Tàu vận tải nhập hàng tại cảng Baria Serece. |
Thời gian qua, khối lượng hàng hóa thông qua các cảng trong khu vực tăng mạnh, dự kiến đến năm 2020, sản lượng hàng hoá thông qua khu vực cảng Bà Rịa - Vũng Tàu đạt khoảng 124 triệu tấn/năm. Hiện nay, trên địa bàn tỉnh đã có 14 cảng đang khai thác gồm: 12 cảng chuyên dùng và 2 cảng tổng hợp. Để nâng cao năng lực dịch vụ và vận tải hàng hóa, đáp ứng nhu cầu phát triển công nghiệp cho vùng kinh tế trọng điểm phía Nam, Chính phủ đã quy hoạch khu vực Thị Vải – Cái Mép nằm trong cụm cảng số 5 của chiến lược phát triển cảng biển đến năm 2020. Thực hiện chiến lược đó, mấy năm gần đây, Bà Rịa – Vũng Tàu đã quy hoạch và đầu tư xây dựng thêm 33 dự án cảng (14 dự án đã khởi công xây dựng, 19 dự án đang thực hiện bước chuẩn bị đầu tư) với tổng vốn đăng ký khoảng 87.170 tỷ đồng. Đáng chú ý là nhiều dự án đã được khởi công nhưng tốc độ giải ngân rất thấp. Lãnh đạo Sở Giao thông – Vận tải (GT-VT) cho biết, đến nay, mới có khoảng hơn 6.925 tỷ đồng được chuyển từ vốn đăng ký sang vốn thực hiện, đạt giá trị khoảng 8% tổng vốn đăng ký.
Bên cạnh đó, nằm trong kế hoạch di dời cụm cảng biển từ Sài Gòn ra khu vực Thị Vải – Cái Mép đã có 5 dự án khởi công, gồm: Cảng Sài Gòn – PSA, cảng Sài Gòn – SSA, cảng Sài Gòn – APMT, nhà máy đóng tàu Bason và Tân cảng Cái Mép (Cảng container Cái Mép thượng), với tổng mức đầu tư khoảng 20.480 tỷ đồng. Đến nay, tổng vốn thực hiện cụm cảng này ước chỉ mới đạt 1.827 tỷ đồng, bằng 9% tổng giá trị dự toán. Các dự án cảng biển di dời triển khai tuy nhanh hơn so với các dự án cảng biển đầu tư trên địa bàn tỉnh, nhưng tỷ lệ vốn đầu tư thực tế cũng còn quá thấp, tiến độ đầu tư chậm so với quy hoạch được duyệt. Vốn thực hiện chiếm tỷ lệ quá thấp so với tổng vốn đăng ký. Đặc biệt, một vài dự án đã triển khai gần 2 năm nhưng tỷ lệ vốn đầu tư vào công trình còn rất thấp, như Nhà máy đóng tàu Ba Son và Cảng dầu Petec.
Ngoài nguyên nhân chủ quan chính về phía chủ đầu tư dự án, còn một nguyên nhân khách quan làm chậm tiến độ triển khai các dự án cảng là hệ thống hạ tầng giao thông khu vực cảng chưa đồng bộ. Mặc dù quy mô và tổng mức đầu tư các dự án cảng biển ở Bà Rịa - Vũng Tàu rất lớn, nhưng hạ tầng giao thông sau cảng phục vụ quá trình thi công, khai thác cảng biển sau này hầu như chưa có gì, chưa đáp ứng được nhu cầu của nhà đầu tư, chưa đúng với cam kết về đầu tư công trình ngoài hàng rào sau cảng. Hệ thống giao thông đường bộ chưa được xây dựng và nâng cấp khiến việc triển khai đầu tư cảng gặp nhiều khó khăn và làm chậm tiến độ thực hiện các dự án.
“Để gỡ nút thắt cho việc thi công các công trình cảng biển, Sở GT-VT đã đề nghị UBND tỉnh kiến nghị Bộ GT-VT chỉ đạo Ban Quản lý dự án 85 đẩy nhanh tiến độ thi công tuyến đường 965, khẩn trương khởi công xây dựng dự án cảng quốc tế Thị Vải – Cái Mép, trong đó có tuyến luồng Thị Vải – Cái Mép như cam kết”. |
Tuyến đường liên cảng Thị Vải - Cái Mép được đầu tư bằng nguồn vốn ngân sách tỉnh, đến nay chỉ mới hoàn thành khoảng 5,3 km trên tổng chiều dài khoảng 21km. Tuyến đường 965 do Ban Quản lý dự án 85, Bộ Giao thông - Vận tải làm chủ đầu tư, nối khu vực Cái Mép với quốc lộ 51 dài 8,5km có tổng mức đầu tư 1.031 tỷ đồng, bằng nguồn vốn ODA, mới được khởi công cuối năm 2008. Bên cạnh mạng lưới giao thông đường bộ, tuyến luồng thủy Vũng Tàu-Thị Vải vào hệ thống cảng triển khai quá chậm, chưa đáp ứng tiến độ khai thác cảng theo quy hoạch. Riêng đoạn luồng từ Phú Mỹ đến Gò Dầu chưa có kế hoạch đầu tư, trong khi hầu hết các dự án khu vực này sẽ khởi công vào đầu năm 2009.
Nhu cầu vận chuyển hàng hóa trong vùng kinh tế trọng điểm phía Nam đang là một sức ép rất lớn đòi hỏi ngành GT-VT và chính quyền địa phương phải có giải pháp đẩy nhanh tiến độ di dời và triển khai các dự án cảng biển. Thi công dự án cảng chậm cũng đồng nghĩa với việc làm chậm tiến trình phát triển công nghiệp của Bà Rịa – Vũng Tàu và các vùng lân cận.
( Theo báo Bà Rịa Vũng Tàu)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com