Tiến độ lập Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá đang được Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT) đẩy nhanh, làm cơ sở gọi vốn đầu tư theo mô hình hợp tác nhà nước - tư nhân (PPP).
Theo ông Nguyễn Hoằng, Tổng giám đốc Ban quản lý dự án 1 (đơn vị được giao nhiệm vụ lập dự án đầu tư), đến cuối tháng 7/2010, Tổng công ty Tư vấn giao thông vận tải (TEDI) sẽ hoàn thành báo cáo cuối kỳ, làm cơ sở để Bộ GTVT ra quyết định phê duyệt đầu tư Dự án.
Phải nói thêm rằng, đoạn đường bộ cao tốc Bắc Nam thứ ba này (sau đoạn cao tốc Pháp Vân - Cầu Giẽ và Cầu Giẽ - Ninh Bình) được đánh giá là có hiệu quả kinh tế khá cao và lưu lượng phương tiện giao thông qua Quốc lộ 1 tại khu vực trên sắp mãn tải. Sức ép phải đầu tư đoạn đường này sẽ còn lớn hơn khi Dự án Xây dựng đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình dài 56 km (do Công ty Đầu tư phát triển đường cao tốc Việt Nam) làm chủ đầu tư, dự kiến đưa vào khai thác từ năm 2011.
Cùng với Dự án Xây dựng đường cao tốc Dầu Giây - Phan Thiết, tuyến cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa là một trong 2 đoạn thuộc tuyến đường bộ cao tốc Bắc - Nam vừa được Thủ tướng Chính phủ cho phép áp dụng thí điểõm mô hình đầu tư theo hình thức PPP.
“Việc thay đổi hình thức đầu tư dự án từ BOT sang PPP khiến công tác chuẩn bị Dự án phải khởi động lại từ đầu. Giữa tháng 6/2009, Thủ tướng Chính phủ mới cho phép Bộ GTVT lập lại Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá. Tuy nhiên, đây cũng là yếu tố làm tăng sức hấp dẫn của Dự án”, ông Hoằng cho biết.
Được biết, vào giữa tháng 3/2010, Đại sứ Cộng hoà Séc tại Việt Nam đã đề nghị lãnh đạo Bộ GTVT tạo điều kiện để một số tập đoàn xây dựng nước này do Công ty PSJ đứng đầu được tìm hiểu về khả năng tham gia đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dưới hình thức PPP. Trước đó, Tổng công ty Công nghiệp Xi măng Việt Nam (VICEM) đã được Chính phủ giao chuẩn bị đầu tư Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hoá theo hình thức BOT.
Theo tính toán của VICEM, ngay cả khi đã nhận được một loạt cơ chế hỗ trợ, chính sách ưu đãi về thuế, đất đai, nếu đầu tư mặt đường bằng bê tông như đề xuất của VICEM, thì khả năng hoàn vốn từ thu phí là khó khả thi (sơ bộ theo đề xuất của Dự án, nếu giá thu phí cao bình quân gấp 4,8 lần như hiện nay, thì thời gian thu hồi vốn dự kiến là 25 năm).
“Việc phải thay đổi phương thức đầu tư là điều cần thiết, để Dự án có thể đảm bảo bài toán tài chính cho VICEM, hay bất cứ nhà đầu tư khác có ý định tham gia”, ông Hoằng đánh giá.
Theo báo cáo đầu kỳ dự án đầu tư xây dựng công trình do TEDI lập, Dự án Xây dựng đường cao tốc Ninh Bình - Thanh Hóa dài 121 km đi qua địa phận 3 tỉnh gồm Nam Định, Ninh Bình và Thanh Hóa. Điểm đầu Dự án tại nút giao Cao Bồ (tỉnh Nam Định), tại vị trí km 260 - tức là điểm cuối của đường cao tốc Cầu Giẽ - Ninh Bình. Điểm cuối Dự án tại vị trí hết địa phận tỉnh Thanh Hóa.
Hướng tuyến đi theo phía Đông Quốc lộ 1A, phía Tây đường sắt cao tốc Bắc - Nam tương lai. Dự án sẽ được đầu tư xây dựng theo tiêu chuẩn đường cao tốc loại A. Vận tốc thiết kế 100 - 120 km/giờ. Các đoạn địa hình khó khăn do cắt qua địa hình núi cao phải xây dựng công trình hầm có thể thiết kế với cấp 80. Đầu tư xây dựng đường cao tốc 6 làn xe/quy hoạch 8 làn xe. Giải phóng mặt bằng trong phạm vi từ chân taluy ra mỗi bên 10 m. Những đoạn qua bãi sông đất yếu có thể nghiên cứu xây dựng cầu vượt.
Hiện Bộ GTVT đã đề xuất với Chính phủ vay vốn từ Công ty Tài chính quốc tế (IFC - thuộc Ngân hàng Thế giới) cho phần vốn hỗ trợ từ ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, khối lượng vốn hỗ trợ của Nhà nước và phần đóng góp của phía các doanh nghiệp tư nhân sẽ chỉ được làm rõ sau khi Bộ GTVT hoàn thành xong Dự án đầu tư.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com