Các sân bay Long Thành (Đồng Nai) và Tiên Lãng (Hải Phòng) đã được "bật đèn xanh" để chủ đầu tư có thể đẩy nhanh việc lập dự án đầu tư trong thời gian tới, theo tinh thần Thông báo số 307/TB-VPCP của Văn phòng Chính phủ đưa ra vào ngày 25/11.Phía trước sân bay Nội Bài. Cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dự bị cho sân bay này.
Theo thông báo này, đối với quy hoạch cảng hàng không quốc tế Long Thành, Chính phủ giao Bộ Giao thông Vận tải xác định quy mô dự án cho phù hợp theo từng giai đoạn đầu tư; làm rõ mối liên hệ, những ảnh hưởng và các tác động về kinh tế, tài chính giữa hai cảng hàng không quốc tế: Long Thành và Tân Sơn Nhất, đặc biệt là thời điểm đưa cảng hàng không quốc tế Long Thành vào khai thác.
Bên cạnh đó, chủ đầu tư cần lập báo cáo đánh giá tác động môi trường chiến lược để thẩm định theo quy định đồng thời với việc thẩm định quy hoạch, đồng thời làm rõ vai trò của các hãng hàng không trong nước và quốc tế trong việc khai thác cảng hàng không quốc tế Long Thành.
Đối với quy hoạch cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, Hải Phòng, Chính phủ yêu cầu Bộ Giao thông Vận tải làm rõ phương án hiệu quả nhất của bài toán kinh tế về các giai đoạn phân kỳ đầu tư, mức độ đầu tư cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng với mục tiêu thay thế cảng hàng không Cát Bi và dự bị cho cảng hàng không quốc tế Nội Bài.
Bộ Giao thông Vận tải cũng được yêu cầu tính toán kỹ thời điểm dừng khai thác cảng hàng không Cát Bi, chuyển sang khai thác tại cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng; đồng thời cân đối với quá trình đầu tư xây dựng theo quy hoạch được duyệt của cảng hàng không quốc tế Nội Bài cũng như việc chia sẻ sản lượng hàng khách khi đưa cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng, Hải Phòng vào khai thác.
Khi khi quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Tiên Lãng được duyệt, Bộ Giao thông Vận tải chỉ đạo bổ sung cảng hàng không này vào quy hoạch mạng lưới cảng hàng không của vùng và lập quy hoạch tổng thể theo hướng sử dụng kết quả hồ sơ nghiên cứu ở bước quy hoạch vị trí do Công ty Tư vấn ADCC lập.
Trước đó, ngày 15/11, tại Văn phòng Chính phủ đã có cuộc họp quan trọng bàn về hai dự án sân bay này.
Theo báo cáo của Tổng công ty Hàng không Miền Nam, cảng hàng không quốc tế Long Thành đã được tính toán với mục tiêu phát triển hàng không khu vực Tp.HCM thông qua việc đưa cảng hàng không này trở thành một sân bay trung chuyển trong khu vực Đông Nam Á.
Dự án sân bay Long Thành sẽ được chia làm 2 giai đoạn, trong đó, giai đoạn 1 dự kiến đưa vào khai thác năm 2020, công suất mục tiêu khi hoàn thành cả 2 giai đoạn vào năm 2035 sẽ đáp ứng phục vụ được từ 80-100 triệu khách và 3 triệu tấn hàng hóa mỗi năm. Tổng vốn đầu tư cho dự án này khoảng 6,74 tỷ USD, dự kiến huy động từ ngân sách, trái phiếu chính phủ, nguồn ODA, từ nguồn hợp tác công tư, vốn tư nhân,…
Với dự án sân bay Tiên Lãng, thành phố Hải Phòng đã thuê tư vấn lập đồ án quy hoạch vị trí cảng hàng không quốc tế Hải Phòng với mục tiêu là xây dựng sân bay dự phòng cho sân bay Nội Bài, thay thế cho cảng hàng không Cát Bi. Dự kiến cảng hàng không này nằm trên địa bàn 4 xã thuộc huyện Tiên Lãng với diện tích đất xây dựng khoảng 4.000 ha.