Chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận đã được Quốc hội quyết định và công tác chuẩn bị đang được “tăng tốc” để có thể khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 vào năm 2014. Để Dự án “thuận buồm, xuôi gió”, một trong những vấn đề quan trọng hiện nay là tạo sự đồng thuận cao trong các tầng lớp nhân dân ở vùng dự án…
Vị trí dự định đặt Nhà máy điện hạt nhânNinh Thuận 1. |
Dự án quan trọng của quốc gia
Ngày 25-11-2009, tại kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XII đã thông qua Nghị quyết số 41/2009/QH 12 về chủ trương đầu tư Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo đó, Dự án này gồm hai nhà máy với bốn tổ máy, có tổng công suất 4.000 MW để cung cấp điện cho hệ thống điện quốc gia, góp phần phát triển kinh tế-xã hội đất nước và tỉnh Ninh Thuận.
Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 đặt tại xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam và Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2 đặt tại xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, cùng thuộc địa bàn tỉnh Ninh Thuận. Về công nghệ chính, chủ trương của Quốc hội là chọn công nghệ lò nước nhẹ cải tiến, thế hệ lò hiện đại nhất, đã được kiểm chứng, bảo đảm tuyệt đối an toàn và hiệu quả kinh tế. Quốc hội cũng chấp nhận tổng mức đầu tư tại thời điểm lập dự án (quý 4- năm 2008 ) với dự toán khoảng 200 nghìn tỷ đồng. Dự kiến, Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1 sẽ được khởi công xây dựng vào năm 2014, đưa tổ máy đầu tiên vận hành vào năm 2020. Căn cứ tình hình chuẩn bị, Chính phủ báo cáo Quốc hội quyết định thời điểm khởi công xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2.
Tiếp đó, ngày 18-3-2010, Thủ tướng Chính phủ đã có văn bản số 460/TTg-KTN chỉ đạo các bộ, ngành, địa phương liên quan triển khai thực hiện kế hoạch tổng thể liên quan Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Theo văn bản này, Thủ tướng đồng ý thành lập Ban Chỉ đạo Nhà nước Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận do Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải làm Trưởng ban để triển khai thực hiện dự án.
Để Dự án có được “hình hài” như hiện nay, công tác chuẩn bị đã được các bộ, ban, ngành, địa phương liên quan tiến hành từ nhiều năm trước. Một loạt vấn đề liên quan đến dự án đã được nghiên cứu, tìm hiểu kỹ lưỡng nhằm tìm lời giải đáp thuyết phục nhất. Đó là các nội dung: Sự cần thiết xây dựng nhà máy điện hạt nhân tại Việt Nam; sự lựa chọn về công nghệ, địa điểm; các giải pháp về kỹ thuật, bảo đảm an toàn; nghiên cứu về tác động môi trường; phương án bảo đảm quốc phòng, an ninh; hợp tác quốc tế…
Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận không chỉ nhằm bổ sung nguồn điện cho quốc gia, mà còn đưa lại nhiều cơ hội cho một tỉnh còn khó khăn như Ninh Thuận đẩy mạnh phát triển kinh tế-xã hội, tăng thu ngân sách cho địa phương, nâng cao đời sống nhân dân, nhất là bà con ở vùng dự án. Quá trình xây dựng hai nhà máy đòi hỏi nhu cầu rất lớn về các loại vật tư, nguyên liệu, nhân công, trong đó có một phần khá lớn khai thác, tuyển dụng tại địa phương. Đây là điều kiện tốt cho việc phát triển nhiều ngành dịch vụ ở Ninh Thuận và tạo thêm việc làm, thu nhập ổn định cho hàng nghìn người dân địa phương. Ngoài ra, việc thực hiện dự án cũng đòi hỏi phải nâng cấp, xây dựng mới hệ thống đường sá, cầu cống, bến cảng…góp phần cải thiện hệ thống giao thông ở địa phương, thúc đẩy sự phát triển nhiều mặt ở Ninh Thuận…
Tuy nhiên, đó là những chuyện còn ở phía trước. Vấn đề quan trọng trước mắt là phải tìm được sự đồng thuận trong các tầng lớp nhân dân địa phương về việc triển khai thực hiện dự án này.
Tạo sự đồng thuận trong nhân dân
Một góc thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam (Ninh Thuận), nơi phải di dời nhường chỗ cho Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1. |
Giữ vai trò “ chủ công” trong việc chuẩn bị Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận chính là Tập đoàn Điện lực Việt Nam ( EVN ). Từ tháng 9-2007, EVN đã thành lập Ban chuẩn bị đầu tư dự án điện hạt nhân và năng lượng tái tạo ( NRPB ). Một trong những phần việc được NRPB bắt tay thực hiện từ rất sớm là phối hợp với chính quyền địa phương xây dựng các chương trình truyền thông về điện hạt nhân để người dân thấy rõ vị trí, vai trò của dự án, từ đó đồng thuận với việc triển khai, thực hiện dự án tại Ninh Thuận.
