Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học hát cho trẻ em tại Hà Nội
Seedlink chiêu sinh hè 2015 các lớp học múa cho trẻ em tại Hà Nội
Khí hậu
Khí hậu là tổng hợp của các trạng thái thời tiết ngày này qua ngày khác kéo dài trong nhiều năm. Nó là kết quả của sự tương tác giữa nhiều yếu tố khác nhau, trong đó quan trọng nhất là nhiệt độ và lượng mưa.
Mô hình khí hậu là một kết quả của sự tác động qua lại giữa ba yếu tố ảnh hưởng địa lý. Trước hết là vĩ độ. Trái đất nghiêng trên trục của nó so với mặt phẳng quỹ đạo của nó xung quanh mặt trời. Do sự vận động hàng năm xoay quanh mặt trời, đầu tiên là Bán cầu Bắc sau đó là Bán cầu Nam đón nhận những tia sáng trực tiếp hơn từ mặt trời. Trong mùa hè của Bán cầu Bắc, những vị trí có vĩ độ cao hơn có ngày dài hơn, với những điểm xa ở phía bắc trải qua những thời kỳ liên tục có ánh mặt trời. Trong những tháng mùa đông ở những vĩ độ cao hơn ban ngày thường ngắn hơn, trong khi những vị trí nằm xa hơn về phía nam vừa có ngày dài hơn, lại vừa đón nhận những tia mặt trời trực tiếp hơn.
Yếu tố ảnh hưởng thứ hai được đặt trên cơ sở là mối quan hệ giữa đất và nước. Đất có xu hướng nóng lên và nguội đi nhanh hơn nước. Trong một xu thế được gọi là tính chất lục địa, những vị trí ở xa các khối nước lớn thường có chênh lệch nhiệt độ theo mùa cao hơn so với những cộng đồng ven biển. Phần phía bắc của Great Plains có khoảng cách nhiệt độ hàng năm gần 650C; những khác biệt hàng năm tới 1000C (từ 500C tới - 500C) cũng đã được ghi nhận ở một số vùng.
Tác động ngược lại diễn ra ở những khu vực biển, đặc biệt là bờ biển phía tây của các lục địa thuộc các vĩ độ giữa. Những vị trí này có chênh lệch nhiệt độ nhỏ hơn do kết quả của cái gọi là ảnh hưởng biển. Nhiệt độ cao nhất và thấp nhất của mùa đông và mùa hè trở nên ôn hòa nhờ chế độ gió tây thường xuyên thổi từ đại dương vào đất liền. Các dòng hải lưu ngang và dọc làm giảm thiểu những khác biệt theo mùa của nhiệt độ bề mặt của nước. Nhiệt độ nước vừa phải đã giúp thu hẹp chênh lệch nhiệt độ của khối không khí bên trên mặt nước.
Sự ở gần các khối nước lớn cũng có xu hướng có tác động tích cực tới lượng mưa, các vùng ven biển nói chung nhận được những lượng mưa lớn hơn. Lý do của điều đó là hiển nhiên, các khối nước lớn đem lại mức độ bay hơi cao hơn và do đó tạo thành những khối hơi nước trong khí quyển. Đến lượt nó, những khối hơi nước đó làm tăng khả năng có mưa. Tuy nhiên có những ngoại lệ dễ nhận thấy đối với quy luật này, trong đó có bờ biển khô ráo của nam California và đường ven biển Bắc Băng Dương của Alaska.
