Tin kinh tế, tài chính, đầu tư, chứng khoán,tiêu dùng

Dự án giao thông Tây Bắc gọi vốn

Dự án cầu Cốc Lếu (Lào Cai) Ảnh: A.M
Một loạt dự án hạ tầng giao thông trọng điểm khu vực Tây Bắc đang được Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh tốc độ triển khai.
 
Tính đến cuối tháng 11/2010, tất cả 8 gói thầu xây lắp của Dự án Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai, công trình hạ tầng giao thông có quy mô lớn nhất khu vực Tây Bắc, đã được Tổng công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam (VEC) trao cho các nhà thầu xây dựng đến từ Hàn Quốc, Trung Quốc và Việt Nam.

“Cùng với công tác giải phóng mặt bằng cơ bản hoàn tất, Dự án đã có thể kết thúc giai đoạn ‘rốt-đa’ để bước vào thời kỳ tăng tốc triển khai xây dựng nhằm bắt kịp mục tiêu hoàn thành công trình vào năm 2013”, ông Trần Xuân Sanh, Tổng giám đốc VEC khẳng định.

Là công trình giao thông hiện đại nhất từng được triển khai tại khu vực Tây Bắc, Dự án Đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai dài 264 km, có điểm đầu tại nút giao của đường cao tốc Nội Bài – Hạ Long với Quốc lộ 2, điểm cuối tại vị trí đấu nối với đường cao tốc Côn Minh – Hà Khẩu tại xã Quang Kim (huyện Bát Xát, tỉnh Lào Cai). Tuyến đường này đi qua địa phận 5 tỉnh, thành phố: Hà Nội, Vĩnh Phúc, Phú Thọ, Yên Bái và Lào Cai.

Được thiết kế theo tiêu chuẩn đường cao tốc hiện đại nhất Việt Nam, với tốc độ chạy xe tối thiểu 80 – 100 km/giờ, tổng vốn đầu tư lên tới 1,24 tỷ USD (vay vốn Ngân hàng Phát triển châu Á – ADB), Dự án có thể coi là “một gói kích cầu lớn” đầu tư vào lĩnh vực đường bộ cho vùng Tây Bắc và các tỉnh thuộc lưu vực sông Hồng.

Dự án sau khi hoàn thành sẽ là tiền đề cho sự phát triển kinh tế - xã hội, an ninh quốc phòng và phân bố lại dân cư tại vùng Đồng bằng sông Hồng và khu vực Tây Bắc. Ngoài ra, đường cao tốc Nội Bài – Lào Cai không những rút ngắn một nửa thời gian đi lại, mà còn tạo điều kiện thuận lợi và an toàn hơn cho những người tham gia giao thông trên tuyến đường từ Hà Nội đi Lào Cai.

Ngoài tuyến đường cao tốc Hà Nội – Lào Cai chạy dọc sông Hồng, hiện tại, việc nâng cấp một tuyến đường nan quạt trọng yếu kết nối các tỉnh Tây Bắc khác là Quốc lộ 6 đang được Bộ Giao thông - Vận tải đẩy nhanh công tác chuẩn bị đầu tư.

Từng được đầu tư lớn vào năm 2001 – 2003, Quốc lộ 6, đoạn Hòa Bình - Sơn La (dài hơn 215 km) được nâng cấp tiêu chuẩn cấp 3 miền núi, tốc độ thiết kế 60 km/giờ, với các đoạn thông thường có nền đường rộng 9 m, mặt đường 7 m. Do lưu lượng xe trên tuyến tăng cao, nên đường xuống cấp nhanh. Để ngăn chặn hiện tượng này và đảm bảo giao thông trên Quốc lộ 6, Bộ Giao thông - Vận tải cho phép Tổng cục Đường bộ Việt Nam tăng cường lớp thảm bê tông nhựa (đối với các đoạn hư hỏng nặng, cho xử lý nền, móng trước khi thảm tăng cường). Theo tính toán của Tổng cục Đường bộ Việt Nam, tổng vốn đầu tư cho toàn Dự án hơn 1.798 tỷ đồng. Nếu mọi việc diễn ra suôn sẻ thì sang năm 2011, Tổng cục sẽ tiến hành triển khai thực hiện dự án này.

“Cùng với khu vực Tây Nam Bộ, hệ thống giao thông khu vực Tây Bắc đang được đầu tư nhiều nhất hiện nay, xét cả về số lượng dự án và quy mô nguồn vốn”, ông Nguyễn Hồng Trường, Thứ trưởng Bộ Giao thông - Vận tải cho biết.

