Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Chứng khoán 2012: Có gì được gọi là cơ hội

Một năm đầy sóng gió của chứng khoán qua đi, các doanh nghiệp và các nhà đầu tư sẽ đối mặt với năm mới khó khăn không kém. Sự kém lạm quan vẫn là cảm nhận chung của mọi người.

 

2011: Khó khăn tới ngày cuối cùng

Khác với các năm trước, TTCK Việt Nam chứng kiến sự khó khăn và sụt giảm cho tới những ngày cuối cùng của năm. Thị trường tụt giảm kéo dài thì một lý do quan trọng là dòng tiền bị kiểm soát, bị kiềm chế chảy vào kênh đầu tư này. Tuy nhiên, về sâu xa thì phải tính đến tình hình hoạt động của các doanh nghiệp trên sàn. Trong năm qua, hoạt động của đa số các doanh nghiệp trên sàn đều rất tệ hại.

Đa số các doanh nghiệp bất động sản không bán được hàng, tồn kho lớn và gánh trên vai những khoản nợ khổng lồ. Với lãi suất cao từ 20-27% trong cả năm qua thì chắc chắn một điều là khó có doanh nghiệp nào làm ăn có lãi. Sự thua lỗ là đương nhiên.

Nhưng BĐS chưa phải tệ nhất, các CTCK  chịu ảnh hưởng kép từ sự thắt chặt tín dụng chung và sự đi xuống của thị trường, sự giảm giá của cổ phiếu. Thống kê sơ bộ của UBCK cho thấy có tới khoảng 50% CTCK làm ăn thua lỗ kéo dài trong nhiều quý, trong đó có nhiều công ty rơi vào tình trạng mất thanh khoản. Và trên thực tế đã có nhiều CTCK mất thanh khoản hoặc/và rút bớt nghiệp vụ môi giới như: SME, TAS, HSSC, DSS...

 
Các doanh nghiệp trong các lĩnh vực khác cũng thua lỗ, lợi nhuận sụt giảm, không chia cổ tức... nhiều vô số.
 

Với các "đại gia" trên TTCK thì 2011 cũng là một năm buồn phiền và bực mình nhất. Chỉ gói gọn trong năm này, gần chục người giàu nhất TTCK đã "bốc hơi" mất hơn 13.000 tỷ đồng.

Trong đó, ông Đoàn Nguyên Đức, chủ tịch Hoàng Anh Gia Lai (HAG) mất hơn 7.500 tỷ đồng, xuống chỉ còn 4.260 tỷ đồng. Rất nhiều CEO đã phải gửi "tâm thư" tới cổ đông về vấn đề giá cổ phiếu đi xuống. Họ kêu gọi cổ đông, các nhà đầu tư không nên bán rẻ rúng... nhưng mọi nỗ lực đều không có kết quả.

Với người giàu thì vậy, nhưng với rất nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thì tình hình còn là ai oán và bi đát. Những câu chuyện như cụt vốn, lỗ 50-90% là thường thấy. Không ít các nhà đầu tư đã thiêu đốt cả gia tài như ô tô, xe máy, nhà cửa để bắt đáy, cứu lại những gì mình đã mất. Nhưng chung cuộc, trong 2 tuần cuối cùng của 2011 họ đã phải chấp nhận một thực tại là không có sức để theo đuổi. Một số, thậm chí, sau khi "rửa tay gác kiếm" thì không còn một đồng nào, lo từng bữa ăn 20.000 đồng và nguy cơ mất vợ, mất con gần như 100%.

Với nhiều nhà đầu tư nhỏ lẻ thì tình trạng thị trường bi đát như hiện nay, phần lớn là do các cơ quan quản lý yếu kém, trong khi không ít doanh nghiệp rắp tâm lên sàn để in giấy lấy tiền, lừa đảo nhà đầu tư. Niềm tin vào thị trường hiện đang rất thấp. Việc nắm bắt chính xác được hoạt động và tài chính của các doanh nghiệp là rất khó khăn.