Ảnh hưởng địa lý quan trọng thứ ba đối với khí hậu là địa hình. Rõ ràng nhất là mối quan hệ giữa độ cao và nhiệt độ, ở độ cao lớn hơn thì mát mẻ hơn độ cao thấp. Tuy nhiên, ảnh hưởng của địa hình có thể còn rộng hơn nữa do tác động của nó lên luồng gió. Nếu một dãy núi lớn nằm chắn ngang một hướng gió bình thường, thì những ngọn núi sẽ buộc không khí dâng lên và trở nên mát mẻ. Khi khối không khí lạnh đi, lượng hơi ẩm mà nó có thể mang theo giảm xuống. Lượng mưa sẽ được hình thành nếu sự trở lạnh này khiến cho độ ẩm lên tới 100%. Hơi nước rơi xuống ở phía có gió, nơi khuất gió thì khô ráo. Khu vực ẩm ướt nhất ở Bắc Mỹ là dọc theo bờ biển Thái Bình Dương từ Oregon tới phần nam Alaska, nơi những luồng gió nặng trĩu hơi nước đập vào các núi dọc bờ biển. Lượng mưa trung bình hàng năm là hơn 200 cm trên toàn vùng, và ở một vài nơi vượt quá 300 cm.
Núi cũng có thể làm giảm bớt tác động điều hòa của những điều kiện biển đối với nhiệt độ, như đã diễn ra ở vùng nội địa của tây bắc Thái Bình Dương. Vùng tây Cordillera (khối núi) đã kiềm chế các điều kiện khí hậu biển Bờ biển phía Tây trong vùng bờ biển đó. Những khác biệt lớn nhất cả về lượng mưa và nhiệt độ mà người ta có thể nhận thấy ở một khoảng cách ngắn tại bất kỳ nơi nào trên nước Mỹ, cũng tồn tại giữa hai mặt phía đông và phía tây của các vùng thuộc Coast Ranges. Tính chất khô cằn của vùng trung tâm và bắc lục địa phía Tây một phần lớn có nguyên nhân từ hiệu ứng "fơn" của các dải núi chạy theo hướng bắc-nam của miền Tây.
Phía đông của Rockies, ảnh hưởng của địa hình đối với lượng mưa hầu như đã biến mất, một phần vì các núi ở phía đông thường thấp hơn và do đó ít cản trở sự di chuyển của không khí hơn và một phần do thời tiết trong nội địa chủ yếu là một kết quả của sự va chạm giữa hai khối không khí khổng lồ đều không bị cản trở, một di chuyển về phía bắc từ Vịnh Mexico và một từ Canada di chuyển về phía nam. Sự tiếp xúc của hai khối không khí này thường tạo ra những diễn biến khốc liệt của thời tiết trong khu vực.
Điều này minh họa cho một ảnh hưởng chủ yếu và phức tạp thứ tư đối với khí hậu, đó là tác động của các đặc trưng về khối không khí và của các hệ thống gió. Thời tiết của nước Mỹ chịu ảnh hưởng không nhỏ của sự đối kháng giữa những khối không khí lục địa cực (thường lạnh, khô và ổn định) và những khối không khí hải dương nhiệt đới (ấm, ẩm, và không ổn định). Loại đầu chuyển xa nhất về phía nam vào mùa đông, trong khi loại sau tiến xa nhất về phía bắc trong mùa hè. Đa số các vùng của nước Mỹ nói chung là có gió tây, có xu hướng chuyển dịch các hệ thống thời tiết sang hướng đông. Khí hậu lục địa của vùng nội địa vì thế bị đẩy tới Bờ biển phía Đông.
Tác động tương hỗ giữa những yếu tố ảnh hưởng khí hậu này tạo ra một khuôn mẫu khu vực hóa thời tiết. ở phía Đông, yếu tố chủ yếu của sự thay đổi khí hậu là nhiệt độ; ở phía Tây yếu tố đó là lượng mưa. ở phía Đông, sự phân chia giữa các vùng khí hậu ở một mức độ lớn là dựa trên độ dài của mùa sinh trưởng - thời kỳ từ thời điểm trung bình của lần cuối cùng có sương giá vào mùa xuân cho tới lần đầu tiên có sương giá vào mùa thu - và dựa trên nhiệt độ cao nhất trung bình vào mùa hè hay nhiệt độ thấp nhất trung bình vào mùa đông. ở phía Tây, lượng mưa hàng năm trung bình là yếu tố chính, mặc dù nhiệt độ vừa phải là một khía cạnh quan trọng của khí hậu hải dương Bờ biển phía Tây. ở phía Đông, những vùng xa hơn về phía Bắc nói chung là khô hơn, còn ở phía Tây chúng lại lạnh hơn. Phía Đông, vĩ tuyến có ảnh hưởng lớn lên sự biến đổi khí hậu còn ở phía Tây, đó là địa hình.
