Thi công cầu vượt CV1-CV2, một hạng mục xây lắp thuộc Tiểu dự án Phả Lại-Hạ Long |
Gói thầu nêu trên bao gồm việc thiết kế – cung cấp vật tư, thiết bị – xây lắp (EPC) hệ thống thông tin tín hiệu cho toàn Dự án tuyến đường sắt Yên Viên – Phả Lại – Hạ Long – Cái Lân. Dự án có tổng mức đầu tư lên tới 3.851 tỷ đồng, sử dụng nguồn vốn trái phiếu công trình. Đây là gói thầu có quy mô lớn nhất Dự án, với giá gói thầu lên tới 619 tỷ đồng, được áp dụng hình thức đấu thầu rộng rãi quốc tế, 1 túi hồ sơ.
Trái với mục tiêu lựa chọn nhà thầu quốc tế có giải pháp công nghệ tối ưu nhất, giá thành hợp lý nhất, thông qua đấu thầu cạnh tranh, minh bạch cho hạng mục thông tin tín hiệu của tuyến đường sắt hiện đại dài 130 km từ ga Yên Viên – cảng Cái Lân, trong quá trình tuyển chọn nhà thầu EPC cho Gói thầu số 3, bên mời thầu – Cục Đường sắt Việt Nam - đã vi phạm nhiều quy định của Luật Đấu thầu từ việc chuẩn bị hồ sơ mời thầu (HSMT), đến chấm thầu và xử lý tình huống đấu thầu.
Vi phạm đầu tiên là có sự khác biệt lớn giữa nội dung HSMT với nội dung của quyết định đầu tư Tiểu dự án Phả Lại – Hạ Long được đề cập tại Quyết định số 2181/QĐ – BGTVT ngày 24/7/2008 của Bộ Giao thông - Vận tải (GTVT). Cụ thể, trong khi tại Điều 1, mục 5.3.4, phần công trình tín hiệu của Quyết định số 2181 nêu rõ: “phương thức liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở rơ le”, thì trong HSMT Gói thầu số 3, Cục Đường sắt Việt Nam lại quy định: “phương thức liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở rơ le hoặc vi xử lý”.
Việc Cục Đường sắt Việt Nam tự “chữa” quyết định của cấp quyết định đầu tư đã vi phạm khoản 1, Điều 9, Nghị định 58/NĐ-CP ngày 5/5/2008 hướng dẫn thi hành và lựa chọn nhà thầu xây dựng theo Luật Xây dựng, với quy định: cơ sở xây dựng kế hoạch đấu thầu phải dựa trên quyết định đầu tư. Theo các chuyên gia, thay đổi phương thức liên khoá cho việc thiết kế, cung cấp vật tư cho hạng mục thông tin tín hiệu đồng nghĩa với việc thay đổi công nghệ của cả gói thầu và có tác động lớn tới giá bỏ thầu và số lượng ứng thầu lọt qua vòng giải pháp kỹ thuật.
Để hợp thức hóa sự thay đổi trên, ngày 9/7/2009, Cục Đường sắt Việt Nam đã có Tờ trình số 701/TTr–CĐSVN đề nghị Bộ GTVT điều chỉnh Điều 1, mục 5.3.4, Quyết định số 2181 từ “phương thức liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở rơ le” thành “phương thức liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở vi xử lý”. Ngày 11/9/2009, Bộ GTVT đã có Công văn số 6312/QĐ-BGTVT chấp nhận tờ trình của Cục Đường sắt Việt Nam
Mọi việc sẽ không có gì để nói bởi việc thay đổi nội dung HSMT là điều được Luật Đấu thầu cho phép, nếu như đó là điều cần thiết và được cấp quyết định đầu tư phê duyệt. Tuy nhiên, không hiểu vì lý do gì, ngày 4/9/2009, Cục Đường sắt Việt Nam đã tổ chức mở thầu Gói thầu số 3, mà không đợi quyết định phê chuẩn của cấp quyết định đầu tư - Bộ GTVT.
