Với mục tiêu ban đầu hỗ trợ phát triển kinh tế nông thôn, nâng cao điều kiện sống của người dân thông qua việc cung cấp vốn, khuyến khích đầu tư; tăng khả năng tiếp cận của người nghèo nông thôn tới các dịch vụ tài chính, Dự án tài chính nông thôn II đã được “soi” tác động thực tế sau khi thời hạn giải ngân kết thúc.
Doanh nghiệp nông thôn gian nan kiếm vốn
Trên thực tế, thị trường vốn rất thiếu các nguồn vốn cho vay trung và dài hạn, do các ngân hàng rất khó huy động được nguồn vốn trung và dài hạn để cho vay ra với các kỳ hạn tương tự. Chiếm tỉ trọng lớn trong nguồn vốn ngân hàng huy động được là vốn kỳ hạn dưới 6 tháng. Theo số liệu từ nhiều ngân hàng, có tới 30% vốn ngân hàng cho vay các dự án trung và dài hạn là lấy từ nguồn huy động ngắn hạn.
Trong tình hình đó, việc có một nguồn vốn vay trung và dài hạn đáp ứng nhu cầu vay của DN nhỏ, hộ gia đình nông thôn, vùng sâu, vùng xa, nơi có tỉ lệ hộ nghèo lớn nhất, là một nhu cầu thực tế bức xúc.
Theo công bố của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam, Hiệp hội DN vừa và nhỏ Vệt Nam, có hơn 90% DN vừa và nhỏ, đặc biệt là DN nông thôn rất khó tiếp cận vốn vay từ ngân hàng.
Khảo sát DN nông nghiệp, nông thôn của Viện Chính sách và Chiến lược Phát triển nông nghiệp nông thôn (IPSARD) ghi nhận, đối với tiếp cận vốn vay, trên 80% đại diện DN, tổ chức tín dụng và quản lý địa phương được hỏi xác nhận thiếu tài sản thế chấp là khó khăn chủ yếu. Trên 70% ý kiến cho rằng DN còn rất yếu trong khả năng xây dựng và thuyết minh phương án sử dụng vốn vay.
Với quy mô nhỏ và đặc thù sản xuất nông nghiệp – sử dụng phần lớn tiền vốn vốn cho lao động, vật tư và đầu vào khác, DN vừa và nhỏ nông thôn hầu như không có tài sản để thế chấp hoặc nếu có thì giá trị cũng rất thấp.
Trong mục tiêu phát triển kinh tế gắn liền với tăng trưởng bền vững của Chính phủ, việc xóa đói, giảm nghèo, phát triển kinh tế nông thôn được coi là một chính sách lớn được ưu tiên thực hiện. Tuy nhiên, việc hỗ trợ vốn phát triển kinh tế nông thôn đòi hỏi một nguồn đầu tư lớn và dài hạn, mà ngân sách phải thực hiện dần trong từng giai đoạn phù hợp với nội lực và tình hình thực tế
Tiếp sau Dự án tài chính nông thôn I, từ năm 2003-2009, Dự án Tài chính Nông thôn II do WB tài trợ cho Chính phủ Việt Nam có số vốn tín dụng thực tế là 234,85 triệu USD được phân bổ nhằm mục tiêu hỗ trợ VN phát triển kinh tế nông thôn, cải thiện thu nhập của người dân ở khu vực nông thôn, gắn với xóa đói giảm nghèo và phát triển hệ thống tài chính nông thôn bền vững.
Dự án được thực hiện trên toàn quốc, trừ khu vực nội thành của 4 thành phố lớn là Hà Nội, Hải Phòng, Đà Nẵng và TP. Hồ Chí Minh và được thực hiện theo cơ chế hoạt động ngân hàng bán buôn.
Nguồn vốn của khoản tín dụng được chuyển cho Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) thông qua một Hợp đồng vay lại tín dụng ký giữa Bộ Tài chính và BIDV. Nguồn vốn này sẽ được cho các định chế tài chính (được BIDV lựa chọn) vay lại trong khuôn khổ các hợp đồng vay phụ ký kết giữa các định chế này với BIDV, qua đó đến tay người vay cuối cùng tại nông thôn.
Trong đó, Quỹ Phát triển Nông thôn II (RDF II) trị giá 132,71 triệu SDR (tương đương 193,88 triệu USD) được dành tài trợ các khoản vay chủ yếu trung và dài hạn cho các hộ nông nghiệp và doanh nhân nông thôn; Quỹ cho vay tài chính vi mô (MLF) được phân bổ 19,23 triệu SDR (tương đương 28,66 triệu USD) được sử dụng để cung cấp nguồn tài trợ đầu tư nhỏ và ngắn hạn của các doanh nghiệp vi mô và cá nhân, hộ gia đình nghèo nông thôn.