Theo Tiến sĩ Trần Văn Luyến, Trưởng Văn phòng Ninh Thuận của NRPB, người dân cần thông tin gì về điện hạt nhân, về dự án điện hạt nhân Ninh Thuận, thì phải cung cấp đầy đủ, rõ ràng cho bà con biết. Một loạt vấn đề được người dân đặt ra và NRPB đã cố gắng giải thích một cách dễ nhớ, dễ hiểu và có sức thuyết phục. Tựu trung, là các câu hỏi: Nhà máy điện hạt nhân là gì? Tại sao nước ta cần điện hạt nhân? Tại sao Ninh Thuận lại được chọn xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên của nước ta? Nhà máy này có ảnh hưởng đến sức khỏe con người và môi trường không? Xây dựng nhà máy điện hạt nhân thì quốc gia được gì và Ninh Thuận được gì?...
Để việc tuyên truyền đạt hiệu quả cao, NRPB cũng đã chọn nhiều cách tiếp cận, như tổ chức hội thảo, triển lãm, tọa đàm, tiếp xúc người dân vùng dự án và tổ chức đoàn tham quan các cơ sở hạt nhân. Theo Văn phòng Ninh Thuận của NRPB, đến nay, đã tổ chức ba triển lãm quốc tế kết hợp với hội thảo chuyên đề tại Hà Nội và Ninh Thuận thu hút hơn 1.650 đại biểu tham gia và khoảng 13.500 lượt người tham quan, đồng thời tổ chức sáu hội thảo quy mô lớn, 20 hội thảo quy mô nhỏ dành cho các nhóm cộng đồng dân cư ở địa phương và mở một lớp tuyên truyền viên. Thời gian qua, NRPB cũng đã tổ chức cho hàng trăm cán bộ, chức sắc tôn giáo, đại diện các tầng lớp nhân dân ở Ninh Thuận đi tham quan Lò phản ứng hạt nhân tại Viện nghiên cứu hạt nhân Đà Lạt ( Lâm Đồng ) và nhiều chuyến tham quan thực tế các nhà máy điện hạt nhân ở Nhật Bản, Trung Quốc. Đặc biệt, đã trực tiếp tiếp xúc và cung cấp thông tin về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận cho hơn 20 nghìn lượt cán bộ, nhân dân trong tỉnh. Nhờ việc tuyên truyền một cách thường xuyên, liên tục bằng nhiều hình thức phong phú, nên nhận thức, thái độ của người dân địa phương về Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận ngày càng chuyển biến theo chiều hướng đồng thuận, ủng hộ.
Đến nay, hầu hết 140 hộ dân ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, nơi dự định đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 1, đều sẵn sàng dời làng nhường đất để xây dựng nhà máy. Ông Nguyễn Văn Lậy, một người cao tuổi ở Vĩnh Trường, cho biết: “ Chúng tôi thường động viên con cháu chấp hành tốt chủ trương của Đảng, Nhà nước về xây dựng Nhà máy điện hạt nhân vì sự phát triển chung của cả nước, của Ninh Thuận, trong đó có Vĩnh Trường. Tôi vừa được đi tham quan Lò phản ứng hạt nhân Đà Lạt, tôi thấy rất an tâm, tin tưởng vào sự an toàn của Nhà máy điện hạt nhân sắp tới đặt tại Vĩnh Trường”.
Tiến sĩ Trần Văn Luyến cho biết thêm: Qua các lần hội thảo, tiếp xúc với bà con, mọi người đều tranh luận thẳng thắn, cởi mở để rồi sự đồng thuận ngày càng hiện diện nhiều hơn. Vào ngày 18-10-2009, tại cuộc họp HĐND ba cấp ở Ninh Thuận, 100% đại biểu đều biểu quyết chấp thuận xây dựng các nhà máy điện hạt nhân trên địa bàn tỉnh.
Bảo đảm tái định cư tốt nhất
Một góc thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải ( Ninh Thuận), nơi dự định đặt Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2. |
Theo văn bản 460/TTg-KTN ngày 18-3-2010, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng giao nhiệm vụ cho UBND tỉnh Ninh Thuận làm chủ đầu tư dự án di dân tái định cư của các dự án Nhà máy điện hạt nhân tại Ninh Thuận. Thủ tướng cũng cho phép triển khai ngay dự án hạ tầng phục vụ thi công và dự án di dân tái định cư.
Bất kỳ dự án nào lớn cũng vậy, việc di dân tái định cư có vai trò rất quan trọng, liên quan mật thiết đến tiến độ triển khai thực hiện dự án. Tất nhiên, việc tổ chức tái định cư, giải quyết việc làm cho người dân đã nhường đất để xây dựng công trình, phải bảo đảm bằng hoặc tốt hơn nơi ở cũ của bà con. Đây cũng là yếu tố quyết định đến sự đồng thuận của người dân trong thực tế.
