Ngoài 6 dự án nhà máy lọc dầu (NMLD) được Thủ tướng Chính phủ đồng ý về chủ trương đầu tư, hiện một số địa phương có bờ biển đang mong muốn có NMLD “dừng chân” ở quê mình.
Bên cạnh việc đầu tư, thì vận hành nhà máy lọc dầu không phải là chuyện đơn giản - Ảnh: Việt Lâm |
Ông Nguyễn Xuân Dịnh, Phó vụ trưởng Vụ Năng lượng (Bộ Công thương) đã cho Báo Đầu tư hay, việc đặt NMLD ở địa điểm nào, thì lại không chỉ phụ thuộc vào có bờ biển với độ sâu để cập tàu, mà còn nhiều yếu tố liên quan khác như cơ sở hạ tầng, diện tích đất, nguồn nước cho hoạt động; các yếu tố liên quan tới hoạt động sản xuất như đầu vào, đầu ra và cả vấn đề vận hành NMLD.
Về lý thuyết, các yếu tố này đều có thể thu xếp được, như bố trí diện tích đất đủ với nhu cầu của NMLD là khoảng 200 ha trở lên, hay nếu không đủ chiều sâu để cập tàu ngay bờ thì sẽ làm cảng nhập sản phẩm không bến để “giữ chân” chủ đầu tư. Nhưng với thực tế phong trào xi măng lò đứng, nhà máy đường, hay gần đây nhất là nhà máy thép, thì việc cảnh báo về hiệu quả kinh tế của một dự án là không thừa, nhất là khi các NMLD lại trông chờ chủ yếu vào nguồn nguyên liệu đầu vào là dầu thô nhập khẩu.
Cho tới nay, ngoại trừ NMLD Dung Quất, vì các lý do khác nhau, nên phía Việt Nam là chủ đầu tư duy nhất, còn lại 5 dự án NMLD kia đối tác trong nước chỉ góp vốn cỡ 30%. Với tỷ lệ góp vốn không áp đảo này, dễ nhận thấy các đối tác trong nước phải chấp nhận những lệ thuộc nhất định vào nhà đầu tư bên ngoài, nhất là khi vốn đầu tư để xây dựng NMLD quy mô như NMLD Dung Quất tại thời điểm này không dưới 3 tỷ USD.
Tuy nhiên, đầu tư được nhà máy là một chuyện, còn việc vận hành có hiệu quả hay không lại không hề đơn giản. NMLD Dung Quất khi được quyết định đặt tại Dung Quất cách đây hơn 15 năm thay vì một vị trí khác có lợi thế hơn như Long Sơn (Bà Rịa - Vũng Tàu) hay Vân Phong (Khánh Hòa) bởi không chỉ thuần túy xét tới yếu tố kinh tế.
Bên cạnh đó, NMLD Dung Quất cũng có những ưu thế nhất định như là NMLD đầu tiên ở Việt Nam, hay chủ đầu tư là Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN) đang thực thi việc xuất khẩu dầu thô, nên có quan hệ với các đối tác cung cấp dầu thô nước ngoài, cũng như PVN hiện đã chiếm khoảng 15% thị phần phân phối xăng dầu của cả nước.
Theo các chuyên gia, năng lực của các dự án NMLD đã được đồng ý về chủ trương ước tính lên tới hơn 30 triệu tấn dầu thô đầu vào ở thời điểm năm 2015. Trong khi đó, dù chưa có những tính toán cuối cùng, nhưng khả năng tiêu thụ của thị trường trong nước cũng chỉ ở mức 25 triệu tấn/năm. Như vậy, nếu các dự án NMLD đã được đồng ý về chủ trương đều triển khai đúng tiến độ như cam kết, thì các chủ đầu tư chắc chắn sẽ phải tìm kiếm thị trường bên ngoài để tiêu thụ sản phẩm.
Tuy nhiên, với thực tế nhiều NMLD ở các nước như Singapore hay Thái Lan đã có thời gian xây dựng từ những năm 80 của thế kỷ trước, đã hết khấu hao, quen với thị trường, có bạn hàng, thì mức độ cạnh tranh của các NMLD mới xây dựng hiện nay sẽ khó khăn hơn, ít nhất thì bởi chi phí đầu tư cao hơn.
Cũng để các địa phương nhìn nhận được lợi thế khi muốn có NMLD, Bộ Công thương đang nghiên cứu nhằm đưa ra các tiêu chí ban đầu trong lựa chọn địa điểm xây dựng NMLD. “Sau hai cuộc hội thảo về chủ đề này, có một số địa phương đã tự rút lui vì nhìn thấy rõ ưu nhược điểm của địa phương mình, nhưng cũng có những địa phương kiên trì mong muốn có được NMLD”, ông Dịnh nói.
6 Dự án NMLD được đồng ý về chủ trương đầu tư
1. NMLD Dung Quất tại Quảng Ngãi, công suất 6,5 triệu tấn dầu thô/năm. Chủ đầu tư: PVN. Ngày 22/2/2009 có sản phẩm đầu tiên.
2. Liên hợp Lọc hóa dầu Nghi Sơn tại Thanh Hóa, công suất 10 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư: PVN, Công ty Dầu khí Kuwait - KPI, Công ty Idemitsu Kosan và Công ty Mitsui. Dự kiến vận hành thương mại vào năm 2013. Hiện đang lập thiết kế tổng thể, đã chọn xong tư vấn dự án, bản quyền công nghệ.
3. NMLD Long Sơn, tại Bà Rịa - Vũng Tàu, công suất dự kiến 10 triệu tấn/năm. Hợp đồng liên doanh giữa PVN với đối tác Venezuela chưa ký.
4. NMLD Cần Thơ tại Cần Thơ, công suất giai đoạn đầu 2 triệu tấn/năm; giai đoạn sau lên 4 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư: Công ty TNHH Viễn Đông và Công ty Semtech Limited
B.V.I. Dự kiến năm 2013 hoạt động.
5. NMLD Vũng Rô tại Phú Yên, công suất giai đoạn đầu 4 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư: Công ty Technostar Ltd. (Anh) và Công ty Dầu khí Telloil (Nga). Dự kiến năm 2011 hoạt động.
6. NMLD Vân Phong tại Khánh Hòa, công suất 10 triệu tấn/năm. Chủ đầu tư: TCT Xăng dầu Việt Nam, đang đàm phán liên doanh với Công ty Dầu khí Sinopec (Trung Quốc) và Công ty Dầu khí Aramco (Ả rập Xêút)
( Theo báo Đầu tư )
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com