Dự án “Phát triển Cụm DNNVV” nhằm hỗ trợ Chính phủ Việt Nam triển khai các chính sách và giải pháp trợ giúp phát triển DNNVV Việt Nam nâng cao năng lực cạnh tranh, tham gia sâu hơn vào chuỗi giá trị toàn cầu.
Ảnh minh họa |
Dự án do Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư phối hợp với Tổ chức Phát triển Công nghiệp Liên Hợp Quốc (UNIDO) triển khai với sự tài trợ của Chính phủ Italia (tổng kinh phí là 3 triệu Euro). Ngày 16/6 tại Hà Nội, Hội thảo Phát triển Cụm Doanh nghiệp nhỏ và vừa (DNNVV) ở Việt Nam đã được tổ chức.
Theo ông Nguyễn Trọng Hiệu, Phó Cục trưởng Cục Phát triển Doanh nghiệp, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, thời gian qua, Chính phủ Việt Nam đã ban hành nhiều cơ chế, chính sách nhằm hỗ trợ nâng cao năng lực của các DNNVV trong bối cảnh hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng.
Điển hình như Nghị định 56/NĐ-CP ngày 30/6/2009 của Chính phủ về trợ giúp phát triển DNNVV. Mới đây là Nghị quyết 22/NQ-CP ngày 5/5/2010 của Chính phủ về việc triển khai Nghị định 56/NĐ-CP.
Đây là sự định hướng lớn với các giải pháp và lộ trình thực hiện cụ thể nhằm tạo lập môi trường đầu tư; kinh doanh thuận lợi, nâng cao năng lực cạnh tranh cho các DNNVV trên cơ sở huy động các nguồn lực của Nhà nước, xã hội, doanh nghiệp và các nhà tài trợ quốc tế.
Để đạt được mục tiêu đã đề ra, Dự án sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật và cải thiện năng lực của các DNNVV được lựa chọn trong một số ngành tiềm năng với mục đích phát triển cụm hay mạng lưới liên kết, từ đó hỗ trợ thiết lập quan hệ đối tác kinh doanh giữa DNNVV của Việt Nam và Italia.
Nét nổi bật của dự án là mục tiêu thúc đẩy quan hệ đối tác kinh doanh quốc tế. Các doanh nghiệp của Việt Nam và Italia có những điểm mạnh bổ sung cho nhau.
Cụm DNNVV là sự tập trung về ngành nghề, địa lý các doanh nghiệp sản xuất và kinh doanh những sản phẩm liên quan với nhau và/hoặc bổ trợ cho nhau. Cụm DNNVV sẽ dễ dàng chinh phục được những thị trường mà họ không thể thâm nhập nếu hoạt động riêng lẻ. |
Cụ thể, doanh nghiệp Italia có lợi thế về thiết kế, chất lượng sản phẩm, kỹ năng tiếp thị và kiến thức công nghệ trong nhiều ngành, trong khi các doanh nghiệp Việt Nam có lợi thế về nguồn nhân lực dồi dào với chi phí thấp, có thị trường châu Á rộng lớn và ngày càng phát triển.
Nét nổi bật nữa của Dự án là việc áp dụng phương thức tiếp cận “phát triển cụm”. Cụm công nghiệp là sự tập trung các ngành nghề liên quan mà nhân tố kết nối là mạng lưới quan hệ đối tác kinh doanh.
Đồng thời, sẽ triển khai các chương trình hỗ trợ kỹ thuật mà mục tiêu là khắc phục điểm yếu của DNNVV Việt Nam về: năng lực thiết kế và tiếp thị, quy trình và đổi mới sản phẩm, công nghệ sản xuất, kiểm tra chất lượng, kỹ năng quản lý và chuyên môn và tiếp cận tài chính.
Các hoạt động phát triển đầu tiên sẽ được triển khai tại một số cụm thí điểm thuộc ba ngành dệt/may, da/giầy và chế biến gỗ.
Trưởng ban Cụm và Kết nối Kinh doanh UNIDO Vienna Giovanna Ceglie nhấn mạnh, bài học kinh nghiệm của các nước là có những giải pháp hỗ trợ, nhưng cần tránh việc trợ cấp cho doanh nghiệp, tăng cường hợp tác công - tư, tăng cường nâng cao kỹ năng cho các doanh nghiệp và các tổ chức quản lý nhà nước.
(Theo Huy Thắng // Tin Chính phủ)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com