Sự “đứng yên” của các đồ án, dự án đang ảnh hưởng tiêu cực tới GDP của các huyện cũng như của cả TP Hà Nội. Tuy nhiên, việc rà soát các đồ án, dự án lại khó đẩy nhanh do tính chất phức tạp của công việc này và phải chờ quy hoạch chung.
Sau khi hoàn thành rà soát đợt 1 đối với 244 đồ án, dự án (từ vành đai 3 đến sông Đáy), thành phố Hà Nội đã tiến hành rà soát đợt 2 đối với hơn 500 đồ án, dự án còn lại. Dù đến lúc này, tổ rà soát của thành phố đã đưa ra những kiến nghị bước đầu, nhưng nhìn chung, những kết quả đạt được vẫn chưa thật nhiều…
Thực tế việc rà soát các đồ án, dự án được căn cứ trên báo cáo lần 3 đồ án quy hoạch chung Hà Nội, nhưng đến thời điểm này, đồ án quy hoạch chung đã có không ít những thay đổi so với thời điểm đó. Chẳng hạn, trục Thăng Long (từ đường Hoàng Quốc Việt tới Ba Vì), khu vực Quốc Oai, đô thị Hòa Lạc đã có những điều chỉnh, ảnh hưởng tới kết quả rà soát các dự án của khu vực này.
Đó là chưa kể nhiều vấn đề của đồ án chưa được làm rõ về mặt chi tiết cũng “làm khó” việc rà soát. Có thể kể đến vấn đề khu hành chính quốc gia sẽ đặt cụ thể tại địa điểm nào ở khu vực Hòa Lạc hay quy mô dân số, diện tích dự kiến của các đô thị vệ tinh cũng chưa được làm rõ. Trục không gian Thăng Long rộng hẹp ra sao và đi qua những vị trí cụ thể nào cũng cần phải chờ đợi.
Về quy hoạch ngành, cho đến lúc này các ngành giáo dục, y tế cũng chưa hoàn thành việc quy hoạch mạng lưới các trường, bệnh viện. Vì thế, các dự án bức xúc dân sinh như trường học, bệnh viện cũng chưa thế được phép thực hiện.
Trong khi thành phố chưa thể làm nhanh công tác rà soát do phải chờ quy hoạch chung thì việc tạm dừng của các đồ án, dự án thời gian qua đã khiến các chủ đầu tư gặp nhiều khó khăn, nhất là với các chủ đầu tư đã đền bù giải phóng mặt bằng, san nền. Không những vậy, GDP của nhiều huyện và của thành phố nói chung cũng bị sụt giảm “ghê gớm” do sự đứng yên của các đồ án, dự án này…
Tuy nhiên, ở khía cạnh chuyên môn, việc chữa lại các đồ án, dự án lại đang đặt ra nhiều vấn đề… Chẳng hạn, nếu tiếp tục duy trì các đồ án, dự án có quy mô diện tích nhỏ (20ha, 30ha rồi 50ha) như đã cấp phép sẽ không đảm bảo cho việc có hạ tầng bền vững với mặt đường rộng, cây xanh...
Cùng đó, việc tồn tại của nhiều dự án, trong đó mỗi dự án có một tư vấn thiết kế cũng đặt ra yêu cầu có giải pháp nào đó để đảm bảo đồng bộ. “Không phải cứ vành đai 3, vành đai 4 là muốn xây bao nhiêu tầng cũng được”, một thành viên tổ rà soát lo ngại.
Các khu công nghiệp, hạ tầng xã hội được nhiều ý kiến cho rằng cần ưu tiên, trong khi các dự án thương mại, nhà ở lại đặt ra yêu cầu phải cân nhắc, tính toán quy mô, nhu cầu. Việc cho phép “bùng nổ” các đồ án, dự án bất động sản liệu có phù hợp hay chữa tỷ lệ các dự án này như thế nào là vấn đề không đơn giản.
Trong cuộc họp mới đây, lãnh đạo UBND Thành phố Hà Nội đã giao cho tổ rà soát phải làm rõ tính chất của từng đồ án, dự án cũng như mức độ triển khai. Đồng thời, tổ rà soát phải có văn bản yêu cầu các huyện, thị xã bảo đảm về việc “tạm dừng” của các đồ án, dự án (thực tế có những dự án vẫn san nền trong thời gian qua).
Đặc biệt, tổ rà soát phải xem xét, tổng hợp kiến nghị về việc chữa các đồ án, dự án đã cấp như thế nào. Tính chất công việc này của tổ rà soát được ví von như bác sĩ thẩm mỹ chữa lại bộ mặt “rách” của Hà Nội do việc cấp phép ồ ạt các đồ án, dự án trước thời điểm hợp nhất.
(Dân trí)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com