Điều đáng nói hơn, sau khi có những thay đổi về nội dung mời thầu, Cục Đường sắt Việt Nam cũng không thực hiện đúng khoản 1, Điều 33 Luật Đấu thầu số 61/2005/QH11 ngày 29/11/2005 về việc thông báo đến các nhà thầu đã nhận HSMT tối thiểu 10 ngày trước ngày đóng thầu. Hai lỗi vi phạm rất nặng trên của Cục Đường sắt Việt Nam đã làm giảm tính minh bạch của cuộc đấu thầu.
Đồng loạt “việt vị”
Việc HSMT cùng lúc đưa ra 2 phương án cho công nghệ áp dụng là rơ le hoặc vi xử lý đã gây lúng túng cho các bên dự thầu. Điều này thể hiện ở việc, trong Hồ sơ dự thầu (HSDT) của Liên danh nhà thầu CRSCS (Trung Quốc) – CTTE, ngoài phần bài thầu làm theo phương án liên khóa khống chế dựa trên cơ sở rơ le, ứng thầu này còn có thêm thư ngỏ xây dựng phương án liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở vi xử lý. Điều này vi phạm quy chế đấu thầu.
Vậy mà Cục Đường sắt Việt Nam lại chấm cả thư ngỏ của nhà thầu và chấp nhận Liên danh CRSCS (Trung Quốc) – CTTE là một trong hai nhà thầu đáp ứng yêu cầu về mặt kỹ thuật, thì quả là “nghiệp dư”. Sau đó, liên doanh này vẫn bị loại do HSDT có tổng giá trị tuyệt đối sai lệch giữa giá dự thầu trước và sau khi hiệu chỉnh lớn hơn 29,95% giá dự thầu.
Ngay cả nhà thầu trúng thầu là Công ty TNHH Hệ thống công nghiệp LS Hàn Quốc cũng không tránh khỏi sai sót. Bảo đảm dự thầu của nhà thầu này không hợp lệ khi không ghi rõ tên bên mời thầu là Ban quản lý Dự án đường sắt (đơn vị thụ hưởng), vi phạm Điều 361, Bộ luật Dân sự 2005 về điều kiện chủ thể tham gia hợp đồng bảo lãnh. Công văn số 7174/BKH – QLĐT ngày 18/9/2009 của Bộ Kế hoạch và Đầu tư trả lời Công văn số 864/BQLDAĐS – KHĐT ngày 19/9/2009 của Ban quản lý Dự án đường sắt về vấn đề này cũng khẳng định, Đảm bảo dự thầu của Công ty TNHH hệ thống công nghiệp LS Hàn Quốc là không hợp lệ.
Oái oăm ở chỗ, thay vì phải loại Công ty TNHH Hệ thống công nghiệp LS Hàn Quốc, Cục Đường sắt Việt Nam lại lựa chọn nhà thầu này, với bài thầu là phương thức liên khóa sử dụng liên khóa khống chế dựa trên cơ sở vi xử lý, để trao gói thầu.
Đến thời điểm này, chưa thể khẳng định Cục Đường sắt Việt Nam 3 đã “thông thầu”, nhưng với những vi phạm Luật Đấu thầu, việc huỷ bỏ kết quả đấu thầu Gói thầu số 3 là cần thiết. Thanh tra Bộ GTVT cũng cần sớm vào cuộc để làm rõ động cơ của những vi phạm này của bên mời thầu.
Theo nguồn tin riêng của chúng tôi, kế hoạch ký hợp đồng Gói thầu số 3 giữa Cục Đường sắt Việt Nam và Công ty TNHH Hệ thống công nghiệp LS Hàn Quốc vào ngày 17/1/2010 đã được đích thân Bộ trưởng Bộ GTVT Hồ Nghĩa Dũng yêu cầu huỷ bỏ sau khi được một cơ quan chức năng ngoài Bộ thông báo các sai phạm của chủ đầu tư.
Từ cuộc đấu thầu Gói thầu số 3 với những lỗi vi phạm rất cơ bản của chủ đầu tư, Bộ GTVT, với vai trò là cấp quyết định đầu tư, cũng cần xem xét lại việc thanh tra, giám sát quá trình thực hiện các hoạt động của các chủ đầu tư, gồm công tác đấu thầu, triển khai các dự án trong ngành.
(Theo Anh Minh // Báo đầu tư)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com