Các quỹ đầu tư chứng khoán vừa phải xoay sở để cưỡng lại đà giảm giá trị tài sản ròng (NAV), vừa bị bủa vây bởi áp lực thoái vốn giải thể hay bị thâu tóm.
Mặc dù, TTCK đã khởi sắc nhẹ nhàng trong tháng 9, nhưng các quỹ đầu tư chứng khoán vẫn đau đầu với việc cơ cấu danh mục trước sức ép của cổ đông. Tính đến cuối tháng 8, giá trị tài sản ròng (NAV) của chứng chỉ quỹ của quỹ đại chúng VF1 là 16.550 đồng, giảm 21% so với thời điểm đầu năm, chịu chung tình cảnh với một số quỹ khác do VFM quản lý như VF4, VFA có mức giảm tương ứng 23% và 10,5% so với mức giảm VNIndex là 14,7%.
Biện pháp cơ cấu phổ biến là thanh toán (giảm tỷ trọng) nhóm cổ phiếu biến động mạnh như: tài chính, bất động sản, khai khoáng, đồng thời gia tăng tỷ lệ tiền mặt cần thiết. Với các quỹ, sở hữu lượng tiền mặt dồi dào tại thời điểm này nhằm hai mục đích chính. Thứ nhất, cải thiện thu nhập của quỹ nhờ lãi suất tiền gửi cao, bù đắp được khoản lỗ do đánh giá lại khoản chứng khoán đầu tư. Thứ hai, quỹ sẽ có thêm nhiều cơ hội đầu tư với chi phí thấp, nhất là các doanh nghiệp lớn, ngành nghề ít bị ảnh hưởng khi kinh tế suy thoái. Xét một cách toàn diện, cách quản lý thụ động dựa trên thu nhập chính từ lãi tiền gửi chỉ mang tính tạm thời. Cổ đông tham gia góp vốn sẽ bị thiệt thòi khi họ bỏ tiền thành lập quỹ đầu tư chỉ để Công ty Quản lý quỹ (CTQLQ) đem gửi tiền và thu phí quản lý!
Đối với quỹ đại chúng VF1, tỷ lệ tiền mặt đã tăng lên mức 16,8% (so với NAV), tăng mạnh so với tỷ lệ 3,3% tại thời điểm cuối quý I. Tỷ trọng nhóm cổ phiếu hạ tầng, bất động sản giảm từ mức 29,7% xuống còn 22,4% so với NAV (theo báo cáo đầu tư tháng 7 của VFM). Thêm vào đó, thu nhập từ việc bán chứng khoán khó khả thi nên nguồn thu nhập chính của quỹ đến từ lãi tiền gửi và cổ tức. Phân bổ tài sản của VF1 có đến 70% NAV tập trung vào thị trường niêm yết nên việc cơ cấu danh mục đòi hỏi sự linh hoạt hơn. Tương phản với VFM, với những quỹ tập trung vào thị trường chưa niêm yết như FPT Capital, lượng tiền mặt vẫn còn nên áp lực cơ cấu danh mục sẽ ít hơn so với các quỹ tập trung vào thị trường niêm yết vì giao dịch OTC đóng băng và giá tham chiếu khó xác định. Tuy nhiên, cũng có một số thương vụ mua bán thành công như một quỹ thành viên F2 chốt lời khoản đầu tư vào cổ phiếu của Bảo vệ thực vật An Giang (AGPPS) (chiếm 5% NAV) trong quý II/2011 hay quỹ VOF bán thành công khoản đầu tư vào Y khoa Hoàn Mỹ (chiếm 1,5% NAV). Điều này cho thấy áp lực chốt lời xuất hiện với những khoản đầu tư giá trị và các cơ hội giải ngân mới được tích cực tìm kiếm với lượng tiền mặt dồi dào.
"Bóng ma" thoái vốn và giải thể
Gánh nặng khác đang đè nặng lên vai các quỹ đầu tư là việc thoái vốn và giải thể trong năm 2012 và 2013, sau khoảng thời gian hoạt động trung bình 6 năm (trừ phi Đại hội thành viên quỹ thông qua việc gia hạn thời gian hoạt động). Vấn đề chính nằm ở hiệu quả hoạt động của quỹ khi thời điểm giải ngân của hầu hết các quỹ đầu tư rơi vào giai đoạn đỉnh cao của TTCK từ năm 2006 - 2007, đối lập với thời điểm giải thể quỹ lúc TTCK xuống dốc mạnh. Để thoái vốn hết danh mục trên 500 tỷ đồng, việc tìm kiếm người mua và hoàn tất thương vụ với mức giá hời không hề đơn giản trong bối cảnh thanh khoản của thị trường thấp. Một số quỹ đã tỏ ra linh hoạt hơn trong chiến lược thoái vốn. Chẳng hạn như quỹ V1, thành lập năm 2005 và quản lý bởi công ty quản lý quỹ của một ngân hàng lớn. Từ mức vốn điều lệ ban đầu 200 tỷ đồng, quỹ này liên tục giảm vốn điều lệ, kể cả thua lỗ trong năm 2009 và theo chiến lược thoái vốn từng phần. Hiện nay vốn điều lệ của V1 chỉ còn 150 tỷ đồng và tiếp tục giảm xuống 100 tỷ đồng vào cuối năm 2011. Kế hoạch thoái vốn vào năm 2013 của V1 tỏ ra khả thi khi tỷ lệ phân bổ tài sản của quỹ khá "dễ thở": 35% cổ phiếu niêm yết, 25% cổ phiếu chưa niêm yết, 40% tiền mặt. Ngoài ra, quỹ vẫn chia cổ tức đều đặn cho cổ đông mỗi khi NAV tăng trưởng dương, do vậy thu nhập từ cổ tức góp phần giảm thiểu thua lỗ của danh mục tài sản. Tiến trình thoái vốn cũng như phân phối thu nhập cho cổ đông của quỹ V1 được đánh giá là phù hợp với đặc điểm biến động mạnh của TTCK mới nổi như Việt Nam, không gây thiệt thòi cho cổ đông như nhiều quỹ khác. Rõ ràng là việc giải thể quỹ vẫn là một "bóng ma" bao trùm lên các quỹ đầu tư nếu thiếu tiến trình thoái vốn cụ thể.
Thâu tóm và phòng vệ
TTCK Việt Nam 10 năm vẫn còn nghèo nàn các công cụ phái sinh |
Một trăn trở khác của các quỹ đầu tư hiện nay là nguy cơ bị thâu tóm và thiếu các công cụ phái sinh để hedge (phòng vệ) khi thị trường bất lợi. Cơ chế quỹ đầu tư mở đã được UBCKNN dự thảo và lấy ý kiến góp ý từ quý I/2011, nhưng cần khoảng thời gian khá dài để mô hình mới được thành lập và hoạt động trơn tru. Điểm sáng nhất của quỹ mở là khả năng chống bị thâu tóm khi các quỹ có thể mua lại chứng chỉ quỹ của chính mình. Đồng thời, danh mục đầu tư của quỹ mở là các tài sản có tính thanh khoản cao, hoạt động mua bán diễn ra thường xuyên, do vậy nhà đầu tư có thể yêu cầu quỹ mua lại chứng chỉ quỹ để bảo vệ quyền lợi cho họ.
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com