên hàng hóa được chở vào nội địa hoặc đem đi xuất khẩu đều phải bốc dỡ tại đây để chuyển đổi phương tiện vận tải. Khu vực này cũng thu lợi từ các hàng hóa xuất khẩu vận chuyển từ nội địa tới các đầu mối vận tải đường sông. Trong nhiều trường hợp các cơ sở chế tạo cũng được tiến hành tại đây.

Phần đất này của Bắc Mỹ cũng nằm trên hoặc gần tuyến đường biển trực tiếp nhất giữa châu Âu và đồn điền sản xuất của các thuộc địa vùng Caribê và vùng phía nam nước Mỹ, ít nhất cũng là trên chuyến trở về. Do đó, những cảng mà sau này thuộc về Megalopolis trở thành nơi dừng chân lý tưởng, chúng đã đóng góp tích cực cho thương mại xuyên đại dương vốn đã mở mang nhanh chóng trong các thế kỷ XVIII và XIX.

Một yếu tố quan trọng đóng góp vào sự tăng truởng của khu vực này là vị trí địa lý của các thành phố chính trong tương quan với phần nội địa của đất nước. Philadelphia và Baltimore tăng trưởng nhanh hơn vì hai thành phố này đều là trung tâm của một vùng nông nghiệp có chất lượng cao và quy mô tương đối lớn. Những tuyến đường vào nội địa được xây dựng từ rất sớm đã thúc đẩy các chức năng thương mại của cả hai thành phố. Từ Boston đi vào nội địa, đất trồng trọt quá mỏng và nhiều đá, địa hình cũng khá gồ ghề, không thích hợp cho phát triển nông nghiệp, tuy nhiên, các vùng đồi thuộc New England lại chủ yếu được che phủ bởi rừng cây gỗ cứng và cây thông, loại gỗ gần như lý tưởng để đóng tàu. Người ta cũng có thể tiếp cận tới các bãi đánh bắt cá có năng suất cao ở ngoài khơi bờ biển New England và xa hơn về phía nam trong Vịnh Chesapeake giàu có.

Tầm quan trọng của khả năng đi lại dễ dàng trong việc đánh giá vị trí địa lý của một thành phố được thấy rất rõ qua trường hợp New York. Lợi thế chính của thành phố này là nó nằm ở điểm khởi đầu của tuyến đường tốt nhất qua dãy Appalachia. Hệ thống sông Hudson-Mohawk, sau này có thêm kênh Erie, đường xe lửa, đường cao tốc, đã tạo điều kiện dễ dàng đi tới các Great Lakes ở phía tây, ở đó lại có đường đến vùng nội địa rộng lớn. Khi mật độ dân cư và các hoạt động kinh tế tại các đồng bằng nội địa gia tăng, thì một khối lượng lớn hàng hóa tạo ra được chuyển tới các trung tâm đô thị của Megalopolis. Thành phố hưởng lợi nhiều nhất từ sự phát triển thương mại này là New York, với tuyến đường tự nhiên vào nội địa tuyệt vời nhất.

Trong thời thuộc địa của Mỹ, do thương mại phát triển mạnh giữa châu Âu, vùng Caribê và lục địa châu Mỹ, ngành chế tạo quy mô nhỏ đã xuất hiện tại một số thành phố cảng lớn từ Baltimore ngược lên bắc. Do công nghiệp tại các đô thị phát triển, nhu cầu về lao động tăng lên đã thu hút làn sóng dân di cư từ Tây Bắc Âu, hoặc tách một số lượng lớn lao động ra khỏi nông nghiệp, vì thế dân cư tại các đô thị này đã tăng lên nhanh chóng. Ngân hàng và các tổ chức tài chính khác đã bảo lãnh cho việc đầu tư vào khu vực sản xuất và vận tải biển. Các hoạt động dịch vụ, bán buôn, bán lẻ, các trung tâm thông tin và kiểm soát đã phát triển và hỗ trợ việc tiếp tục mở rộng đô thị, với New York, Philadelphia, Boston và Baltimore là những nơi đô thị hóa diễn ra nhanh nhất.

Đặc trưng nổi bật của khu vực này không phải là thực tế phát triển của những thành phố, mà ở chỗ bốn thành phố lớn như thế (sau này là năm vì có thêm Washington) vẫn tiếp tục tăng trưởng với nhịp độ theo sát nhau. Tất nhiên, Washington là trường hợp đặc biệt do ở chỗ mặc dù thành phố này cũng nằm kề cận dãy thác, nhưng sự tăng trưởng của nó là kết quả trực tiếp của sự mở rộng của tổ chức chính phủ quốc gia. Bốn thành phố kia, cùng với nhiều thành phố nhỏ hơn dọc theo trục khu đô thị, dựa chủ yếu vào động lực kinh tế. Tốc độ tăng trưởng toàn liên bang trong thế kỷ XIX rất cao, và những mối liên kết giữa nội địa và bốn thành phố cảng này rất mạnh, đến mức không thành phố nào trong số đó có thể hấp thụ hoàn toàn dòng hàng hóa tới bất kỳ một thành phố kề cận hay một đối thủ cạnh tranh nào của mình. Vào cuối thế kỷ XX, các nguồn lực kinh tế kết hợp của bốn thành phố cảng này đã đạt được những tỷ lệ khổng lồ.

(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)

  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (1): Các chủ đề và khu vực - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (2): Các chủ đề và khu vực - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (3): Môi trường tự nhiên - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (4): Môi trường tự nhiên - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (5): Môi trường tự nhiên - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (6): Những nền tảng hoạt động của con người - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (7): Những nền tảng hoạt động của con người - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (8): Khu siêu đô thị - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (9): Khu siêu đô thị - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (10): Khu siêu đô thị - Phần 3
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (11): Vùng trọng điểm chế tạo - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (12): Vùng trọng điểm chế tạo - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (13): Miền đông bị quên lãng - Phần 1
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (14): Miền đông bị quên lãng - Phần 2
  • Sơ lược địa lý Hoa Kỳ (15): Appalachia và Ozark - Phần 1