Vốn mồi tạo lực đẩy kinh tế nông thôn
Tính đến thời điểm kết thúc giải ngân, ngày 30/9/2009, Dự án đã lựa chọn được tổng số 25 định chế tài chính tham gia giải ngân hết 100% số vốn tín dụng được phân bổ của Dự án, tương đương 222,5 triệu USD từ tháng 9/2007, sớm hơn kế hoạch ban đầu 1 năm, và khoảng 245 triệu USD (tương đương 3.876 tỷ VNĐ tính theo thời điểm) từ Quĩ quay vòng của Dự án, nâng tổng doanh số cho vay lũy kế trong Dự án lên tương đương 467 triệu USD (7.480 tỷ VNĐ). Dư nợ cho vay Dự án đạt 2.808 tỷ VNĐ.
Cùng với nguồn vốn bổ sung từ các định chế tài chính và đóng góp của người vay, nguồn vốn Dự án đã tạo ra tổng mức đầu tư ở khu vực nông thôn lên đến 870 triệu USD (13.785 tỷ VNĐ). Dự án đã vượt tất cả các chỉ số hoạt động chủ chốt về mặt tín dụng đã thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và WB.
Đến 30/9/2009, lũy kế giải ngân Quĩ RDF II đạt khoảng 373 triệu USD (5.980 tỷ đồng), trong đó, giải ngân 193,883 triệu USD (3.043 tỷ đồng) vốn RDF II, và từ Quỹ quay vòng 179 triệu USD (2.836 tỷ đồng). Dư nợ cho vay Quĩ RDF II đạt 2.518 tỷ VNĐ, bằng 105% mục tiêu cam kết.
Vốn dự án được đảm bảo bởi tỉ lệ nợ quá hạn ở mức rất thấp: 0,33%, thấp hơn nhiều so với kế hoạch ban đầu 2%.
Đặc biệt, quỹ đã tạo được thêm 274.896 việc làm mang lại thu nhập ở nông thôn, vượt xa con số mục tiêu ban đầu là tạo việc làm cho thêm 50.000 người.
Về tổng thể, Dự án TCNT II hoàn thành các mục tiêu phát triển đã thống nhất giữa Chính phủ Việt Nam và WB khi thẩm định Dự án. Mục tiêu cung cấp tín dụng mở rộng đầu tư ở khu vực nông thôn của Dự án đã đạt được ở mức độ cao.
Một USD nguồn vốn WB đã tạo ra 3,91 USD đầu tư ở khu vực nông thôn, tăng hơn so với dự kiến khi thẩm định là 1,51 USD. Thông qua Quĩ Phát triển Nông thôn II (RDF II) và Quĩ cho vay tài chính vi mô (MLF), Dự án đã khuyến khích đầu tư tư nhân bằng việc tài trợ cho 444.644 phương án khả thi của các cá nhân, hộ gia đình và các doanh nghiệp tư nhân nông thôn.
Đặc biệt, tỷ lệ cho vay trung và dài hạn chiếm 99,2% dư nợ Quĩ RDF II, đáp ứng mục tiêu cung cấp nguồn vốn trung và dài hạn (mà các ngân hàng khan hiếm) cho đầu tư phát triển khu vực nông thôn.
Dự án TCNT II cũng thành công trong việc thực hiện mục tiêu tăng khả năng tiếp cận của người nghèo nông thôn đến dịch vụ tài chính. Nếu như trong Dự án Tài chính nông thôn I, toàn bộ món vay nhỏ của Quĩ Cho vay Người nghèo nông thôn (FRP) được giải ngân qua Ngân hàng No&PTNT, thì trong Dự án TCNT II đã có 8 định chế tham gia giải ngân Quĩ Cho vay Tài chính Vi mô (MLF).
Đã có 274.047 khoản vay nhỏ, ngắn hạn được đến tay người cần vốn ở nông thôn. Do qui mô nhỏ, bình quân chỉ khoảng 5,5 triệu đồng/khoản vay (tương đương 350 USD). Nguồn vốn Quĩ MLF cũng tập trung cho vay vào 2 ngành nghề chủ yếu là chăn nuôi (63%) và trồng trọt (28%), là những hoạt động chủ yếu mang lại thu nhập và cải thiện đời sống của người nghèo nông thôn.
Khoảng 1/3 nguồn vốn của Quĩ MLF được sử dụng cho vay ở khu vực Trung du Miền núi phía Bắc, là nơi có mật độ người nghèo cao nhất quốc gia. Có 38% chủ tiểu dự án vay món nhỏ là nữ.
Áp lực tỉ lệ thuận với hiệu quả dự án?
Đánh giá kết quả thực tế, các chuyên gia nhận định, Dự án đã đạt được 3 mục tiêu chính: Khuyến khích hoạt động đầu tư sản xuất kinh doanh của các hộ gia đình và doanh nghiệp tư nhân ở khu vực nông thôn; Giúp cải thiện khả năng tiếp cận tới các dịch vụ tài chính của người nghèo ở khu vực nông thôn; Hỗ trợ và xây dựng hệ thống tài chính bền vững ở Việt Nam; theo đó đã cung cấp nguồn vốn trung dài hạn và nâng cao chất lượng dịch vụ tài chính cung cấp cho người dân nông thôn.