Thực vật
Các nhà thực vật học nói về một loại thực vật có tính thích nghi cao, được định nghĩa là một quần thể có khả năng sinh trưởng và tái tạo vô tận ở những nơi có khí hậu và những điều kiện trung bình về đất trồng và tiêu thoát ổn định. Ngày nay, ở những vùng của nước Mỹ có cư dân sinh sống, khái niệm đó hầu như không có ý nghĩa. Thực vật “tự nhiên”, nếu đã từng tồn tại, thì cũng đã bị dời chuyển, bố trí lại và thay thế, với một mức độ lớn đến nỗi giờ đây khó có thể tìm ra nữa. Ví dụ, ở vùng Đông Nam, những cánh rừng hỗn hợp cây lá to và lá kim nguyên sinh đã bị chặt đốn và thay thế bằng rừng lá kim có ý nghĩa hơn về mặt kinh tế. Cỏ trên những đồng bằng và các cánh đồng cỏ hầu hết là nhập từ châu Âu. Tổ tiên gốc Mỹ của chúng đã biến mất bởi không thích hợp để làm thức ăn cho súc vật nuôi, hoặc không trụ nổi trước sự tấn công dữ dội của loài người hiện đại và của những giống cỏ mà họ nhập khẩu. Phần lớn những gì còn lại của thực vật thích nghi cao đều ở phần Tây và Bắc của nước Mỹ.
Có nhiều cách phân chia các vùng thực vật. Có lẽ cách đơn giản nhất là phân chia Hoa Kỳ thành ba loại lớn: vùng rừng, vùng đồng cỏ và vùng cây bụi. Rừng đã từng che phủ phần lớn miền Đông, vùng trung tâm và bắc bờ biển Thái Bình Dương, những vùng có độ cao cao hơn miền tây và một tuyến rộng băng qua vùng nội địa phía bắc. Những cánh rừng của vùng ven biển Thái Bình Dương, miền nội địa phía tây và miền bắc, và một vành đai hẹp ở Deep South đều là những rừng lá kim và có nhiều loại cây khác nhau. Phần lớn bang Ohio và thung lũng sông Mississippi cùng khu vực giữa của Hồ Lớn (Great Lakes) được che phủ bởi rừng cây lá rộng thay lá hàng năm.
Vùng đồng cỏ bao trùm lên những khu đất trũng nội địa, bao gồm gần như toàn bộ vùng Đồng bằng lớn (Great Plains) từ Texas và New Mexico tới biên giới Canada. Vùng này có khí hậu nói chung ít ẩm ướt hơn, khối lượng mưa không đủ để cung cấp cho sự sinh trưởng của cây cối. Phần mở rộng về phía tây của vùng đồng cỏ, Prarie Wedge, đã vượt qua Illinois đến rìa phía tây của Indiana, nơi có lượng mưa đủ dồi dào để cho cây cối phát triển.
Các vùng cây bụi phát triển trong điều kiện khô ráo. Chúng tập trung ở các khu đất thấp thuộc vùng nội địa phía tây. Cây cối ở vùng này rất đa dạng, từ cây xương rồng của miền tây nam cho tới cây bụi chaparral dầy đặc ở nam California và cây mesquite của Texas.
Vùng đất lạnh của cực Bắc là kết quả của một khí hậu quá lạnh và quá khô đối với sự sinh trưởng của những thực vật khác ngoài cỏ, rêu và các loại dây leo nhỏ. Đất lạnh còn tồn tại trong những khu vực nhỏ xa về phía nam của Hoa Kỳ, nơi mà những điều kiện khí hậu những độ cao lớn hoàn toàn không thích hợp cho sự phát triển của loại cây gỗ. Về phía bắc, người ta thấy những tuyến cây cao ở những độ cao thấp hơn.
(Nguồn: Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com