Một năm mới không thuận

Khó khăn cho tới những ngày cuối cùng của năm như vậy, nhưng dường như cánh cửa tươi sáng vẫn chưa mở ra đối với các doanh nghiệp đang niêm yết trên sàn cũng như đối với các nhà đầu tư.

Những suy nghĩ tăm tối của những nhà đầu tư này không phải không có cơ sở khi mà niềm tin đối với thị trường đã xuống tới mức rất thấp. Nguy cơ thị trường rơi vào tình cảnh nguy hiểm, như đóng băng giống vài năm trước đây không phải là không có.

Trong khi đó, những ngày cuối năm đã chứng kiến nhiều diễn biến bất thường, mà báo hiệu những điềm xấu.

Quyết định bất ngờ tăng giá điện 5% là một cú sốc được thực hiện ngay sau khi khép lại một năm mà lạm phát đã lên tới trên 18%. Thực ra, mức tăng giá này không nhiều nhưng đằng sau đó là lo ngại của giới đầu tư về tính nhất quán trong chính sách và sự độc quyền của ngành điện, và là khả năng có quyền tự quyết định tăng giá điện bao nhiêu và khi nào của EVN.

Cũng trong những ngày cuối cùng của năm 2011, Ngân hàng Nhà nước cũng bất ngờ tăng mạnh tỷ giá bình quân liên ngân hàng lên sát "chỉ tiêu" 1% đưa ra trước đó. Cụ thể, tỷ giá liên ngân hàng đồng Việt Nam với đô la Mỹ áp dụng cho ngày 24/12/2011 tăng 15 đồng lên 20.828 VND.

Mặc dù vậy, trên thị trường tự do trong tuần cuối cùng của năm vẫn diễn ra một sự náo loạn. Giao dịch USD chợ đen bùng nổ bất chấp việc xử phạt với một số vụ giao dịch trái phép gần đây là rất nặng.

Lạm phát có khả năng tăng cao và tỷ giá USD/VND tiếp tục nóng trong 2012 là hai yếu tố, theo đa số các nhà đầu tư, sẽ kéo TTCK xuống vực sâu mới.

 
Bên cạnh đó, về mặt chính sách, NHNN cũng đã khẳng định sẽ không có chuyện nới lỏng mạnh tín dụng trong năm 2012. Tăng trưởng tín dụng sẽ được duy trì ở mức 15-17%, trong khi tổng phương tiện thanh toán tăng khoảng 14-16%.
 

Một chính sách cũng sẽ tác động đến TTCK là việc cấm các tập đoàn, tổng  công ty phi tài chính đầu tư vào các lĩnh vực tài chính, ngân hàng, chứng khoán, bảo hiểm và bất động sản. Nó cho thấy, trong năm 2012, sẽ không có những dòng tiền "ngầm" từ các ông lớn chảy vào chứng khoán. Trái lại, dòng tiền sẽ chảy ra khỏi đây.

Những toan tính cho năm mới

Mặc dù TTCK đang ở thời kỳ khó khăn nhất và niềm tin của các nhà đầu tư đã xuống tới mức thấp kỷ lục, nhưng cũng có không ít người vẫn có những toan tính và lạc quan vào cơ hội do khủng hoảng tạo ra.

Trong bối cảnh bức tranh kinh tế 2012 không mấy sáng sủa, TS Alan Phan, Chủ tịch Quỹ Đầu tư Viasa cho rằng đây lại là cơ hội tuyệt vời để kiếm tiền. Theo đó, đồng tiền luôn thay đổi và dịch chuyển từ nơi này sang nơi khác và khủng hoảng còn là cơ hội hiếm có.

Còn theo một chuyên gia tài chính chứng khoán ở Viện Nghiên cứu tin học và Kinh tế, năm 2012 sẽ có "cơ hội vàng" từ chứng khoán và bất động sản và chứng khoán. Theo ông, giai đoạn đầu năm 2012 sẽ là giai đoạn khó khăn nhất, sẽ có nhiều người chán nản bán rẻ tài sản hoặc buộc phải bán rẻ để trả nợ ngân hàng. Tuy nhiên, với những người có vốn thì đó lại là thời cơ rất hiếm gặp (5 - 10 năm mới có một lần), để mua tài sản đầu tư giá rẻ và thu lời cao sau 6 tháng - 2 năm, tùy theo mức độ phục hồi và phát triển của nền kinh tế.