Tuy nhiên, khác với các dự án thông thường, ở dự án này có thể nhận thấy áp lực dây chuyền dồn lên từ ngân hàng bán buôn, đến cả người vay cuối cùng.
Yếu tố phát triển bền vững được chú trọng trong quá trình thực hiện dự án khi đây là lần đầu tiên các ngân hàng thương mại yêu cầu người vay vốn thực hiện cam kết bảo vệ môi trường khi xem xét thẩm định dự án xin vay. Điều này giải quyết băn khoăn về việc phát triển kinh tế nông thôn hiện nay chủ yếu vẫn là tự phát, yếu tố bảo vệ môi trường chưa được chú ý đúng mức dẫn đến nhiều nơi kinh tế được cải thiện lại gắn liền với thực trạng môi trường ô nhiễm nặng nề.
Trong số các dự án vay cần áp dụng các biện pháp xử lý chất thải, đã có 82% số tiểu dự án áp dụng những biện pháp xử lý cần thiết, trong đó 27,8% có biện pháp xử lý đạt yêu cầu ở mức cao. 8% tiểu dự án có tác động môi trường ở mức vừa đang được tiếp tục theo dõi.
Để đảm bảo nguồn vốn được cho vay đúng đối tượng, hiệu quả, BIDV với vai trò là đơn vị chủ sở hữu Dự án có chức năng giám sát tình hình hoạt động của các định chế tài chính tham gia và sử dụng vốn vay của các khoản vay theo đúng các mục tiêu của Dự án. Bên cạnh đó, quá trình thực hiện đòi hỏi sự cam kết mạnh mẽ và trách nhiệm của Ngân hàng bán buôn trong suốt quá trình thực hiện, đặc biệt là việc xử lý kịp thời các vấn đề phát sinh khi vận hành Dự án.
Về mặt rủi ro, BIDV sẽ chịu rủi ro tín dụng trong cho vay tới các PFI/MFI; các PFI/MFI gánh chịu rủi ro tín dụng gắn với các khoản cho vay đến người vay cuối cùng, điều này sẽ tạo áp lực tăng cao trách nhiệm cho chính ngân hàng bán buôn-BIDV-trong việc lựa chọn các định chế đáp ứng đủ điều kiện để được tiếp nhận nguồn vốn dự án cho vay lại.
Ngoài ra, cơ chế trao đổi thông tin thắng thắn, minh bạch cũng là yếu tố cần thiết để tạo nên và duy trì mối liên hệ chặt chẽ giữa nhà tài trợ -WB với BIDV-Ngân hàng bán buôn, giữa các định chế tài chính bán lẻ tham gia dự án và người vay vốn cuối cùng, nhằm đảm bảo hiệu quả dự án.
Có thể nói, những đồng vốn nhỏ của Dự án TCNT đã làm nên hiệu quả lớn cho kinh tế nông thôn phát triển. BIDV, là ngân hàng đầu mối trong quản lý và thực hiện Dự án, đã thực sự thành công trong việc triển khai mô hình bán buôn Dự án ODA. Không chỉ vậy, Dự án cũng góp phần nâng cao năng lực thể chế cho các định chế tài chính tham gia Dự án thông qua việc giám sát việc đáp ứng các tiêu chí lựa chọn của Dự án và hướng hoạt động của các định chế tới các thông lệ quản trị mang tính quốc tế. Các kết quả thực hiện Dự án đã góp phần thực thi các chính sách điều hành của Chính phủ đặc biệt trong giai đoạn khủng hoảng kinh tế vừa qua.
Báo cáo đánh giá tác động của Dự án do Công ty Tư vấn Arthur D Little (Tây Ban Nha) thực hiện đã cho thấy Dự án TCNT II có tác động tích cực đối với tiếp cận tài chính ở khu vực nông thôn khi xác nhận 30% người vay cuối cùng lần đầu tiên được tiếp cận với các dịch vụ tài chính chính thức và 60% người vay cuối cùng lần đầu tiên mở tài khoản tiết kiệm tại các định chế tài chính chính thức, 77% người vay cuối cùng cho biết đã không thể thực hiện được dự án của họ nếu không có khoản vay từ Dự án TCNT II.
Dự án đã giúp cải thiện năng lực của các Ngân hàng ở Việt Nam trong việc cung cấp các dịch vụ tài chính cho người dân ở khu vực nông thôn. Thông qua việc thực hiện Kế hoạch phát triển thể chế, ngân hàng bán buôn là BIDV và các định chế tài chính bán lẻ có điều kiện để tập trung vào các mục tiêu cụ thể và tiến tới đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế.
(Vietnamnet)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com