Được biết, hiện trên địa bàn Tây Bắc, Bộ Giao thông - Vận tải đang triển khai 20 dự án hạ tầng giao thông, với tổng vốn đầu tư lên tới 55.000 tỷ đồng, trong đó có các dự án quan trọng như Dự án cải tạo, nâng cấp Quốc lộ 6 đoạn Sơn La - Tuần Giáo và Tuần Giáo - Mường Lay (dài trên 180 km); Dự án nâng cấp, cải tạo Quốc lộ 279 Tuần Giáo - Điện Biên; Dự án khôi phục, cải tạo Quốc lộ 70; Dự án Quốc lộ 4D tránh Thị trấn Tam Đường; Dự án nâng cấp Quốc lộ 12…

Tuy nhiên, hiện vẫn còn nhiều dự án hạ tầng giao thông thuộc các lĩnh vực: đường bộ, đường sắt, đường sông và hàng không ở khu vực Tây Bắc “xếp hàng” chờ vốn. Trong danh sách 12 dự án hạ tầng được Bộ Giao thông - Vận tải kêu gọi vốn đầu tư tại Diễn đàn Xúc tiến đầu tư vùng Tây Bắc 2010, có 7 dự án đường bộ (tổng nhu cầu vốn lên tới 14.000 tỷ đồng), 3 dự án xây dựng cảng hàng không dân dụng (nhu cầu vốn 9.100 tỷ đồng) đã được Bộ Giao thông - Vận tải hoàn tất công tác chuẩn bị đầu tư từ 3 năm nay, nhưng chưa thể triển khai vì thiếu vốn.

“Mức vốn bố trí hàng năm cho Bộ Giao thông - Vận tải hiện nay (khoảng 10.000 tỷ đồng) chủ yếu chỉ đủ tạo vốn đối ứng cho các dự án ODA”, ông Nguyễn Hoằng, Vụ trưởng Vụ Kế hoạch - Đầu tư (Bộ Giao thông - Vận tải) cho biết.

Trong khi đó, các dự án giao thông khu vực Tây Bắc thường kém hấp dẫn các nhà đầu tư do khả năng sinh lời rất thấp. Ngay cả nhiều dự án hạ tầng kết nối các cửa khẩu quốc tế lớn trong vùng sau nhiều năm gọi vốn đầu tư theo các hình thức xây dựng – khai thác – chuyển giao (BOT), xây dựng – chuyển giao (BT) đã phải quay lại chờ vốn ngân sách.

“Bộ Giao thông - Vận tải đang nỗ lực làm việc với các nhà tài trợ quốc tế để hỗ trợ vốn cho các dự án lớn trong vùng. Tuy nhiên, cùng với việc chờ những cam kết chính thức, Chính phủ nên ưu tiên dành vốn ngân sách cho các dự án lớn, cấp bách trong vùng”, ông Hoằng kiến nghị.

(Theo Báo đầu tư)

  • Ông Nguyễn Thanh Nghị: “Đề án đặc khu sẽ là bước ngoặt cho Phú Quốc”
  • Xuất ngoại tìm vốn cho dự án cao tốc
  • Siêu dự án lọc dầu 27 tỷ USD: Thủ tướng đã đồng ý
  • Hơn nửa dự án BT tại Hà Nội chưa có nhà đầu tư
  • Chuyên gia: Nên đầu tư "xe buýt nhanh" trước khi có metro
  • Dự án Đại Thế Giới: Khuất tất trong chuyển nhượng
  • Xây dựng đường cứu hộ, cứu nạn tại 3 tỉnh
  • “Bật đèn xanh” cho hai sân bay mới
  • Dự án 300 ha của Tập đoàn Hòa phát đã được phê duyệt
  • Sử dụng hiệu quả vốn ODA trong các dự án giao thông
  • Sở Quy hoạch Kiến trúc Hà Nội: Thông tin tạm dừng 16 dự án là chính xác
  • Công bố quy hoạch dự án khu nghỉ dưỡng cao cấp De Lagi, Bình Thuận
  • 4,2 tỷ USD xây sòng bạc Las Vegas đầu tiên tại Việt Nam
 tinkinhte.com
 tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com
 tin kinh te - tinkinhte.com

  • TS. Phạm Thế Anh: Xác định các nhân tố quyết định lạm phát ở Việt Nam
  • Lạm phát gia tăng: nỗi lo không chỉ riêng của Việt Nam
  • Chiến tranh tiền tệ Mỹ -Trung: Âm mưu thiết lập trật tự thế giới mới ?
  • Chính sách tiền tệ: thị trường tiền tệ liệu có rối loạn ?
  • Chính sách tiền tệ: Điều chỉnh tỷ giá hối đoái và những tác động
  • Dự báo xu hướng vận động thị trường tài chính 2010
  • Lãi suất cho vay: Rủi ro pháp lý và sức chịu đựng của doanh nghiệp
  • Ngân hàng nước ngoài tại Việt Nam "lách" luật kiếm siêu lợi nhuận?
  • PGS.TS Trần Hoàng Ngân: 'Việt Nam không nên phá giá tiền đồng'
  • Xu hướng thị trường nhà đất 2010: Nhận định từ các chuyên gia
  • Đồng USD sẽ tăng giá trở lại trong năm 2010
  • Đầu tư vào nhà đất vẫn là số một!