Đối với các nhà đầu tư, nhiều người cũng đang tính toán vào thị trường trong thời điểm nay hoặc một vài tháng tới. Hầu hết họ đều biết rằng giá cổ phiếu đang ở mức rất thấp. Các chỉ số như P/B (thị giá/giá sổ sách) của sàn HSX và HNX đã xuống tới mức 1,2 và 0,8. Việc lựa chọn những cổ phiếu có chỉ số cơ bản tốt có thể giúp họ sinh lời đột biến khi mà kinh tế hồi phục.

Nhưng điều quan trong hơn là nhiều người đang tin vào những thông điệp chắc nịch phát ra từ những người lãnh đạo rằng sẽ có biện pháp hỗ trợ TTCK phát triển.

Bên cạnh đó, theo của họ, về lĩnh vực cốt lõi của nền kinh tế là ngân hàng thì tình hình khá ổn. Hiện tại, các ngân hàng hoạt động yếu kém chỉ chiếm 0,5%. Trong khi đấy, quá trình tái cấu trúc đã bắt đầu được thực hiện và có dấu hiệu thực hiện rất nhanh. Theo lộ trình, đến năm 2013 thì hệ thống ngân hàng sẽ hoạt động lành mạnh và hoạt động tốt hơn với vai trò mạch máu cho nền kinh tế.

Với bất động sản - một thị trường rất quan trọng tại Việt Nam đã có những chính sách hà hơi thổi ngạt cụ thể. Tình hình chưa sáng sủa nhưng với sự khơi thông tín dụng ở mức độ hợp lý, nhiều doanh nghiệp bất động sản hoạt động minh bạch sẽ phục hồi nhanh chóng.

Điều quan trọng hơn cả là nhiều nhà đầu tư tin tưởng rằng chứng khoán và bất động sản vẫn là hai thị trường rất quan trọng. Nó có nghĩa là sẽ không có sự đổ vỡ. Chính phủ sẽ tạo ra một môi trường minh mạch cho 2 thị trường này lưu thông tốt hơn để góp phần hỗ trợ cho nền kinh tế chứ không là gánh nặng cho nền kinh tế.

Lạm phát cũng đang được kiểm soát với 6 tháng vừa qua ở mức thấp. Trước kia, lạm phát là nguyên nhân chính tạo ra chính sách tiền tệ thắt chặt trong thời gian từ cuối năm 2010 đến nay, thì giờ nếu lạm phát hạ, lãi suất sẽ giảm. Gánh nặng đối với các doanh nghiệp sẽ nhẹ đi. Doanh nghiệp làm ăn có lãi thì cổ phiếu sẽ có những đợt bứt phá ngoạn mục.

Bộ trưởng Bộ Tài chính Vương Đình Huệ cho rằng TTCK  sẽ vượt qua giai đoạn khó khăn và phục hồi trong năm 2012. Thời gian cụ thể không được đưa ra, nhưng ông Huệ cũng cho biết thêm về những tính toán của Bộ về việc tham mưu giãn và miễn thuế cho các doanh  nghiệp bớt gánh nặng.

---------------------------------
Tác giả: Mạnh Hà // Nguồn: VEF

  • Bóc mẽ chiêu móc tiền tài khoản nhà đầu tư
  • Hốt hoảng nguy cơ 'vỡ nợ' của công ty chứng khoán
  • Chứng khoán và những cú sốc ngầm
  • ‘Đại phẫu’ công ty CK: Ngòi nổ vẫn chưa được tháo?
  • Thị trường chứng khoán: Tiến thoái lưỡng nan
  • Chạm vào “nhu cầu” của NĐT nhỏ, lẻ
  • Bất bình đẳng với bản danh sách cấm margin
  • UBCK cần mạnh tay để thanh lọc hoạt động của khối CTCK
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!