Tinh thần chung của người dân ở hai địa điểm dự kiến lựa chọn đặt hai Nhà máy điện hạt nhân ở Ninh Thuận đều sẵn sàng dời làng, nhường đất cho dự án. Nhưng bà con cũng mong muốn có được nơi ở mới phù hợp, thuận lợi trong việc làm ăn và bảo tồn được truyền thống quê hương đã nhiều đời vun đắp nên. Ông Võ Văn Hưng, 66 tuổi, ở thôn Vĩnh Trường, xã Phước Dinh, huyện Thuận Nam, tâm sự: “ Nhiều đời nay, người dân Vĩnh Trường chúng tôi sinh sống chủ yếu dựa vào việc khai thác tôm hùm giống, nhặt rau câu từ biển. Do vậy, nguyện vọng của chúng tôi muốn được dời làng về phía bắc thôn hiện nay để có thể tiếp tục bám biển sinh sống”. Ông Hưng cũng trăn trở: Trước mắt, Nhà nước nên quy hoạch khu nghĩa trang để những người tạ thế có nơi chôn cất được mồ yên, mả đẹp.
Còn anh Võ Văn Bảy, nông dân sản xuất giỏi ở thôn Thái An, xã Vĩnh Hải, huyện Ninh Hải, nơi dự định xây dựng Nhà máy điện hạt nhân Ninh Thuận 2, giải bày tâm sự: “ Vì lợi ích chung của quốc gia, bà con Thái An chúng tôi sẵn sàng nhường đất để xây dựng Nhà máy điện hạt nhân. Tuy nhiên, khi chính quyền quyết định địa điểm định cư mới, cần bảo đảm cuộc sống ổn định lâu dài cho người dân. Có thể xây dựng nhiều phương án tái định cư để nhân dân chủ động lựa chọn nơi ở mới nhưng vẫn giữ tên làng Thái An đã gắn với truyền thống quê hương cách mạng anh hùng”.
Tâm tư, nguyện vọng của người dân trong vùng dự án cũng là những vấn đề mà lãnh đạo tỉnh Ninh Thuận, các ban ngành liên quan ở địa phương xem là một trong những nhiệm vụ trọng tâm hiện nay, cần chủ động tổ chức thực hiện bảo đảm lợi ích hài hòa của nhiều phía. Quan điểm chung của tỉnh Ninh Thuận là giải quyết tốt nhất nơi ở mới cho các hộ dân phải di dời, đồng thời tổ chức chuyển đổi nghề gắn với các nghề làm ăn sinh sống truyền thống của bà con. Phó Giám đốc Sở Xây dựng Ninh Thuận Phạm Văn Hậu, cho biết: Tỉnh đã và đang rất chủ động trong việc thực hiện nhiệm vụ tổ chức di dân và bố trí tái định cư cho nhân dân trong vùng dự án. Thực tế, từ các vị trí tái định cư do nhân dân đề xuất, các vị trí do tỉnh dự kiến, đã nhiều lần tổ chức họp dân nhằm tìm sự thống nhất cao nhất khi lựa chọn.
Phó Chủ tịch UBND tỉnh Ninh Thuận Đỗ Hữu Nghị, phân tích: Việc tái định cư và giải quyết việc làm cho nhân dân trong vùng phải di dời để nhường vị trí cho các dự án nhà máy điện hạt nhân, về nguyên tắc, phải xây dựng chính sách ưu đãi đặc biệt hơn các dự án khác. UBND tỉnh đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường xây dựng các chính sách cụ thể. Về vị trí tái định cư chính thức, tỉnh và người dân trong vùng dự án đang trong quá trình thỏa thuận chọn lựa. Điều chắc chắn là vị trí tái định cư sẽ bảo đảm các mục tiêu tốt nhất theo nguyện vọng chung của đa số người dân.
Vấn đề này, theo ý kiến chỉ đạo của Thủ tướng Chính phủ, thì Bộ Công thương chủ trì, phối hợp với các bộ, ngành liên quan đề xuất, trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, quyết định cơ chế, chính sách đặc thù thực hiện và quản lý Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận. Hiện tại, tỉnh Ninh Thuận vẫn đang chờ cơ chế, chính sách đặc thù ấy. Phó Giám đốc Sở Tài nguyên và Môi trường Ninh Thuận Lê Ngọc Thạch, cho biết: Từ cơ sở chính sách, cơ chế chung, tỉnh sẽ xây dựng chính sách riêng áp dụng tại địa phương, dĩ nhiên, chính sách ấy phải được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt. Hiện tại, Sở đang tiến hành xây dựng chính sách liên quan đến tái định cư cho nhân dân vùng dự án điện hạt nhân, đang lấy ý kiến đóng góp của nhân dân. Dự kiến, đến cuối tháng 5 này, sẽ trình lên UBND tỉnh.
Vì nguồn điện mới của quốc gia, vì sự phát triển chung của đất nước, hy vọng, Dự án điện hạt nhân Ninh Thuận sẽ được triển khai thực hiện “thuận buồm, xuôi gió” đúng theo chủ trương của Quốc hội đã quyết định.
(Bài và ảnh: Dương Hồng Lâm // Nhandan Online)
Chuyển nhượng, cho thuê hoặc hợp tác phát triển nội dung trên các tên miền:
Quý vị quan tâm xin liên hệ: tieulong@6vnn.com